Nhựa sinh học – Giải pháp cho ô nhiễm trắng?

Với chủ đề “Nhựa sinh học – Giải pháp cho ô nhiễm trắng?”,  sự kiện do Chương trình đối tác hành động Quốc gia về nhựa (NPAP) và Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam (CE Hub) tổ chức ngày 23/05 đã thu hút hơn 140 đại biểu bao gồm chuyên gia, hiệp hội, nhà hoạch định chính sách, cơ quan phát triển, tổ chức quốc tế và đặc biệt là các doanh nghiệp ngành nhựa.

Tại hội thảo, các diễn giả đã tập trung chia sẻ tổng quan về nhựa sinh học, giới thiệu một số sản phẩm nhựa sinh học đang được phát triển và sản xuất bởi doanh nghiệp Việt. Phiên thảo luận cũng đề cập đến vai trò của nhựa sinh học đối với nền kinh tế tuần hoàn và cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa hiện nay.

Mở đầu phần trình bày, PGS.TS. Huỳnh Đại Phú – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Polymer, Đại học Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM – đã chia sẻ chi tiết về về lịch sự phát triển, định danh và ưu nhược điểm của từng loại nhựa sinh học. Theo ông, Việt Nam là đất nước có nguồn sinh khối lớn, và nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất nhựa sinh học dồi dào, điều này là một điểm thuận lợi cho việc sản xuất loại nhựa này ở Việt Nam.

Tiếp nối là phần trình bày của TS. Nguyễn Lê Thăng Long – Chủ tịch, Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam, về vai trò của bao bì có khả năng ủ phân trong việc tái chế rác thải hữu cơ, giúp giảm khí metan từ việc chôn lấp. Các túi rác hữu cơ sử dụng túi nylon thông thường sẽ không được tiếp nhận tại các cơ sở ủ phân, bắt nguồn từ việc túi nylon khi lẫn vào sẽ khiến cho đầu ra phân compost lẫn tạp chất vô cơ, không đạt chất lượng. Vì vậy, ông Long cho rằng bao bì có khả năng ủ phân và phân hủy sinh học cùng tốc độ với rác hữu cơ, đạt các tiêu chuẩn ( không có dấu vết vi nhựa, dấu vết kim loại, độc tính tác động xấu đến sức khỏe sinh thái) là chìa khóa giúp việc vận chuyển và tái chế chất thải hữu cơ được diễn ra hiệu quả mà không yêu cầu thay đổi toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng.

Diễn giả cuối cùng trong hội thảo là TS. Trịnh Thị Hòa, đồng sáng lập Công ty nhựa sinh học Buyo. Bà Hòa đã trình bày về công nghệ sử dụng rác hữu cơ , chủ yếu là bã bia và sắn, để sản xuất các sản phẩm bao bì cứng và mềm, vật liệu y tế, mỹ phẩm. Điều này giúp tạo ra vật liệu thay thế có nguồn gốc từ sinh học nhưng lại không yêu cầu sử dụng thêm đất trồng để cung cấp nguyên liệu và không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia. Đồng thời, bà cũng đưa ra các kiến nghị về chính sách để có thể khuyến khích phát triển sản xuất nhựa sinh học. tại Việt Nam.

Ngoài ba diễn giả đã trình bày, phiên thảo luận và giải đáp diễn ra sau đó còn có sự tham dự của Tiến sĩ Bùi Xuân Thành – Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần công nghệ xanh BABIO và được điều phối bởi Bà Đặng Phương Liên, Cố vấn cao cấp của Innovation Norway. Các đại biểu tập trung thảo luận về một số vấn đề như tổ chức thu gom, và xử lý nhựa sinh học, tác động môi trường xuyên suốt cả vòng đời sản phẩm so với nhựa truyền thống, xu hướng tương lai của nhựa sinh học.

Một số điểm chính trong thảo luận:

  • Tổ chức phân loại rác tại nguồn và thu gom riêng, có quy trình xử lý riêng biệt là vô cùng cần thiết để tối ưu hóa lợi ích từ nhựa có nguồn gốc sinh học và có khả năng phân hủy sinh học. Đồng thời sẽ tránh việc lẫn với các loại sản phẩm nhựa khác và ảnh hưởng đến chất lượng nhựa tái chế.
  • Việt Nam sở hữu lượng phế phụ phẩm dồi dào trong ngành nông nghiệp là một lợi thế về nguồn nguyên liệu đầu vào cho việc sản xuất nhựa sinh học.
  • Trong tương lai, các quốc gia sẽ tăng cường yêu cầu nghiêm ngặt về phát thải carbon cũng như truy xuất vòng đời của sản phẩm, nhựa sinh học sẽ được ứng dụng rộng rãi hơn đối với các sản phẩm không có khả năng thu hồi hoặc tái chế, như rác thải y tế.
  • Phát triển vật liệu thay thế có nguồn gốc sinh học và không phát sinh vi nhựa, cùng với chiến lược tối đa hóa số lần tái chế của vật liệu nhựa, đang là ưu tiên của một số nước tại châu Âu.

 

Mời quý vị bấm vào đây để xem lại bài trình bày cũng như toàn bộ ghi hình của sự kiện,

Mời quý vị bấm vào đây để theo dõi các chủ đề khác của chuỗi hội thảo.

 

 

BẠN MUỐN GIỚI THIỆU ẤN PHẨM CHO MẠNG LƯỚI?

CHIA SẺ TÀI LIỆU

(97)