ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH: THÚC ĐẨY HỢP TÁC QUỐC TẾ VÀ PHỐI HỢP ĐA NGÀNH VỀ KINH TẾ TUẦN HOÀN TRONG NÔNG NGHIỆP

Khi nhu cầu lương thực toàn cầu tăng mạnh, áp lực lên sản xuất nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên đã gia tăng, dẫn đến các chi phí đáng kể về môi trường và kinh tế xã hội. Cứ mỗi một đô la chi cho thực phẩm, xã hội phải chịu chi phí gấp đôi về môi trường, sức khỏe và kinh tế, trong đó một nửa là do tính chất tuyến tính của nông nghiệp. Tại Việt Nam, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng, đóng góp 12% vào GDP và sử dụng 27% lực lượng lao động. Tuy nhiên, sự phát triển này đã dẫn đến suy thoái môi trường và gia tăng bất bình đẳng. Nông nghiệp cũng là nguyên nhân chính góp phần vào phát thải khí nhà kính (GHG), đặc biệt là từ sản xuất lúa gạo.

Nhận thức được tác động môi trường, chính phủ Việt Nam đã nhấn mạnh các biện pháp tuần hoàn trong các chính sách gần đây, chẳng hạn như Chiến lược Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn Bền vững Quốc gia và Đóng góp Quốc gia Tự quyết định (NDCs). Những nỗ lực này nhằm tách rời tăng trưởng khỏi tiêu thụ tài nguyên và giảm phát thải. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (MARD) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã hợp tác để thúc đẩy các thực hành kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, tổ chức một Cuộc Đối thoại Cấp cao vào ngày 08 tháng 07 năm 2024 để thúc đẩy các sáng kiến này.

Sự kiện, với sự tham gia của hơn 200 đại diện từ các khối và lĩnh vực, tập trung vào lợi ích của các biện pháp tuần hoàn trong nông nghiệp để đạt được cam kết NDC, và thảo luận về việc triển khai Dự thảo Chương trình Quốc gia nhằm thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn đến năm 2030.

Đồng thời sự kiện cũng trình bày các kết quả ban đầu từ Hộp công cụ CE-NDC và ưu tiên các phân ngành chính cho việc áp dụng kinh tế tuần hoàn.

 

TÓM TẮT CÁC BÀI TRÌNH BÀY 

Bài trình bày 1: Vai trò và tiềm năng của kinh tế tuần hoàn trong các ngành nông nghiệp chính của Việt Nam

Tiến sĩ Nguyễn Anh Phong, Phó viện trưởng IPSARD, Bộ NN&PTNT,  nhấn mạnh vai trò ngày càng tăng của kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp Việt Nam, tập trung vào các chính sách thúc đẩy thực hành bền vững như tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp. 

Bài trình bày 2: Công cụ và kinh nghiệm quốc tế trong việc thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn & kết quả ban đầu từ việc thử nghiệm Hộp công cụ CE-NDC

Bà Maria Soledad Riestra, Cố vấn Trưởng về Hợp tác Hiệu quả, UNDP và bà Morgane Rivoal, Cán bộ Biến đổi Khí hậu và Kinh tế Tuần hoàn, UNDP Việt Nam, đã thảo luận về tầm quan trọng của việc tích hợp các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn vào NDCs thông qua sự hợp tác đa bên. Họ đã trình bày các kết quả ban đầu từ Hộp công cụ CE-NDC tại Việt Nam về cơ hội trong việc tái sử dụng phụ phẩm lúa gạo và kết hợp chất thải cho phân bón hữu cơ, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc nâng cao nhận thức và mở rộng các thực hành.

Bài trình bày 3: Khởi động Đề án “Ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ để thúc đẩy CE trong nông nghiệp đến năm 2030”

Ông Nguyễn Văn Lý đã giới thiệu vắn tắt đề án quốc gia tập trung vào việc cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên, gia tăng giá trị và bảo vệ môi trường trong nông nghiệp. Chương trình bao gồm các mục tiêu như giảm tổn thất sau thu hoạch và tái chế phụ phẩm, với sự hỗ trợ từ các nguồn tài trợ khác nhau và sự điều phối của MARD.

