Nghiên cứu dòng vật liệu để đánh giá tác động kinh tế – xã hội và môi trường tại tỉnh Thừa Thiên-Huế
Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thông qua Nghị quyết của Đại hội Đảng cấp tỉnh lần thứ 16, đặt ra tầm nhìn đầy tham vọng là “trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường, ý tưởng hạ tầng xanh và thông minh.”
Trong bối cảnh này, cùng với các đối tác từ Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) rất trân trọng giới thiệu nghiên cứu dòng vật liệu đầu tiên được tiến hành tại Việt Nam. Nghiên cứu này tiên phong trong việc đề xuất một lộ trình rõ ràng để xây dựng chính sách dựa trên các bằng chứng cụ thể. Thông qua việc sử dụng dữ liệu được Chính phủ cung cấp, nghiên cứu này hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách, đối tác phát triển và các bên tư nhân liên quan hiểu một cách hiệu quả về cơ hội kinh tế, xã hội và môi trường, được hiện thực thông qua việc triển khai 14 ưu tiên can thiệp tuần hoàn.
Nghiên cứu đã nhận được sự hỗ trợ quý báu của Uỷ Ban Nhân dân tỉnh và sự hợp tác chặt chẽ của các sở, ban, ngành tại tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Sau khi thực hiện phân tích chi tiết về dòng vật liệu, kết hợp với hai cuộc họp tham vấn với các bên liên quan, cùng việc đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đồng thời xem xét những giải pháp tốt từ các địa phương khác, chúng tôi đã xác định được 14 can thiệp ưu tiên để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Thông qua việc kết hợp và so sánh với kịch bản cơ sở, 14 can thiệp này có tiềm năng giúp giảm 16% lượng khí nhà kính (KNK), 89% lượng chất thải và tiết kiệm 14% lượng nước đến năm 2030. Ngoài ra, sản phẩm quốc nội của tỉnh gia tăng thêm 4.5% so với dự báo tăng trưởng hiện tại và tạo thêm 2% việc làm mới.
Nghiên cứu này cung cấp các can thiệp có tính tuần hoàn và hành động cho Chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế. Các cuộc thảo luận đa dạng cũng đã giúp đảm bảo rằng quá trình chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn mang tính bao trùm và giúp người dân của tỉnh hưởng lợi. Các can thiệp tuần hoàn sẽ giúp đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau, phản ánh tinh thần truyền thống “Đoàn kết – Dân chủ – Sáng tạo” của tỉnh và đặt những giá trị này vào lõi của sự phát triển.
UNDP hy vọng rằng kết quả nghiên cứu này sẽ góp phần hỗ trợ tỉnh hướng đến mục tiêu đầy tham vọng của Thừa Thiên-Huế trong việc duy trì sự phát triển kinh tế, giữ vững và tạo ra việc làm, cùng với việc đạt mục tiêu trung hoà carbon vào năm 2050 và giảm thiểu tác động môi trường. Chúng tôi tin rằng việc phổ biến kết quả nghiên cứu trong Diễn đàn là một cơ hội để tỉnh Thừa Thiên-Huế thể hiện sự lãnh đạo và tầm nhìn của mình trong việc áp dụng, lồng ghép và thực hiện các chính sách quốc gia về nền kinh tế tuần hoàn.
Cuối cùng, UNDP kêu gọi tất cả các đối tác phát triển, nhà đầu tư, tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp tư nhân tham gia một số can thiệp được xác định này và chung tay với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) để tiếp tục hỗ trợ quá trình chuyển đổi bền vững của tỉnh.
Hình ảnh: Dòng vật liệu ở Thừa Thiên-Huế