Tôn vinh những chiến binh xanh vì một Việt Nam văn minh với rác

Ngày 19/10/2023, Công ty Cổ phần VietCycle phối hợp với Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam tổ chức Lễ tôn vinh những chiến binh xanh vì một Việt Nam văn minh với rác nhằm vinh danh 300 lao động nữ thu gom rác thuộc khối lao động phi chính thức. Tham dự Lễ tôn vinh có đại diện Lãnh đạo VietCycle, Unilever, Tridi (Inđônêxia), Sở TN&MT Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, Hội LHPN Hà Nội cùng các nữ lao động thu gom ve chai đến từ các địa phương Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội,  TP. Hồ Chí Minh.

Các đại biểu tham dự Lễ tôn vinh

Phát biểu khai mạc Lễ tôn vinh, ông Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty VietCycle cho biết, với sứ mệnh biến rác thải thành tài nguyên, những năm qua Công ty đã nỗ lực xây dựng hệ thống thu gom rác thải nhựa với cộng đồng, gồm 3.000 lao động đến từ các địa phương. Công ty cũng đã đồng hành cùng Unilever triển khai Dự án: “Hồi sinh rác thải nhựa” với mục đích xây dựng một mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) thu gom, phân loại, tái chế rác thải nhựa. Công ty luôn coi những những nữ lao động thu gom ve chai là những chiến binh xanh đang ngày đêm chiến đấu với rác thải, là lực lượng nòng cốt trong công tác BVMT. Công ty luôn trân trọng sự kiên định, cần cù làm nghề, sự chịu thương chịu khó và luôn hướng về gia đình của các chị em. Đồng thời, cũng rất cảm phục khi có chị em không may thân mang bệnh hay có hoàn cảnh ngặt nghèo mà không quên niềm vui sống, luôn nỗ lực và tự hào với công việc của mình với ngành nghề đã chọn. Chương trình hôm nay được tổ chức để động viên, tri ân và tôn vinh những người phụ nữ thầm lặng trong mạng lưới, giúp họ gắn bó với nghề và có cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

Chia sẻ về vai trò của chị em phụ nữ trong công tác  BVMT góp phần cải tạo cảnh quan của TP. Hà Nội trở nên xanh, sạch, đẹp, ông Đỗ Đức Thành – Phó Trưởng phòng quản lý chất thải rắn- Sở TN&MT Hà Nội cho biết, với lượng chất thải tái chế của TP khoảng 1.000 tấn/ngày – 1.700 tấn/ngày, công tác thu gom chất thải tái chế hiện nay được thực hiện chủ yếu từ những  lao  động  phi  chính  thức  ngành  tái  chế  là  những  người mua  hoặc  thu  gom,  chất  thải  từ  các  cá  nhân,  hộ  gia  đình, đường  phố; những  người  phân  loại,  vận  chuyển  và  tái  chế  tạo thành  một  mạng  lưới  cộng  đồng  làm  nghề  rộng  khắp mà lực  lượng  lao  động  này  chủ yếu là nữ giới (chiếm hơn 90%). Lực lượng lao động này trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu lượng rác phát sinh cần phải xử lý tại các khu xử lý tập trung của TP đặc biệt giảm lượng rác vô cơ có thành phần khó phân hủy trong môi trường như chất thải nhựa cùng với đó là giảm lượng tài nguyên cần phải khai thác. Về phía cơ quan quản lý, tôi xin chân thành cảm ơn và đánh giá cao sự tham gia của các lao động nữ trong trong thời gian qua và mong muốn các chị sẽ vẫn tích cực tham gia, hoàn thiện và phát huy vai trò của mình để đẩy mạnh công tác phân loại, tái chế rác thải góp phần xây dựng một Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại.

Đại diện Lãnh đạo VietCycle, Unilever, Hội LHPN Việt Nam cùng các chiến binh xanh  tham gia buổi Tọa đàm

Giới thiệu về Chương trình “ Hồi sinh rác thải nhựa” theo mô hình KTTH, bà Lê Thị Hồng Nhi – Giám đốc Truyền thông, đối ngoại và phát triển bền vững Unilever cho biết, Công ty đã có các cam kết về nhựa, với mục tiêu đến năm 2025 sẽ tái chế 100% bao bì; cắt giảm 50% nhựa nguyên sinh; thu gom và xử lý 100% rác thải nhựa. Để thực hiện các mục tiêu trên, tháng 10/2021, Unilever và VietCycle đã triển khai Dự án “ Hồi sinh rác thải nhựa”, bao gồm các hợp phần: thu gom và xử lý rác thải nhựa ở Việt Nam hướng tới nền KTTH rác thải nhựa; giáo dục và truyền thông; nâng cao năng lực, hỗ trợ lao động ve chai phi chính thức. Kết quả cho thấy, Dự án đã góp phần nâng cao điều kiện làm việc, an toàn lao động, sức khỏe và cuộc sống cho lực lượng lao động thu gom ve chai. Cũng vào dịp này năm trước (tháng 10/2022) và năm nay (tháng 10/2023), lực lượng lao động ve chai nữ đã được tôn vinh nhằm trao quyền cho phụ nữ phát triển tạo giá trị gia tăng tích cực cho xã hội và cộng đồng, từ đó nâng cao vị thế của nữ giới trong gia đình và xã hội, góp phần thúc đẩy cam kết bình đẳng giới.

Chia sẻ về kinh nghiệm tái chế rác thải nhựa tại địa phương của Giám đốc Tridi (Inđônêxia) thuộc Tập đoàn ALBA châu Á cho biết, ở Inđônêxia (nơi được ghi nhận là quốc gia có lượng rác thải nhựa đại dương lớn thứ hai thế giới), doanh nghiệp Tridi được thành lập vào năm 2016 và bắt đầu triển khai những dự án thu gom và tái chế rác thải nhựa. Khi mới thành lập doanh nghiệp, chúng tôi đã gặp những người thu gom rác để mua phế liệu của họ và phân loại tất cả rác thải nhựa theo chủng loại, màu sắc. Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của lực lượng lao động này, đã giúp giảm lượng rác thải nhựa và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

Ông Hoàng Đức Vượng – Chủ tịch Hiệp hội nhựa tái sinh Việt Nam, Chủ tịch HĐQT

Công ty Cổ phần VietCycle tham gia trò chơi bóng rổ cùng các nữ chiến binh xanh

Tiếp theo Lễ tôn vinh đã diễn ra buổi Tọa đàm “Chuyện nghề”, hai cô thu gom ve chai đại diện cho những chiến binh xanh đã chia sẻ về nỗi vất vả, mưu sinh khi làm nghề. Lắng nghe và đồng cảm với những công việc thu gom và phân loại rác thải nhựa thầm lặng, ông Hoàng Đức Vượng – Chủ tịch Hiệp hội nhựa tái sinh Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần VietCycle cũng đề xuất: Nhà nước cần có chế độ hỗ trợ lực lượng lao động phi chính thức này để đảm bảo việc làm và đời sống cho họ khi thực những chính sách mới về BVMT.

Kết thúc Chương trình, nhiều phần quà đã được đại diện Unilever và VietCycle trao cho những nữ chiến binh xanh, góp phần động viên kịp thời, hỗ trợ những phụ nữ phát huy hết tiềm năng để xây dựng môi trường xanh, bền vững.

Chia sẻ

(137)