Hội thảo tham vấn bộ công cụ thúc đẩy tham vọng khí hậu thông qua nông nghiệp tuần hoàn

Tham khảo thêm thông tin về bộ công cụ ở đây.

Truy cập tài liệu sử dụng trong hội thảo ở đây.

 

Hội thảo “Bộ Công Cụ Thúc Đẩy Đáp Ứng Tham Vọng Khí Hậu Thông Qua Nền Nông Nghiệp Tuần Hoàn” do UNDP, UNEP’s One Planet Network Secretariat, UNFCCC Secretariat và Mạng lưới KTTH tổ chức ngày 16/01/2024 đã thu hút sự tham gia của hơn 70 đại biểu bao gồm chuyên gia, doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách, cơ quan phát triển, tổ chức quốc tế trong và ngoài nước. Hội thảo tập trung khai phá tiềm năng tích hợp KTTH để hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng trong lĩnh vực nông nghiệp vào các kỳ NDC tiếp theo.

Kinh tế tuần hoàn (KTTH) lần đầu tiên được giới thiệu trong Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) sửa đổi năm 2020 và Nghị định 08. Đây là mô hình kinh tế mà hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ đều hướng đến giảm khai thác nguyên, vật liệu mới, kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm, và giảm thiểu chất thải và tác động tiêu cực đến môi trường.

Bằng cách áp dụng các thực tiễn KTTH, các bên liên quan trong chuỗi giá trị nông nghiệp sẽ có thể cắt giảm lượng khí nhà kính thải, đóng góp cho mục tiêu nêu trong Đóng góp do Quốc gia Quyết định (NDC) của Việt Nam. Vì vậy, nội dung của hội thảo tham vấn tập trung trao đổi tiềm năng ứng dụng KTTH để tăng mục tiêu giảm phát thải đề ra trong NDC cho ngành nông nghiệp.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Ông Đào Xuân Lai, Chương trình Phát triển Liên hợp Quốc (UNDP) Việt Nam, nhấn mạnh vai trò của KTTH trong việc đạt được cácmục tiêu khí hậu tham vọng, bên cạnh lợi ích giảm gánh nặng cho công tác quản lý chất thải và tạo công ăn việc làm. Tiếp theo sau, ông Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn (IPSARD) trình bày tổng quan về khung pháp lý liên quan KTTH hiện có của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp và những hoạt động liên quan của IPSARD, bao gồm bản kế hoạch dự thảo phát triển KTTH trong nông nghiệp thời gian tới.

 

Các bài trình bày

Jelmer Hoogzaad, Shifting Paradigm – người đồng phát triển Bộ công cụ Kinh tế tuần hoàn – đã trình bày bốn bước chính của bộ công cụ: 1-Đánh giá vấn đề bằng dữ liệu sẵn có, 2-Xác định chính sách ứng phó theo nguyên lý KTTH, 3-Thực hiện KTTH cho NDC, và 4-Theo dõi và báo cáo tiến độ trong Báo cáo minh bạch hai năm. Ngoài ra, ông còn nêu lên tầm quan trọng của việc thu thập dữ liệu trong việc cung cấp thông tin cho quá trình hoạch định chính sách. Hoogzaad đã đưa ra một ví dụ minh họa về nghiên cứu dòng vật liệu được thực hiện tại Thừa Thiên Huế, nhấn mạnh vai trò của dữ liệu trong việc định hướng và dự đoán tác động các can thiệp KTTH tiềm năng.

PGS.TS Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp, trình bày về tiềm năng áp dụng bộ công cụ trong bối cảnh Việt Nam. Theo tính toán, bằng cách áp dụng KTTH cho chất thải chăn nuôi và phế phẩm cây trồng, Việt Nam có thể giảm 7,6 triệu tấn CO2e và thu giữ 22 triệu tấn CO2e từ nay đến năm 2030.

PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, chia sẻ những cơ hội để thúc đẩy tính tuần hoàn trong ngành nông nghiệp, như chuyển hóa chất thải thành tài nguyên, tích hợp chuỗi cung ứng khép kín, thúc đẩy ứng dụng công nghệ và hoàn thiện/hài hòa khung chính sách. Ông cũng chỉ ra những thách thức cản trở việc áp dụng KTTH trong thực tế, như nhận thức và năng lực hạn chế của nông dân và khung khổ pháp lý cho sản xuất phân hữu cơ còn nhiều bất cập.

TS. Nguyễn Văn Hùng, Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI), đã giới thiệu RiceEco, dự án gia tăng chuỗi giá trình lúa gạo từ quản lý rơm theo hướng KTTH. Bằng cách cơ giới hóa việc thu gom và tận dụng rơm cho việc trồng nấm, sản xuất thức ăn cho gia súc nhai lại hoặc ủ phân compost, dự án cung cấp các phương án thay thế bền vững, giảm thiểu lượng khí độc hại cho con người và khí nhà kính xuất phát từ hoạt động đốt rơm rạ.

Ông Phạm Thành Nam, Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), đã tập trung chia sẻ thêm về KTTH trong chuỗi giá trị cà phê. Ông trình bày cách sử dụng bã cà phê để sản xuất trà Cascara cao cấp, mang lại thêm thu nhập cho nông dân. Ngoài ra, việc xen canh với các loại cây khác như hồng và mắc ca sẽ cung cấp mùn và chất hữu cơ, làm tăng độ phì nhiêu cho đất. Ông cũng đề cập đến các sản phẩm được dán tem QR nhằm cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc và tính minh bạch trong chuỗi cung ứng.