 

NỘI DUNG THẢO LUẬN 

Thách thức và cơ hội trong việc triển khai KTTH trong nông nghiệp tại Việt Nam

Thách thức chính đối với phát triển KTTH trong nông nghiệp tại Việt Nam bao gồm:

  • Nhận thức của người nông dân, doanh nghiệp, HTX, người tiêu dùng về về kinh tế tuần hoàn nói chung, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp nói riêng và sự cần thiết chuyển đổi sang phát triển nông nghiệp tuần hoàn chưa đầy đủ
  • Khung pháp lý và khung chính sách về phát triển KTTH trong nông nghiệp chưa được đầy đủ và mang tính liên ngành; thiếu hướng dẫn, quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn để nhận diện, đánh giá các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp;
  • Sự gắn kết giữa các tác nhân trong các mô hình KTTH trong nông nghiệp còn yếu, tổ chức sản xuất yếu, đặc biệt là liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, dẫn đến những khó khăn trong đầu tư, áp dụng công nghệ, quy trình tiên tiến vào sản xuất và chế biến.
  • Thiếu chuyên gia/cán bộ giỏi về phát triển kinh tế tuần hoàn, để giúp giải quyết tốt và có hệ thống các vấn đề từ khâu đầu đến khâu cuối của cả quá trình.

 

Cơ hội phát triển KTTH cũng rất lớn tại Việt Nam bởi những lý do sau:

  • Sản xuất nông nghiệp thâm canh cao dựa vào khai thác tài nguyên, sử dụng phân bón và hóa chất hóa học quá mức trong hơn 3 thập kỷ đã và đang gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường (thoái hóa đất, ô nhiễm nguồn nước…), suy giảm tài nguyên thiên nhiên, phát sinh nhiều chất thải và phát thải khí nhà kính lớn (lĩnh vực đứng thứ hai về phát thải khí nhà kính). Vì vậy, việc chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp tuyến tính sang nông nghiệp tuần hoàn là xu hướng tất yếu, yêu cầu cấp thiết để phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả và ứng phó (thích ứng, giảm thiểu) với biến đổi khí hậu.
  • Trong các chính sách nông nghiệp và khí hậu gần đây, Chính phủ Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn vào hoạt động nông nghiệp, đồng thời định hình các chiến lược phát triển nông nghiệp xanh, phát thải thấp và bền vững. Mục tiêu của những chiến lược này là tách tăng trưởng khỏi việc tiêu thụ tài nguyên và giảm thiểu chất thải, khí thải. Khung pháp lý hiện có của Việt Nam tạo điều kiện cho việc lồng ghép các hoạt động kinh tế tuần hoàn vào chính sách phát triển nông nghiệp, đảm bảo đồng thời các lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường.
  • Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu rà soát và điều chỉnh lại các Đóng góp Quốc gia tự Quyết định (NDCs), vạch ra con đường để nâng cao tham vọng ứng phó biến đổi khí hậu. Việc tích hợp kinh tế tuần hoàn vào mục tiêu NDC 2025 là một giải pháp tiềm năng để củng cố các mục tiêu khí hậu và phát triển trong ngắn hạn đến trung hạn của Việt Nam. Các hoạt động KTTH có tiềm năng to lớn đáp ứng các mục tiêu chính sách về nông nghiệp và khí hậu, mang lại các lợi ích cả về kinh tế và xã hội; đồng thời góp phần thực hiện thành công các các cam kết quốc tế, mục tiêu quốc gia, mục tiêu của ngành về về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

 

Cơ chế hợp tác giữa các bên liên quan và giải pháp nhằm thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn

