Cải thiện sinh kế nhóm thu gom phế liệu qua sáng kiến câu lạc bộ ở Bình Định

Bình Định, ngày 28/1/2024 – Câu lạc bộ thu gom phế liệu (Câu lạc bộ) đã có buổi ra mắt chính thức tại thành phố Quy Nhơn, với sự tham gia của khoảng 200 lao động phi chính thức từ 10 quận/huyện trên địa bàn.

Với mục tiêu cải thiện sinh kế của nhóm lao động thu gom phế liệu phi chính thức, Câu lạc bộ cũng sẽ kết nối các thành viên với các điểm thu mua phế liệu được thiết lập tại thành phố Quy Nhơn và các cơ sở tham gia mạng lưới của Cơ sở Thu hồi Vật liệu (MRF) để thu gom và phân loại phế liệu nhựa. Tại MRF đặt tại Khu xử lý chất thải rắn Long Mỹ, sau khi được phân loại và sơ chế, các loại phế liệu nhựa sẽ được bán cho các đơn vị tái chế để sản xuất các sản phẩm nhựa, tạo giá trị gia tăng cho phế liệu nhựa của thành phố Quy Nhơn. Các hoạt động của Câu lạc bộ sẽ tập trung vào các hoạt động kết nối giữa người thu mua phế liệu với các điểm thu gom phế liệu được xây dựng trong khuôn khổ Dự án, các cơ sở sản xuất kinh doanh như khách sạn, nhà hàng, siêu thị, các khu dân cư và hộ gia đình, đặc biệt thông qua Chương trình phân loại rác tại nguồn, các hoạt động đổi rác lấy quà và các chương trình truyền thông. Quy trình thu mua được xây dựng nhằm giúp các thành viên thu gom được nhiều phế liệu hơn, đồng thời giảm lượng chất thải nhựa không được thu gom, bị chôn lấp và thải bỏ ra môi trường.

Bình Định ra mắt Câu lạc bộ thu gom phế liệu. Ảnh: Trung tâm ICISE

Tiến sỹ Trần Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), cho biết: “Hoạt động mong muốn kết nối và tôn vinh các lao động phi chính thức trong lĩnh vực chất thải, đặc biệt là những người đang làm công việc thu mua phế liệu, nhặt rác ở Thành phố Quy Nhơn. Từ đó, đưa ra các giải pháp giúp cải thiện sinh kế của nhóm lao động này, góp phần thúc đẩy hoạt động phân loại rác tái chế, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn tại thành phố”.

Câu lạc bộ cũng sẽ tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho các thành viên về rủi ro về an toàn lao động trong công tác thu gom phế liệu, giúp nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và phòng tránh các rủi ro cho sức khỏe. Ngoài ra, Câu lạc bộ sẽ cung cấp cho các thành viên một sổ tay để ghi lại thông tin về hoạt động thu mua phế liệu, góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động thu gom chất thải tại địa phương, hỗ trợ chính quyền địa phương cải thiện chính sách và kế hoạch quản lý chất thải rắn. Dự kiến Câu lạc bộ sẽ thu gom được từ 250-500 kg phế liệu nhựa mỗi ngày.
Bên lề lễ ra mắt, còn diễn ra các hoạt động, như đổi rác lấy quà kết hợp với hoạt động giáo dục môi trường tìm hiểu về lao động phi chính thức. Hoạt động vẽ tranh về lao động thu gom phế liệu được thực hiện bởi 10 học sinh đến từ lớp vẽ mỹ thuật Bình Định.

Câu lạc bộ thu gom phế liệu tạo sinh kế giúp người lao động - 2
Học sinh tham gia vẽ tranh về lao động tham gia hoạt động thu gom phế liệu. Ảnh: Trung tâm ICISE

Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định – bà Hà Thị Thanh Hương – nhận xét: “Câu lạc bộ ra đời giúp phát huy vai trò vốn có của lao động phi chính thức trong hoạt động phân loại rác tại nguồn, phát triển nền kinh tế tuần hoàn, góp phần giảm thiểu lượng chất thải ra bãi rác, góp phần to lớn trong việc bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, hoạt động của câu lạc bộ cũng làm thay đổi nhìn nhận của xã hội đối với lực lượng lao động này và thay đổi quan điểm về nghề nghiệp của chính bản thân họ. Hy vọng CLB sẽ triển khai tốt các hoạt động theo kế hoạch, được chính quyền địa phương tiếp nhận, duy trì và nhân rộng ở nhiều địa phương hơn.”

Câu lạc bộ là sáng kiến của ICISE, phối hợp thực hiện cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) trong khuôn khổ Dự án “Nhân rộng các Mô hình quản lý chất thải tổng hợp thông qua Trao quyền cho khu vực phi chính thức và thúc đẩy Kinh tế tuần hoàn”và Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa tại Việt Nam (NPAP), cùng sự phối hợp và hỗ trợ của Ủy Ban Nhân Dân TP. Quy Nhơn.

Chia sẻ

(55)