Ông Lê Đắc Phúc, Agriterra, đã chia sẻ câu chuyện sáng kiến cộng đồng. Thông qua nghiên cứu trực tuyến và thử nghiệm, ông Đỗ Xuân Long, một thành viên của hợp tác xã Ea Kiết đã phát triển thành công phân bón sinh học sử dụng các chất thải từ chợ địa phương. Việc áp dụng phân bón mang lại những lợi ích đáng kể về mặt kinh tế và môi trường: tăng năng suất cây cà phê lên 50%, tiết kiệm chi phí sản xuất khoảng 35%, giảm 45% lượng phân bón hóa học hàng năm, giảm phát thải khí nhà kính và tác động tiêu cực đến môi trường.

Phiên thảo luận của hội thảo xoay quanh khía cạnh tài chính và phát thải của những mô hình được đề cập trước đó như kết hợp canh tác lúa – tôm, ủ compost rơm. Phần thảo luận cũng đề cập đến những thách thức mà hộ nông dân và doanh nghiệp nhỏ phải đối mặt khi áp dụng các mô hình KTTH.

 

Một số ý kiến

Ông Phong, IPSARD, công nhận tính hữu ích của Bộ công cụ trong việc phát triển lộ trình tuần hoàn nông nghiệp. Ông cũng nhấn mạnh thách thức về việc thiếu các chỉ số đánh giá cơ sở và tiềm năng cho từng phân ngành nông nghiệp, nhận thức của nông dân và doanh nghiệp nhỏ cho rằng kinh phức tạp và tốn kém và phức tạp, và cần tăng cường tích hợp các sáng kiến liên ngành để giảm phát thải trong toàn chuỗi giá trị, chẳng hạn như trong công tác quản lý chuỗi cung ứng.

Bà Bùi Việt Hiền, UNDP tại Việt Nam, cho rằng công cụ NDC có giá trị trong chu kỳ cập nhật tiếp theo cho NDC, có khả năng thông tin cho cả việc đánh giá các biện pháp hiện có và đề xuất các biện pháp mới, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, nghiên cứu đang được tiến hành để định lượng dấu chân carbon của mô hình tôm – lúa và mở rộng sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nước thải tôm để giảm khí thải nhà kính trong chuỗi giá trị.

Ông Hoàng Thành Vĩnh, UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh cơ hội bị bỏ lỡ đối với các kế hoạch KTTH chi tiết trong nông nghiệp trong khuôn khổ kế hoạch hành động quốc gia. Ông đề xuất sử dụng Công cụ Hộp công cụ KTTH và các thảo luận để đưa ra các khuyến nghị cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (MARD) xây dựng lộ trình phát triển nông nghiệp KTTH vào năm 2024. Ngoài ra, ông nhấn mạnh dự thảo nghị định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về phòng thử nghiệm theo quy định đối với việc phát triển KTTH mang lại lợi thế cho việc thực hiện các thực tiễn tuần hoàn trong nông nghiệp, khuyến khích khám phá những cơ hội này. Sự tham gia của UNDP nhấn mạnh cam kết của họ trong việc nâng cao nông nghiệp tuần hoàn cùng với các bộ ngành liên quan.

Tương lai, Bà Alana Craigen, UNDP, thông báo về việc triển khai Giai đoạn 2 từ năm 2024 đến năm 2028, sẽ kết hợp những hiểu biết thu thập được từ hội thảo để mở rộng bộ công cụ, đào sâu ứng dụng của nó trong các lĩnh vực cụ thể như nông nghiệp và mở rộng thử nghiệm mẫu sang các quốc gia khác.

 

Một số điểm chính

  1. Cần có kế hoạch KTTH cụ thể trong nông nghiệp: Dù Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định nông nghiệp là một trong bốn lĩnh vực trọng điểm để thí điểm các sáng kiến tuần hoàn, nhưng vẫn chưa có kế hoạch hành động cụ thể cho KTTH trong nông nghiệp. Bộ công cụ KTTH và các thảo luận trong hội thảo sẽ cung cấp cơ sở để xây dựng các khuyến nghị cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hoàn thiện lộ trình vào năm 2024.
  2. Tầm quan trọng của chỉ số kinh tế tuần hoàn và nghiên cứu điển hình thành công: Phát triển các chỉ số kinh tế tuần hoàn cho từng tiểu ngành nông nghiệp sẽ giúp đánh giá mức cơ sở và tiềm năng. Trong khi đó, trường hợp nghiên cứu điển hình và thực hành tốt nhất có thể thay đổi nhận thức của các hộ nông và doanh nghiệp quy mô nhỏ rằng kinh tế tuần hoàn phức tạp và tốn kém.
  3. Đổi mới sáng tạo kinh tế tuần hoàn xuyên suốt chuỗi giá trị: Tính tuần hoàn bao gồm tất cả các giai đoạn của chuỗi giá trị, từ sản xuất đến tiêu thụ. Để triển khai thành công, phải thúc đẩy đổi mới, đặc biệt là trong việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số để cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc, tính minh bạch, và quan trắc chất thải dọc theo chuỗi giá trị nông nghiệp thực phẩm.
  4. Hợp tác xã nông dân và chia sẻ kiến ​​thức: Việc thành lập các nhóm hoặc hợp tác xã nông dân có thể tạo điều kiện chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau về mặt công cụ, kỹ thuật và kinh nghiệm áp dụng nông nghiệp tái sinh và đồng thời cũng giúp chuẩn hóa quy trình sản xuất của các thành viên, hài hòa với các tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường
Chia sẻ

(197)