Ứng dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn kết hợp du lịch sinh thái

Tại tỉnh Ninh Thuận, một vùng đất đầy nắng và gió, nhiều đơn vị tiên phong đã bắt đầu đầu tư triển khai mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao. Đây là xu thế của một nền nông nghiệp bền vững trên thế giới và tại Việt Nam, mô hình này đã bắt đầu phát triển trong những năm gần đây. Điển hình là trang trại Nắng và Gió (Trang trại Sun & Wind, thuộc GC Food) có diện tích gần 100 ha tại thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn.

7.trang-trai-nang-va-gio.jpg
Một góc trang trại Nắng và Gió.

Kinh tế thẳng (hay kinh tế tuyến tính) là khái niệm được sử dụng trong các nền kinh tế trước đây. Nền kinh tế này vận hành như một dòng chảy, biến các nguồn tài nguyên thiên nhiên thành vật liệu và sản phẩm cơ bản rồi bán ra thông qua một loạt bước tạo thêm giá trị gia tăng, theo xu hướng bán được càng nhiều càng tốt.

Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Nông nghiệp tuần hoàn sẽ giúp tối ưu hóa nguồn phụ phế phẩm bỏ đi chế biến chúng thành các sản phẩm có giá trị phục vụ ngược trở lại cho các hạng mục trước trong toàn bộ hệ thống sản xuất.

1.le-minh-vuong-1-.jpg
Anh Lê Minh Vương tại trang trại Nắng và Gió (Ninh Thuận). Ảnh: NVCC.

Đảm nhận vai trò Trưởng dự án nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng GC Plus 2023 tại trang trại này là anh Lê Minh Vương, chàng trai trẻ xuất thân từ một vùng quê ở huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Dự án này đã đạt giải Nhất cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên tỉnh Ninh Thuận 2023 vừa qua.

Cải tiến từ mô hình vườn-ao-chuồng

Vốn đam mê nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào sản xuất ngay từ khi còn ngồi ở giảng đường Trường Đại học Sài Gòn, Lê Minh Vương đã thành công với nhiều công trình nghiên cứu, sáng tạo. Điển hình, mô hình “sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và kết hợp với nuôi trùn quế từ bùn thải ao nuôi tôm thẻ chân trắng” đã đem về học bổng “Tiếp sức những ước mơ” cho Vương và được ứng dụng ở một số địa phương.

Tốt nghiệp chuyên ngành Khoa học môi trường, Lê Minh Vương tiếp tục theo đuổi đam mê của mình và khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi trùn quế lấy phân. Mô hình này cũng đem về giải Nhì cuộc thi “Khởi nghiệp xanh” năm 2015 và từ đó, cái tên “Vương trùn quế” được nhiều người biết đến. Tiếp tục phát triển mô hình này, anh Vương đảm nhận vai trò Trưởng dự án “Dự án nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng GC Plus 2023” tại trang trại Nắng và Gió. Với diện tích trang trại rộng lớn, đây là nơi để anh Vương thỏa sức ứng dụng kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi kết hợp nuôi trùn quế lấy phân làm phân bón hữu cơ vi sinh.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Khoa học phổ thông, anh Vương cho biết, đây là mô hình cải tiến từ mô hình vườn-ao-chuồng ngày xưa, có thêm hạng mục phân bón hữu cơ vi sinh trùn quế và kết hợp 4 hạng mục thành một module trải nghiệm du lịch. Mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng tại trang trại Nắng và Gió được bắt đầu từ năm 2021.

Tại đây, 4 hạng mục chính được anh Vương và đội ngũ nhân công tập trung triển khai thực hiện gồm: vườn (theo tiêu chuẩn Global GAP) – ao (ao nuôi tuần hoàn kết hợp cung cấp nước tưới và nuôi thủy sản) – chuồng (mô hình chăn nuôi khép kín, có nhật ký nghiêm ngặt) và trùn quế được nuôi quy mô lớn, khép kín”.

Với mô hình này, táo, nho, ổi, dưa lưới, nha đam… được trồng và canh tác theo tiêu chuẩn Global GAP với quy trình nghiêm ngặt, đồng thời ứng dụng các phương pháp tự nhiên để cải tạo đất như trồng đậu xanh xen các vườn cây, trồng cỏ Vetiver để cải tạo đất và tạo sinh khối… Từ đó cho ra sản phẩm chất lượng thượng hạng. Đặc biệt, dưa lưới được trồng trên đất đồi, ứng dụng công nghệ và ứng dụng vi sinh hữu cơ trong quá trình canh tác, kết hợp với các đặc điểm tự nhiên thuận lợi như giờ nắng cao, nguồn nước sạch nên có mùi vị thơm ngon rất đặc trưng.

5.dua-luoi.jpg
Vườn dưa lưới tại trang trại Nắng và Gió.

