Chuỗi hội thảo trực tuyến (webinar) do Mạng lưới Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam (CE Hub) tổ chức – sáng kiến đối tác công tư triển khai bởi UNDP Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường, có mục tiêu tìm hiểu các tác nhân khác nhau của quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Cụ thể, chuỗi webinar này có mục tiêu:
- Nâng cao kiến thức và nhận thức về chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và những tác động của việc chuyển đổi này đối với nhiều lĩnh vực, ngành, và cộng đồng khác nhau, gồm cả việc đưa các thực hành quốc tế tốt nhất về kinh tế tuần hoàn vào áp dụng tại Việt Nam.
- Tạo không gian để các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, các chuyên gia phát triển và xã hội dân sự chia sẻ và trao đổi về tầm nhìn, kiến thức và các thực hành tốt của họ và cùng nhau định hình về quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
- Tạo điều kiện kết nối, thúc đẩy quan hệ đối tác đa ngành, thúc đẩy các sáng kiến mới, khuyến khích hành động tập thể.
Quý vị có thể theo dõi và xem lại những buổi hội thảo trực tuyến của CE Hub để cập nhật các quy định pháp luật liên quan đến nền kinh tế tuần hoàn cũng như các công nghệ và xu hướng mới nhất trong từng ngành ở Việt Nam và trên thế giới.
NỘI DUNG HỘI THẢO TRỰC TUYẾN
Tăng cường giá trị chất thải trong nông nghiệp tuần hoàn
Trong khi nhiều tổ chức, doanh nghiệp lớn đã tích cực nghiên cứu, triển khai thành công các mô hình tái sử dụng trấu, rơm rạ, bã mía, mùn cưa, v.v. cho các mục đích khác nhau, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đang phải đối mặt với những thách thức xuất phát từ việc thiếu kiến thức và kỹ năng tận dụng chất thải nông nghiệp, thiết lập các liên kết bền vững trong toàn bộ chuỗi cung ứng và chưa được tiếp cận công nghệ phù hợp.
Vì vậy, Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam tổ chức sự kiện “Hội thảo trực tuyến 6: Tăng cường giá trị chất thải trong nông nghiệp tuần hoàn” nhằm giới thiệu các mô hình kinh doanh tuần hoàn thành công để nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp tận dụng nguồn chất thải và phụ phẩm trong nông nghiệp để tao thêm giá trị, góp phần vào một ngành nông nghiệp bền vững và hiệu quả hơn.
Vai trò của PROs trong thực hiện EPR ở các nước và một số khuyến nghị cho Việt Nam
Trong bối cảnh chính sách liên quan đến Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), bao bì (tùy theo quy mô), pin- ắc quy, dầu nhớt, săm lốp sẽ phải áp dụng thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm bao bì từ năm 2024. Các nhà sản xuất và nhập khẩu sẽ được yêu cầu tự thực hiện nghĩa vụ tái chế hoặc thông qua một cơ sở bên thứ ba được chỉ định, được gọi là Tổ chức Trách nhiệm tái chế của Nhà sản xuất (PRO). Kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh rằng PRO đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao hiệu quả của việc thực hiện EPR bằng cách giảm đáng kể các rào cản về chi phí và vấn đề hậu cần liên quan đến quản lý rác thải bao bì.
Hội thảo lần này sẽ giới thiệu các mô hình hoạt động của PRO từ các quốc gia ở Châu Á và Châu Âu trong việc triển thực hiện EPR. Hội thảo nhằm mục đích cung cấp cái nhìn tổng quan về tiến trình chuẩn bị của các doanh nghiệp để đáp ứng tỉ lệ tái chế bắt buộc, đồng thời đưa ra các khuyến nghị thực hiện hiệu quả EPR, phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.
Bao bì bền vững trong ngành thực phẩm và đồ uống
Làm thế nào để hạn chế bao bì nhựa một lần từ giai đoạn thiết kế sản phẩm thực phẩm và đồ uống (F&B)? Doanh nghiệp có thể sử dụng các chiến lược nào để tăng cường tính tái chế và tỉ lệ tái chế bao bì trong bối cảnh chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất được triển khai năm sau? Những doanh nghiệp ngành F&B đã có những tiến triển như thế nào trong hành trình hướng đến bao bì bền vững?
Tất cả câu hỏi trên sẽ được trả lời trong buổi hội thảo trực tuyến về bao bì bền vững do CE Hub tổ chức.
Các thành phố đang dần dịch chuyển sang các mô hình bền vững và tuần hoàn nhằm giải quyết các thách thức về ô nhiễm môi trường cũng như các vấn đề do đô thị hóa và biến đổi khí hậu mang lại. Xu hướng này không chỉ giúp mang lại các lợi ích về mặt kinh tế, mà còn thúc đẩy hòa nhập xã hội, cung cấp cơ hội cho các nhóm xã hội dễ bị tổn thương tiếp cận đến cơ hội việc làm mới, tập huấn nâng cao năng lực, các dịch vụ và sản phẩm bền vững, v.v.
Hội thảo “Thành phố tuần hoàn” tập trung giới thiệu các nghiên cứu điển hình và chia sẻ bài học kinh nghiệm xuyên suốt quá trình xây dựng lộ trình tuần hoàn ở các thành phố Việt Nam và trên thế giới.
Hỗ trợ tài chính chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Để chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn thành công và đạt được các mục tiêu khí hậu, chúng ta cần suy xét và tăng cường nguồn cung ứng tài chính thông qua các khung pháp lý thúc đẩy nguồn quỹ từ trong nước lẫn quốc tế, bao gồm tài chính khí khí hậu, tài chính xanh, nguồn chính sách công.
Buổi hội thảo này này nhằm mục đích xem xét các cơ chế tài chính khác nhau có thể được tận dụng để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc áp dụng các thông lệ trong kinh tế tuần hoàn.
Đo lường chính sách kinh tế tuần hoàn: Khung kỹ thuật và chỉ số
Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE) được giao nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về Kinh tế tuần hoàn, trong đó đề ra các nhiệm vụ, lộ trình cho các lĩnh vực, ngành cụ thể, các dự án đầu tư, các giải pháp ưu tiên nhằm trình cho thủ tướng vào tháng 12 năm 2023.
Mục đích của buổi này là trình bày và thảo luận về các chỉ số được đề xuất cho kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn, học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong việc thiết lập một hệ thống giám sát và lượng giá (M&E) vững chắc.
Tăng cường thúc đẩy kinh tế cho nền kinh tế tuần hoàn thông qua thương mại
Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới, và do đó, quá trình chuyển đổi kinh tế theo hướng hiệu suất hơn về tài nguyên và kinh tế tuần hoàn có liên kết rất lớn với thương mại quốc tế thông qua các chuỗi cung ứng xuyên biên giới, chuỗi giá trị cuối vòng đời, và sự xuất hiện của các động lực mới trong thương mại dịch vụ và vật liệu.
Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn sẽ tạo cơ hội để Việt Nam đáp ứng nhu cầu về thương mại quốc tế và hợp tác cấp khu vực, đồng thời giữ vai trò đi đầu trong các ngành mới nổi. Vì thế, buổi hội thảo này sẽ tập trung thảo luận về các cơ hội kinh tế tuần hoàn trong thương mại và đa dạng hóa nền kinh tế cũng như các chương trình đầu tư cần thiết để chuỗi cung ứng toàn cầu tuần hoàn hơn và xanh hơn.