Hội thảo “Thành phố tuần hoàn”

Bạn có thể tìm thấy bản thu buổi hội thảo, bài thuyết trình và tài liệu được chia sẻ bởi diễn giả tại đây.

Hội thảo “Thành phố tuần hoàn” – sự kiện cuối cùng nằm trong chuỗi hội thảo trực tuyến “Khai thông kinh tế tuần hoàn vì một Việt Nam bền vững” – đã diễn ra vào thứ Năm, ngày 20 tháng 7 năm 2023. Quy tụ hơn 90 chuyên gia đến từ Việt Nam, Philippines Singapore, Nhật Bản, Ý, Hồng Kông và Mỹ, sự kiện đã chia sẻ về cách tiếp cận, phương pháp, bài học và kinh nghiệm thực tế trong quá trình chuyển đổi tuần hoàn đô thị ở các thành phố Việt Nam, khu vực ASEAN và Châu Âu.

Ông Diego Luis Santiago, Phó Ban Hành chính, Thành phố Pasig ở Philippines, trình bày đầu tiên, và tập trung vào các sáng kiến kinh tế tuần hoàn (KTTH) tại thành phố ông đang công tác. Ông nhấn mạnh rằng, tuy người dân có thể không quen thuộc với khái niệm kinh tế tuần hoàn và địa phương cũng chưa ban hành chính sách chính thức, nhưng thành phố đã hiện hữu nhiều hoạt động kinh tế tuân theo các nguyên tắc tuần hoàn, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi hướng đến một thành phố tuần hoàn kiểu mẫu mà Pasig đã xây dựng dựa trên ba trụ cột chính với các can thiệp chiến lược như sau:

  1. Kiến tạo và phát triển thị trường mới bằng cách thúc đẩy quy trình thu mua xanh tại địa phương; thiết lập cách tiếp cận dữ liệu định hướng quyết định cho các sáng kiến KTTH; tạo danh mục sản phẩm xanh; khuyến khích trao đổi nguyên liệu và sản phẩm thứ cấp.
  2. Tận dụng lợi thế của chính quyền thành phố để tăng cường đổi mới sáng tạo thông qua việc thành lập mạng lưới KTTH, đóng vai trò trung tâm thúc đẩy các sáng kiến và hợp tác vì KTTH.
  3. Phát động chiến dịch xã hội và hành vi nhằm nâng cao nhận thức của người dân và khuyến khích họ trở thành người tiêu dùng có ý thức, góp phần xây dựng lối sống tuần hoàn.

Pasig hiện vẫn trong giai đoạn đầu trong nỗ lực chuyển đổi KTTH. Các sáng kiến được thực hiện nhằm  kiểm tra tính khả thi của các mô hình trên thực tế và thu thập những bài học, hiểu biết sơ bộ. Có thể kể đến một số sáng kiến như nông nghiệp đô thị, cơ sở thu hồi vật liệu di động (MRF), hệ thống ngân hàng tiền mặt, dịch vụ chia sẻ cơ sở vật chất, …

Ông Cao Quốc Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế, thảo luận về các chính sách và hoạt động trên địa bàn đóng góp thúc đẩy tuần hoàn đô thị. Thành phố đã chủ động ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thúc đẩy phát triển bền vững và thực hiện dự án số hóa quản lý chất thải, điện hóa phương tiện giao thông, chiến dịch giáo dục và truyền thông nâng cao nhận thức. Trung tâm còn hợp tác với UNDP để tiến hành nghiên cứu phân tích dòng vật liệu, kinh tế xã hội, xuất nhập khẩu, thông tin nhân khẩu, v.v. Báo cáo sẽ được công bố để tham vấn vào tháng 8 này và là cơ sở đề xuất lộ trình chuyển đổi sang KTTH cho Huế.

