Việt Nam chính thức có Mạng lưới kinh tế tuần hoàn

Mạng lưới sẽ góp phần hoàn thiện thể chế chính sách, thúc đẩy quá trình chuyển dịch sang kinh tế tuần hoàn hiệu quả trong mọi lĩnh vực kinh tế xã hội…

Các đại biểu khai trương Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam

Trong khuôn khổ Hội nghị khởi động xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam sáng ngày 28/6, Bộ Tài Nguyên và Môi trường và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) chính thức khai trương Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam…

Trong bối cảnh Việt Nam và các quốc gia trên thế giới bắt đầu xây dựng chương trình chuyển đổi theo hướng kinh tế tuần hoàn, năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã phối hợp triển khai xây dựng “Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam”, với sự hỗ trợ từ Đại sứ quán Na Uy, Đại sứ quán Hà Lan và Đại sứ quán Phần Lan.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, việc công bố hình thành, khai trương mạng lưới kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam là nền tảng để tiếp tục xây dựng các kế hoạch hành động và triển khai để hướng đến thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong thực hiện, phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, Bà Caitlin Wiesen (Ảnh: TTXVN)

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, cho biết: “Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam (CE Hub) nhằm mục đích nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực của tất cả các bên liên quan, bao gồm các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các đơn vị nghiên cứu, trong việc áp dụng các nguyên tắc tuần hoàn, tạo ra sự hiệp lực và tích hợp các nguồn lực tài chính và kỹ thuật để hỗ trợ quá trình chuyển đổi hướng tới một Việt Nam tuần hoàn và ít phát thải các-bon. CE Hub là nơi lưu trữ kiến thức khoa học và những thông tin chi tiết mới nhất từ các cộng đồng và nhà hoạt động hàng đầu trong lĩnh vực chính sách, nghiên cứu, đầu tư và giáo dục của nền kinh tế tuần hoàn. Đã có hơn 185 bài viết được xuất bản trên trang web bằng tiếng Việt và hơn 25 thành viên đã tham gia mạng lưới của chúng tôi. Chúng tôi hoan nghênh những hiểu biết, sự đóng góp và sự tham gia của bạn để CE Hub tiếp tục mở rộng và phát triển.”

 

Các chuyên gia cho rằng, nền kinh tế tuyến tính hiện tại dựa trên các nguyên tắc “khai thác, sử dụng và thải bỏ” và mô hình kinh tế này ngày càng cho thấy rõ mối đe dọa đối với sức khỏe con người, môi trường và hệ sinh thái tự nhiên. Để giải quyết vấn đề cấp thiết này, các quốc gia trên thế giới đã và đang hướng tới một nền Kinh tế tuần hoàn thông qua việc áp dụng các nguyên tắc Kinh tế tuần hoàn vào trong các khung chính sách, xây dựng các cơ chế khuyến khích tài chính và mở rộng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.

 

Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế phục hồi và tái tạo dựa trên việc thiết kế và tối đa hóa hiệu quả tài nguyên. Kinh tế tuần hoàn được triển khai nhằm mục đích duy trì vật liệu, thành phần và sản phẩm được sử dụng trong nền kinh tế càng lâu càng tốt, hướng đến việc quản lý và khôi phục tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý, đồng thời giải quyết một số thách thức ô nhiễm và tổn thất đa dạng sinh học…

Thực hiện quá trình chuyển đổi sang nền Kinh tế tuần hoàn sẽ đóng góp vào sự phát triển bền vững ở Việt Nam và đáp ứng các cam kết về khí hậu, đồng thời đưa đất nước đi vào giai đoạn phục hồi, bao gồm phát triển kinh tế và tăng cường khả năng chống chịu trong dài hạn.

Việt Nam đã bắt đầu xây dựng chương trình chuyển đổi theo hướng Kinh tế tuần hoàn khi thông qua Luật Bảo vệ Môi trường 2020, đánh dấu cột mốc trong việc lần đầu tiên đưa các nguyên tắc của Kinh tế tuần hoàn vào khung chính sách. Luật Bảo vệ Môi trường 2020 nêu rõ: “Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.

Mạng lưới kinh tế tuần hoàn quốc gia sẽ đóng góp vào việc hoàn thiện thể chế, chính sách về kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là thúc đẩy quá trình chuyển dịch sang kinh tế tuần hoàn một cách thực chất và hiệu quả trong mọi lĩnh vực kinh tế xã hội.

 

Tin và ảnh: Kinh Tế Việt Nam (VnEconomy)

Chia sẻ

(283)