Các sản phẩm trái cây tại trang trại đã đạt được nhiều chứng nhận uy tín: Sản phẩm dưa lưới, táo mật và nho xanh đạt danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam” năm 2021 của Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam; Sản phẩm dưa lưới, táo và ổi đạt chứng nhận OCOP 4 sao; sản phẩm táo, dưa lưới, nho, ổi, nha đam cũng đã đạt chứng nhận Global GAP năm 2022…

Tại trang trại, ao chứa nước dự trữ để cung cấp nước tưới cho vườn cây trái và triển khai nuôi cá, thủy sản. Đồng thời, ao cũng đóng vai trò kết hợp làm cảnh quan phát triển Farm Stay du lịch tại trang trại.

Các chuồng nuôi bò tại trang trại được nuôi theo quy mô công nghiệp, có nhật ký canh tác chăm sóc cho từng con và đóng khoen tai để kiểm soát, nguồn phân bò được tận dụng để xử lý vỏ lá nha đam tạo ra một loại phân đặc sắc của trang trại là phân bò nha đam ủ hoai để cung cấp trồng nho, táo, ổi…

Tại trang trại, diện tích đất khoảng 30 ha được sử dụng để canh tác cỏ làm nguồn thức ăn cho bò. Bò được nuôi theo quy trình vỗ béo với nguồn thức ăn dinh dưỡng, không sử dụng chất cấm; nguồn bò được cung cấp từ các hộ dân chăn nuôi trong vùng trên các đồng cỏ và đồi núi nên chất lượng thịt rất thơm ngon và tốt cho sức khỏe. Hiện, quy mô đàn bò là 500 con và dự kiến mở rộng trên 1.000 con trong thời gian tới.

3.dan-bo.jpg
Đàn bò theo quy mô công nghiệp tại trang trại Nắng và Gió.

Anh Vương cho biết, bên cạnh mô hình vườn – ao – chuồng kể trên, anh còn kết hợp thực hiện mô hình nuôi trùn quế nhằm tận dụng nguồn phân bò sẵn có để xử lý làm phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ trở lại cho trang trại và đưa ra thị trường thương mại.

Đến năm 2022, khi các hạng mục đã dần hoàn thiện về cơ sở hạ tầng thì hạng mục du lịch trải nghiệm tri thức nông nghiệp được triển khai thêm để đón du khách. Tại đây, du khách được tham quan, học tập thực tế và ứng dụng cho mô hình nông nghiệp tại chính gia đình và nông trại của chính họ. Trang trại cũng phục vụ du khách trải nghiệm trồng cây và thu hoạch trực tiếp, tham gia một trong các quy trình sản xuất, đốt lửa trại qua đêm và bán lẻ các sản phẩm chế biến và tươi tại nông trại.

Tận dụng các nguồn phụ phế phẩm, trái cây hư

Anh Vương chia sẻ, tại trang trại, các nguồn phụ phế phẩm, trái cây hư cũng được tận dụng để chế biến làm vi sinh vật bản địa hóa IMO4 để ủ phân, xử lý mùi, nuôi trùn quế… cung cấp cho các vườn dưa lưới và cho các đối tác trồng nha đam trong tỉnh Ninh Thuận. Đây chính là mảng giá trị gia tăng giúp nâng tầm thương hiệu và uy tín mà doanh nghiệp đã ứng dụng những giải pháp an toàn và thân thiện với môi trường, tôn trọng thiên nhiên và sức khỏe người tiêu dùng cũng như người lao động.

2.le-minh-vuong-bia-phai-.jpg
Anh Lê Minh Vương (bìa phải) chăm sóc đàn bò tại trang trại. Ảnh: NVCC.

Theo anh Vương, lợi ích khác biệt nhất của mô hình này chính là tái sử dụng nguồn chất thải hữu cơ (phân gia súc, rau củ quả hư, chất thải hữu cơ…) của trang trại đều được tái sử dụng để chế biến thành các loại phân bón hữu cơ vi sinh, phân trùn quế, chế phẩm dinh dưỡng sinh học, vi sinh vật… và thức ăn chăn nuôi để phục vụ ngược trở lại cho việc trồng trọt và chăn nuôi tại trang trại. Từ đó, mô hình tiết kiệm được rất nhiều chi phí phân bón, chế phẩm vi sinh và thức ăn chăn nuôi cho trang trại.

Ngoài ra, việc thực hiện mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn này còn góp phần giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường đất, nước và không khí giúp bảo vệ môi trường xung quanh, từ đó tạo ra môi trường làm việc trong lành và hạnh phúc cho toàn bộ công nhân viên đang làm việc tại trang trại. Từ trang trại, đội ngũ nhân sự được đào tạo về chuyên môn và kỹ năng đã tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt nhất phục vụ thị trường và giữ vững vị thế của GC Food là công ty sản xuất nha đam, thạch dừa lớn nhất Việt Nam.

Chia sẻ

(80)