  • Cơ chế hợp tác giữa các bên liên quan phải được xây dựng dựa trên các nguyên tắc sau: (1) đảm bảo các bên tham gia cùng có lợi (nguyên tắc win-win), tuân thủ các tiêu chuẩn về xã hội và môi trường của khu vực và quốc tế; (2) các bên liên quan liên kết, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và tài nguyên để huy động được nguồn lực tổng hợp nhất và sử dụng hiệu quả nhất; (4) các hoạt động hợp tác (từ bước chuẩn bị đề xuất dự án, phê duyệt dự án, triển khai dự án, đánh giá dự án) đều phải có sự phối hợp và điều phối liên bộ – liên ngành; (5) lấy con người làm trung tâm, coi doanh nghiệp và nông dân (nhóm đối tượng chính thực thi chính sách, áp dụng công nghệ và thực hiện các biện pháp can thiệp tuần hoàn) là hạt nhân và động lực thúc đẩy phát triển KTTH trong nông nghiệp.
  • Các đối tác quốc tế cam kết triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy KTTH trong nông nghiệp, đặc biệt là các giải pháp kinh tế xanh thì luôn sẵn sàng hỗ trợ cho Việt Nam.
  • Giải pháp hợp tác với Khối tư nhân Cần có chiến lược/kế hoạch khuyến khích đầu tư của Doanh nghiệp vào nông nghiệp tuần hoàn theo chuỗi. Đồng thời Chuyển giao, nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp bền vững; tuyên truyền, quảng bá rộng rãi các mô hình nông nghiệp tuần hoàn thành công, chỉ ra được hiệu quả, lợi ích từ các mô hình để tạo sự hứng thú, động lực cho nhiều nông dân và doanh nghiệp tham gia vào mô hình này;

 

CÁC KIẾN NGHỊ

  • Hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật và khung chính sách về kinh tế tuần hoàn mang tính liên ngành (nông nghiệp-công nghiệp-logistic-thương mại), đồng bộ và dài hạn nhằm tạo môi trường thuận lợi và động lực cho các doanh nghiệp, hộ nông dân và cộng đồng tham gia đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn, chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh, bền vững.
  • Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ (tài chính, ưu đãi vay vốn, đất đai, công nghệ) để thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào xây dựng mô hình KTTH trong nông nghiệp và sự tham gia của khu vực tư nhân vào hoạt động nghiên cứu và phát triển, chuyển giao và ứng dụng KHCN về nông nghiệp tuần hoàn.
  • Hoàn thiện và ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn nhằm đưa ra một khung chiến lược và lộ trình ở cấp quốc gia,từ đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo và sự tham gia với các doanh nghiệp, cộng đồng và các đối tác quốc tế để thúc đẩy thực hành kinh tế tuần hoàn.
  • Tăng cường hơn nữa sức mạnh hợp tác đa ngành, các cấp; thành lập nhóm công tác liên ngành/liên bộ về KTTH thực hiện chức năng xây dựng kế hoạch hành động; xây dựng cơ chế chính sách về nghiên cứu & phát triển, nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực…
  • Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp tuần hoàn, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Tăng cường đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và chuyển giao các công nghệ phục vụ cho mô hình nông nghiệp tuần hoàn; đồng thời khuyến khích sự hợp tác, liên kết, chia sẻ kinh nghiệm và tài nguyên giữa các bên liên quan.
  • Tăng cường vai trò số hóa trong nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu; thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm;
  • Nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực cho các chủ thể kinh tế và nông dân, đặc biệt là phụ nữ và những người thuộc các nhóm thiệt thòi như người khuyết tật và đào tạo cho nhóm người này quen với các công việc liên quan về nông nghiệp tuần hoàn
  • Xây dựng thị trường tiêu thụ/đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh và lợi nhuận cho các doanh nghiệp, hộ nông dân và các lợi ích dài hạn khác cho các bên liên quan, làm động lực thúc đẩy phát triển mô hình KTTH. Xây dựng và duy trì uy tín, chất lượng và an toàn của các sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
  • Tăng cường liên kết, hợp tác giữa tổ chức khoa học công nghệ (Viện/trường) với doanh nghiệp và người sản xuất trong việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ.
  • Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng chuyển giao KHCN, kinh nghiệm quản trị. Đi cùng với đó là đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế trong tổ chức đào tạo nguồn nhân lực (cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu, doanh nghiệp và nông dân) thực hiện mô hình KTTH trong nông nghiệp.
  • Tổ chức các diễn đàn đối thoại chính sách thường niên để các tác nhân/bên liên quan (doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo chính phủ, đối tác phát triển) gặp nhau để trao đổi đối thoại về chính sách phát triển KTTH theo từng lĩnh vực của ngành nông nghiệp.
  • Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân (người sản xuất/người tiêu dùng) về lợi ích và cách thức thực hiện kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, từ đó tác động vào nhận thức và hành vi của mọi đối tượng (từ người sản xuất/nông dân, doanh nghiệp, người tiêu dùng…) trong chuỗi KTTH.
Chia sẻ

(99)