Ươm mầm thay đổi: Thúc đẩy quá trình chuyển đổi tuần hoàn trong ngành cà phê tại tỉnh Sơn La

Mai Sơn: Điểm sáng trong phát triển kinh tế nông nghiệp

Tỉnh Sơn La. Nguồn ảnh: trên mạng

Tại trung tâm tỉnh Sơn La, người nông dân đang đón nhận một phương pháp trồng cà phê mới – một phương pháp không chỉ hứa hẹn cho ra những ly cà phê thơm ngon hơn mà còn giúp bảo vệ môi trường.

Sơn La tự hào có hơn 20.000 ha trồng cà phê, sản lượng hàng năm lên đến 45.000 tấn. Vùng này đóng một vai trò quan trọng trong ngành cà phê Việt Nam, chiếm 50,3% sản lượng cà phê Arabica cả nước. Tuy nhiên, Mai Sơn, huyện có diện tích trồng cà phê lớn nhất, đã và đang phải chật vật với những hậu quả của việc canh tác không bền vững.

Ông Nguyễn Khắc Hảo, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mai Sơn, cho biết: “Ngành nông nghiệp của Sơn La những năm gần đây có nhiều sự bứt phá nổi bật; khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế để phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế hàng hóa cao nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. ”

Trong nhiều năm, nước thải từ các cơ sở chế biến cà phê bị thải ra các nguồn nước tại địa phương, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Trong khi đó, việc lạm dụng phân bón hóa học, mặc dù làm tăng năng suất trong ngắn hạn, đã làm suy giảm chất lượng đất, gây nguy hiểm cho sự bền vững lâu dài của ngành cà phê trong khu vực.

Chị Lò Thị Tích, một nông dân trồng cà phê ở xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, là một trong nhiều nông dân nhận thức được những tác động tiêu cực của phương pháp canh tác truyền thống. Chị đã cố gắng chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ nhưng thiếu hướng dẫn đúng cách để làm điều đó hiệu quả.

“Trước đây, tôi thường đổ vỏ cà phê trực tiếp lên đất xung quanh cây cà phê của mình mà không biết rằng nó gây hại do tính axit cao,” chị Tịch chia sẻ. “Hành động này thậm chí còn giết chết một số cây của tôi. Tuy nhiên, nhờ khóa đào tạo về kinh tế tuần hoàn của UNDP và PSAV, giờ đây tôi đã biết cách biến vỏ cà phê thành phân hữu cơ giàu dinh dưỡng.”

Chị Tích là một trong 80 người tham gia chương trình tập huấn về thực hành kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị cà phê, được tổ chức tại huyện Mai Sơn bởi UNDP, phối hợp với Viện Khoa học Phát triển Nông thôn (SIRD), Hiệp hội Phát triển Nông nghiệp Bền vững Việt Nam (PSAV) và Trung tâm Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam (CE Hub), với sự tài trợ của Viện Quản lý Nước Quốc tế (IWMI), từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 5 năm 2024.

Trước khi tập huấn, nhiều nông dân thừa nhận rằng họ đơn giản là không biết bắt đầu từ đâu. Một cuộc khảo sát sơ bộ của SIRD cho thấy gần 65% cộng đồng chưa từng nghe nói về kinh tế tuần hoàn, chứ chưa nói đến cách áp dụng nó vào thực tế với chất thải cà phê. Tuy nhiên, khảo sát cũng cho thấy nhiều người mong muốn được học hỏi, với mong muốn tìm hiểu cách quản lý chất thải và biến nó thành nguồn tài nguyên có giá trị.

Tham gia khóa đào tạo, nông dân được trải nghiệm thực tế về các ứng dụng của khái niệm tuần hoàn thông qua các chuyến đi thực địa. Họ đã chứng kiến ​​các sáng kiến ​​do cộng đồng lãnh đạo biến vỏ cà phê, thứ từng bị coi là rác thải, thành phân bón hữu cơ hiệu quả, cũng như ​​cách nước thải từ quá trình sơ chế cà phê, trước đây là mối lo ngại về ô nhiễm, đang được chuyển hóa thành nước tưới tiêu thông qua một hệ thống chi phí thấp, dễ mở rộng. Giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả này chỉ cần hai bể chứa, một gói môi trường vi sinh vật và mật đường, vừa xử lý hiệu quả nước thải vừa thúc đẩy sự phát triển của cây trồng và bảo tồn nước. Họ cũng có cơ hội đến thăm Phúc Sinh, một nhà sản xuất cà phê lớn trong khu vực, nơi họ được chứng kiến ​​việc sử dụng vỏ cà phê một cách sáng tạo để tạo ra một loại trà tên Cascara độc đáo và thơm ngon.

Ông Trần Đức Miên, Giám đốc Kỹ thuật của Hợp tác xã Nông nghiệp Sơn La, đang hướng dẫn nông dân làm phân sinh học từ bã cà phê. Ảnh: SIRD.

Đối với những nông dân như chị Tích, các mô hình kinh tế tuần hoàn này đại diện cho một giải pháp mới, giúp tạo ra các mô hình sản xuất mới, mở rộng chuỗi giá trị của ngành, mang lại lợi ích kinh tế cho người nông dân bằng cách tiết kiệm chi phí xử lý chất thải, tái sử dụng chất thải làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và tạo ra các sản phẩm nông nghiệp bền vững, giá trị cao.

Làn sóng thay đổi tuần hoàn đã vượt ra khỏi những cánh đồng cà phê Sơn La. Dự án dự kiến sẽ mở rộng phạm vi, đào tạo nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long về cách áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn vào canh tác lúa gạo. Dự án cũng sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các mô hình tuần hoàn tái sử dụng phụ phẩm cà phê và lúa gạo để giải quyết các nút thắt và nhân rộng các mô hình này tại địa phương.

Hãy theo dõi những câu chuyện tiếp theo về nông nghiệp tuần hoàn trên Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam!

Chia sẻ

(152)