Rác thải hữu cơ vốn chỉ có thể bỏ đi nhưng giờ đây lại được chị Trịnh Thị Hồng biến thành nguyên liệu làm ra các sản phẩm xà phòng an toàn cho sức khỏe và bảo vệ môi trường, được định giá công thức lên đến 5 tỷ đồng.
Câu chuyện của chị Trịnh Thị Hồng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghệ sinh học Minh Hồng, người có thể khiến rác thải hữu cơ có thể tỏa hương thơm thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn tự nghiên cứu, đã được kể lại thông qua chương trình podcast đầu tiên của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) “Hậu duệ Hai Bà Trưng” , ra mắt nhân dịp 20/10 vừa qua.
Chị Trịnh Thị Hồng vốn là một công nhân, chưa từng được đào tạo về công nghệ sinh học, nhưng đã tự mày mò tìm ra cách chuyển hóa rác hữu cơ thành chất tẩy rửa và xà phòng. Cách làm của chị còn tạo ra việc làm cho 400 chị em phụ nữ khó khăn ở TP Đà Nẵng.
Mô hình kinh tế tuần hoàn của chị Hồng đã góp phần vào giải quyết rác thải và tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ. Các sản phẩm nước rửa chén, nước giặt, nước lau nhà, dầu gội, nước rửa tay… chị làm ra đều có nguyên liệu từ 100% rác thải hữu cơ như rau, củ quả, các loại thực vật chưa hư hỏng của các hộ gia đình.
Chia sẻ trong podcast của UNDP, chị Hồng cho biết, chị không coi rác là thứ bỏ đi mà nhìn nhận chúng là các sinh phẩm hữu cơ.
“Những loại rau củ quả, cành lá cây… nếu vứt đi sẽ thành rác nhưng khi được tái chế sẽ là nguyên liệu sử dụng được. Những ngày đầu, tôi đã đi từng nhà quanh khu dân cư tôi ở, dặn họ đừng vứt rác thực vật ra đường, mà hãy đem qua nhà cho tôi. Sau đó tôi tự lọc và sơ chế. Trải qua nhiều công đoạn rất dài mới có thể thành công vì bản thân tôi không phải kỹ sư chuyên nghiệp mà bắt đầu từ con số 0 tự tìm hiểu”, chị Hồng bộc bạch.
Rau củ quả, cành lá cây, các loại thực vật bỏ đi được ủ theo công thức để làm xà phòng.
Từ chối 5 tỷ đồng để giữ công thức giúp đỡ các phụ nữ nghèo
Theo lời kể của chị Hồng, sáng kiến này được bắt đầu từ hơn 10 năm về trước. Bắt đầu từ năm 2009, khi thấy khu dân cư mình ở ứ đọng rác thải, chị Hồng đã vận động các cháu thiếu niên từ mẫu giáo lớn đến lớp 9, thành lập Đội thiếu niên bảo vệ môi trường phân chia nhau quét hết các con đường xung quanh và nhắc nhở người dân không vứt rác bừa bãi.
Tiếng lành đồn xa, Đội thiếu niên bảo vệ môi trường của chị Hồng đã gây tiếng vang. Chị Hồng được mời chia sẻ về câu chuyện hoạt động cộng đồng của mình ở TP HCM và từ đó nhận được lời mời tham gia Hội nghị phát triển Cộng đồng người nghèo khu vực châu Á năm 2012 ở Philippines.
Tại đây, chị Hồng được tiếp cận về các công nghệ sinh học của các nước, đặc biệt là công thức của một nữ giáo sư tiến sỹ người Thái Lan và tìm ra được cách hiện thực hóa ý tưởng của mình. Tuy nhiên, chị cho biết công thức học được từ Philippines rất chung chung và đã phải nhiều lần thử nghiệm mới tự tìm tòi ra công thức của riêng mình.
“Khi mới bắt đầu, tôi chưa dám bắt tay ngay vào rác, mà thử nghiệm trên quả trứng cá. Sau đó, tôi đi quét lá cây ngoài đường vào rửa sạch và tiến hành ủ. Những lần đầu làm lúc thì bị thối, lúc thì bị đục, hết lần này đến lần khác. Mày mò đủ đường, dần lên google tìm hiểu, sản phẩm đã cải thiện dần và có mùi thơm hơn, mịn hơn, tạo bọt tốt hơn”, chị Hồng kể lại.
Công thức của chị Hồng được chia sẻ cho các chị em phụ nữ khó khăn ở TP Đà Nẵng cùng thực hiện.
