Chị Trần Thị Như Hoa – Xưởng may của người khuyết tật Hoa Như

Chào mừng bạn đọc đến với “Phụ nữ trong nền Kinh tế Tuần hoàn”, phần 3. Trong phần này, chúng tôi mang đến câu chuyện truyền cảm hứng của chị Trần Thị Như Hoa.

Xưởng may Hoa Như là một doanh nghiệp may nhỏ, thành lập vào năm 2016 tại Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, chuyên may đo, sản xuất quần áo thời trang nữ, hướng đến các khách hàng nữ độ tuổi từ 20 đến 35. Đặc biệt, xưởng may còn sản xuất các sản phẩm may mặc khác như lót ly, được tạo thành từ vải vụn trong quá trình sản xuất quần áo thời trang. Với mô hình này, xưởng may có thể tận dụng tối đa nguồn vải, mà vẫn tạo ra các sản phẩm thẩm mỹ và có giá trị sử dụng cao.

Theo chị Hoa chia sẻ, việc gây dựng xưởng may ban đầu xuất phát từ nhu cầu mưu sinh, sau này đã dần trở thành khát vọng cá nhân, cụ thể hiện tại doanh nghiệp đã có thêm một phòng trưng bày sản phẩm. Chị Hoa đã không chỉ đưa đam mê với nghề may trở thành nguồn thu nhập, mà còn giúp đỡ, hỗ trợ dạy nghề tới những chị em phụ nữ khác. Trong số 9 lao động đang làm việc tại xưởng may hiện nay, có 4 lao động là người khuyết tật.

Là người quan tâm đến vấn đề môi trường, nên khi tình cờ biết tới thông tin chương trình CE Bootcamp, chị Hoa đã đăng ký tham gia. Đến với CE Bootcamp, chị mong muốn có thể hiểu rõ và áp dụng khái niệm Kinh tế tuần hoàn vào mô hình doanh nghiệp. Sau chương trình, chị Hoa chia sẻ bản thân dần hình thành suy nghĩ, định hướng để phát triển doanh nghiệp theo hướng Kinh tế tuần hoàn. Chị cũng mong muốn tương lai gần sẽ phát triển mảng tái chế, tái sử dụng vải vụn để phát triển thành các sản phẩm bài bản hơn.

Vào ngày lễ Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay, xưởng may của chị đã nhận được một đơn đặt hàng may 200 túi vải từ vải vụn, vải thải từ nhãn hàng Unilever. Sau khi hoàn thành đơn hàng này, chị Hoa và các đồng nghiệp cảm thấy rất phấn khích vì đã tạo ra được sản phẩm, giá trị mới từ các vải thừa, vải vụn, đồng thời tạo thêm thu thập cho người lao động.

Tin và ảnh bởi Danang Circular Economy Hub

Đọc đề xuất của UNDP trong việc thúc đẩy phát triển một nền kinh tế tuần hoàn bao trùm các vấn đề giới: Chiến thuật “3V” nhằm phát triển một nền kinh tế tuần hoàn bao trùm các vấn đề giới

Chia sẻ

(136)