Bà Bùi Ngọc Như Nguyệt, Chánh Văn phòng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Đà Nẵng, đã trình bày kết quả và bài học kinh nghiệm từ hành trình xây dựng lộ trình tuần hoàn của thành phố Đà Nẵng. Để đưa ra lộ trình cho Đà Nẵng, Viện đã phải kết hợp lộ trình quốc gia với kế hoạch chuyển đổi thành phố thông minh nhằm tạo ra quy trình gồm mười hai bước chuyển đổi, trong đó bao gồm bước xác định các lĩnh vực ưu tiên. Nghiên cứu đã giúp xác định bảy  lĩnh vực dựa trên bối cảnh địa phương: quản lý chất thải, vật liệu, năng lượng, công viên điện tử, nông nghiệp, nước và hành vi tiêu dùng xanh. Để đảm bảo quá trình chuyển đổi được tổ chức tốt và hiệu quả, lộ trình được cấu trúc theo ba giai đoạn, phù hợp hài hòa với đề án quốc gia về phát triển kinh tế tuần hoàn. Dựa trên bài học kinh nghiệm, bà Nguyệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lập kế hoạch và xem xét cách tiếp cận và phương pháp luận trước khi thực hiện để nâng cao hiệu quả quá trình xây dựng lộ trình. Ngoài ra, bà cũng đề cập đến sự cần thiết của việc làm rõ trách nhiệm của từng bên tham gia vào lộ trình, điều này sẽ thúc đẩy sự phối hợp và hợp tác hiệu quả giữa các bên liên quan.

Ông Fabien Clavier, Quản lý phát triển kinh doanh toàn cầu của AREP, lại tập trung về khía cạnh cơ sở hạ tầng và vật liệu. Ông chia sẻ một nghiên cứu điển hình về cách thức sử dụng phương pháp thiết kế khí hậu sinh học và tuần hoàn để tái thiết thích ứng và tuần hoàn các nhà ga đường sắt hiện hữu tại Paris, đạt mục tiêu giảm thiểu phát thải trong ngành giao thông. Các chiến lược được đề xuất bao gồm:

  • Chuyển đổi năng lượng: giảm tiêu thụ năng lượng; thúc đẩy năng lượng tái tạo; giảm phát thải khí nhà kính
  • Chuyển đổi tuần hoàn: thiết kế nền tảng Hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System – GIS) để xác định vật liệu đang sẵn có; thúc đẩy quá trình số hóa các tòa nhà; tái sử dụng vật liệu trong các dự án thí điểm

Ông Fabien sau đó đề cập đến các sáng kiến do AREP thực hiện tập trung vào mảng chuyển đổi tuần hoàn. AREP hiện đang xây dựng một nền tảng GIS để lập bản đồ vật liệu, hỗ trợ việc tái sử dụng và tái chế vật liệu xây dựng chất lượng cao. Trong một cuộc thi khác, AREP cũng lên ý tưởng tái sử dụng kính thủy tinh từ thang máy Pompidou cho nhà ga xe lửa.

 

Những điểm chính

  1. Khuyến khích các mô hình tuần hoàn và thói quen sống xanh sẽ hiệu quả hơn các công cú pháp lý mang tính cưỡng chế.
  2. Làm rõ trách nhiệm của từng bên liên quan trong lộ trình, cho từ khu vực công, tư nhân, phi lợi nhuận để đảm bảo khả năng thực hiện.
  3. Đề xuất chuyển đổi cần căn cứ trên bối cảnh, đặc điểm tình hình của địa phương, phù hợp với định hướng phát triển quốc gia.
  4. Giải pháp chuyển đổi cần chỉ rõ lộ trình/ kế hoạch triển khai đồng bộ, tổng thể cho từng nhóm liên quan.

 

Về chuỗi hội thảo trực tiếp:

  1. Xem lại hội thảo trực tuyến đầu tiên ” Đo lường Chính sách Kinh tế Tuần hoàn: Khung đánh giá và Chỉ số” tại đây.
  2. Xem lại hội thảo trực tuyến đầu tiên “Hỗ trợ tài chính chuyển đổi sang Kinh tế Tuần hoàn tại Việt Nam” tại đây.

BẠN MUỐN GIỚI THIỆU ẤN PHẨM CHO MẠNG LƯỚI?

CHIA SẺ TÀI LIỆU

(200)