UBND tỉnh Bình Định hợp tác với UNDP Việt Nam triển khai bốn dự án

Thành phố Quy Nhơn, ngày 15 tháng 7 năm 2022 – Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và UBND tỉnh Bình Định ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác. Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định và bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, đại diện cho 2 bên ký kết bản ghi nhớ hợp tác với 4 nội dung chính: Kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải; Kinh tế biển xanh; Thích ứng biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học; Hành động bom mìn và phát triển nông thôn bền vững.

Về kinh tế tuần hoàn bao gồm quản lý chất thải và chất thải nhựa đại dương, UNDP sẽ hỗ trợ xây dựng kế hoạch phân loại chất thải, các quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, tăng cường khả năng phục hồi và hòa nhập xã hội cho đối tượng lao động phi chính thức, xây dựng và thí điểm cơ sở thu hồi vật liệu (MRF) để cải thiện chuỗi giá trị vật liệu địa phương.

Về kinh tế biển xanh, UNDP sẽ hỗ trợ tỉnh thực hiện Nghị quyết 36/NQ-TW về phát triển bền vững kinh tế biển, thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia quản lý chất thải nhựa đại dương, xây dựng và triển khai mô hình quản lý tổng hợp chất thải trong ngành thủy sản, bao gồm thí điểm quy định, cung cấp thiết bị thu gom chất thải cho tàu thuyền, đào tạo nâng cao năng lực và tác động đến môi trường của việc xả thải, và thiết lập các điểm thu gom chất thải dọc bờ biển, kết nối với Cơ sở thu hồi vật liệu. Ngoài ra, UNDP sẽ tiếp tục thúc đẩy sự tham gia hiệu quả của cộng đồng địa phương trong đồng quản lý bền vững bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô ven biển Vịnh Quy Nhơn và các huyện ven biển khác.

Về thích ứng với biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học, UNDP sẽ tiếp tục thúc đẩy sinh kế bền vững từ dược liệu và các cây trồng chịu hạn, hỗ trợ thực hiện Kế hoạch Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ thích ứng BĐKH giai đoạn 2022 – 2025, huy động nguồn tài chính xanh và các cơ chế ưu đãi tài chính để đầu tư cho các công nghệ sản xuất và chế biến nông lâm thủy sản thân thiện môi trường, phát thải carbon thấp và chống chịu với rủi ro khí hậu trên địa bàn tỉnh.

Về hành động bom mìn và phát triển nông thôn bền vững, UNDP sẽ tăng cường năng lực cho các cơ quan phụ trách khắc phục hậu quả bom mìn nhằm đáp ứng các yêu cầu hiện tại (ngắn hạn) và giải quyết tình trạng ô nhiễm bom mìn còn lại (trung/dài hạn), đầu tư và triển khai hiệu quả, thực thi quy định liên quan tới việc hỗ trợ nạn nhân bom mìn (và người khuyết tật) ở các khu vực mục tiêu. Bên cạnh đó, UNDP sẽ hỗ trợ nông nghiệp thông minh và thích ứng với biến đổi khí hậu cho người dân ở các khu vực mục tiêu, tăng cường khả năng thích ứng cho người dân ở các khu vực mục tiêu bằng cách xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội thích ứng tốt thông qua dự án xây nhà ở và trạm y tế xã chống chịu bão lũ. mô hình liên kết chuỗi giá trị theo hướng GlobalGAP cũng sẽ được thúc đẩy và xây dựng, thương hiệu các sản phẩm của tỉnh đã đạt chứng nhận OCOP cũng sẽ được quảng bá và phát triển.

Đại diện hai bên ký biên bản ghi nhớ.

UNDP cũng sẽ hỗ trợ thúc đẩy ươm mầm khởi nghiệp cho doanh nghiệp nữ và thanh niên làm Lãnh đạo; các mô hình du lịch sinh thái; du lịch canh nông; du lịch trải nghiệm farm-stay.Hai bên cũng sẽ hợp tác trong  việc thúc đẩy chuyển đổi số: nhật ký điện tử; truy suất nguồn gốc/QR code; E-commerce cho các sản phẩm của tỉnh.

Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu “UBND tỉnh Bình Định cam kết sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan của tỉnh phối hợp thường xuyên với Văn phòng UNDP tại Việt Nam trong việc xem xét, đánh giá, thực hiện các trình tự, thủ tục triển khai các dự án ODA trên địa bàn tỉnh theo quy định hiện hành của Nhà nước Việt Nam; chủ động xử lý kịp thời các phát sinh, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.”

“Biên bản ghi nhớ giữa lãnh đạo tỉnh Bình Định và UNDP này phản ánh chân thực các giá trị và tầm nhìn của UNDP về việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 tại Việt Nam, đây là một cách tiếp cận toàn diện để giải quyết các thách thức về môi trường và xã hội. Quan hệ hợp tác đối tác mới này sẽ kết hợp ở các cấp: cấp quốc gia – chính sách; cấp chính quyền địa phương, cấp cộng đồng và sự tham gia của khu vực tư nhân thông qua các chuỗi giá trị rác,” bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nói.

Tham dự lễ ký kết có lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, thành phố Quy Nhơn, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Sở tài nguyên và môi trường, Sở NNPTNT, Sở KHĐT, Sở Ngoại vụ, Sở Nội vụ, Sở XD, Sở Y tế, Hiệp hội thủy sản Bình Định, Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Bình Định, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Định, Trường Đại học Quy Nhơn.

Biên bản được ký kết sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn và nhựa tại Bình Định. 

Chia sẻ

(89)