Theo chị Hồng, khi đạt các tiêu chuẩn về hình dáng, màu sắc bên ngoài rồi thì cần quan tâm đến cả chất lượng có đảm bảo sức khỏe hay không. Người phụ nữ đam mê tìm tòi này đã lần đầu mang sản phẩm ra Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng số 2 tại Đà Nẵng vào năm 2012 kiểm định. Tuy nhiên kết quả khi đó chưa đạt yêu cầu.
Sau nhiều nhiều lần thực hiện kiểm định, đến tháng 10/2015, sản phẩm của chị Hồng đã đáp ứng được gần hết tiêu chí của Bộ Y tế, nhưng còn thiếu duy nhất tiêu chí độ PH vẫn quá thấp. Chị Hồng lại dùng đủ mọi cách từ tháng 10/2015 – 6/2016 mới có thể hoàn thành tiêu chí cuối cùng này.
Gian hàng trưng bày về sáng kiến sản phẩm hữu cơ của Công ty Công nghệ sinh học Minh Hồng.
Như vậy, trong 4 năm (2012 – 2016), chị Hồng đã dành toàn bộ thời gian để ổn định công thức, được đào tạo về khởi nghiệp, kinh doanh để đưa được sản phẩm tiếp cận thị trường.
“Sau 4 năm với bao lần thử nghiệm hết cách này đến cách khác thì đến năm 2016, tôi mới có được công thức hoàn chỉnh, gồm: 3 phần đường; 3 phần rác hữu cơ, rau củ quả; 10 phần nước. Tỷ lệ này sẽ thay đổi tùy theo rau củ quả nào làm nguyên liệu. Khi đem ủ đủ lâu, đường sẽ tự tạo ra vi sinh và chính đội quân vi sinh này sẽ tự bóc tách chất bẩn và khử khuẩn trong các loại xà phòng tự sáng chế ra”, chị Hồng nhớ lại quãng thời gian kiên trì thử nghiệm của mình.
Mô hình kinh tế tuần hoàn của chị Hồng không chỉ có giá trị ở việc biến rác thải hữu cơ thành xà phòng, mà còn ở việc chị Hồng đã trao công thức này cho 400 phụ nữ khó khăn tại Đà Nẵng và hướng dẫn họ làm, có thêm thu nhập bằng cách tái chế rác hữu cơ, tạo ra các chế phẩm cơ bản đem đến công ty của chị bán. Sau đó chế phẩm sẽ được nhân viên của công ty lọc cặn bã, khử độc, đóng gói bao bì.
“Có nhiều đơn vị muốn mua lại công thức của tôi, có nơi trả đến giá 5 tỷ đồng, nhưng tôi đều từ chối bán, vì nếu bán sẽ không giúp được bà con nghèo nữa. Tôi không sợ mất bản quyền mà mong giúp được nhiều người hơn. Khi đó, họ thì có thêm thu nhập, còn môi trường thì sạch hơn”, nhà sáng chế Trịnh Thị Hồng chia sẻ.
Đề cập đến kế hoạch sắp tới, chị Hồng cho biết, đầu ra của sản phẩm chưa được nhiều nên công ty sẽ duy trì quy mô và mô hình hiện tại. Bắt đầu từ tháng 11/2022, chị sẽ về tỉnh Quảng Nam vận động bà con, xây dựng mô hình HTX công nghệ sinh học và công nghệ cao về các sản phẩm chăm sóc mỹ phẩm thảo dược, với định hướng đưa những sản phẩm này vào được siêu thị.
UNDP ra mắt podcast đầu tiên mang tên ‘Hậu duệ Hai Bà Trưng’, chia sẻ câu chuyện của những phụ nữ bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng khí hậu. Được biên soạn kỹ lưỡng, mỗi podcast giới thiệu hành trình của những phụ nữ ở nhiều lĩnh vực khác nhau, chia sẻ kinh nghiệm vận động cộng đồng và hành động trong lĩnh vực nông nghiệp, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, kinh tế tuần hoàn, v.v.; thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Podcast mong muốn sẽ truyền cảm hứng cho phụ nữ và đảm bảo tiếng nói của phụ nữ không bị ‘bỏ lại phía sau’ mà được lắng nghe ở tất cả các cấp.
Bạn có thể lắng nghe podcast “Hậu duệ của Hai Bà Trưng” tại:
Tin và ảnh: Mekong ASEAN, Nhân vật cung cấp.