UNDP và GIZ hợp tác thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

 

Hà Nội, ngày 1 tháng 11 năm 2023 – Nền kinh tế tuần hoàn đặt nhiệm vụ trọng tâm vào bảo toàn giá trị của sản phẩm, vật liệu và tài nguyên; tuy vậy, để nhân rộng các mô hình tuần hoàn trên quy mô lớn, một trong số những thách thức chính là thiếu hụt thông tin về tình trạng số lượng và chất lượng của rác thải và vật liệu tái chế hiện có.

 

Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam đã triển khai sáng kiến thí điểm về một sàn giao dịch vật liệu thứ cấp để thay thế dần vật liệu nguyên sinh bằng vật liệu thứ cấp. Sáng kiến này được tài trợ bởi Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ) và nhận sự hỗ trợ từ Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) GmbH.

 

Sáng kiến nhằm tạo thuận lợi cho giao dịch rác thải và vật liệu tái chế của ngành nhựa và dệt may, từ đó thúc đẩy các hoạt động kinh doanh bền vững và hiệu quả. Dự án sẽ thí điểm một ứng dụng sàn thương mại điện tử thân thiện với người sử dụng, dễ tiếp cận hơn cho người bán và người mua. Ứng dụng này được kì vọng sẽ kiến tạo một mạng lưới các nhà cung cấp dịch vụ, nhà sản xuất, và nhà tái chế trong thị trường nguyên vật liệu thứ cấp, giúp tăng thêm cơ hội giao dịch và góp phần xây dựng một thị trường minh bạch và cạnh tranh hơn. Các doanh nghiệp quan tâm có thể đăng ký tham gia thí điểm này bằng cách liên hệ với UNDP. Vật liệu thứ cấp được giao dịch trên nền tảng cũng được kì vọng sẽ nhận được các chứng nhận và tiêu chuẩn để đảm bảo các tiêu chuẩn xã hội cao nhất.

 

Theo Bộ Công Thương, sản lượng ngành nhựa Việt Nam năm 2022 đạt 9,54 triệu tấn, với mức tăng trưởng trung bình mỗi năm của nhu cầu nhựa trong nước là 10,6%. Vì nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu nên 77% lượng nhựa tái chế được nhập khẩu từ nước ngoài. Việt Nam hiện đang là nước nhập khẩu phế liệu nhựa lớn thứ 3 sau Malaysia và Hong Kong với gần 290.000 tấn nhựa nhập khẩu trong năm 2019. 

 

Trong lĩnh vực dệt may, sản lượng xuất khẩu ở Việt Nam đạt giá trị 29,5 tỷ USD vào năm 2020. Việt nam là nước xuất khẩu quần áo lớn thứ 3 trên thế giới sau Trung Quốc và Bangladesh. Theo ước tính, 10-25% lượng vải được sử dụng trong ngành sản xuất hàng may mặc đã trở thành rác thải hậu công nghiệp. Ngoài một lượng nhỏ được tái chế và xuất khẩu làm nguyên liệu độn cho đồ gia dụng mềm, phần lớn rác thải bị đốt và chôn lấp. Việc tăng cường sử dụng vật liệu tái chế vào sản xuất một cách hiệu quả có thể giúp đáp ứng nhu cầu mới nổi của các thị trường và nhãn hàng quan trọng. Đồng thời, điều này cũng giúp Việt Nam tự chủ trong chuỗi cung ứng sợi và vải nhập khẩu cho ngành may mặc.

 

UNDP hiện đang là tổ chức đi đầu trong quá trình chuyển đổi kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. UNDP cũng đóng vai trò tư vấn cho Chính phủ Việt Nam về phát triển bền vững và giúp đưa kinh tế tuần hoàn vào các khung chính sách quan trọng như Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn sắp được ra mắt. Đồng thời, UNDP đã đầu tư vào một số chương trình nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam để chuyển đổi mô hình kinh doanh của họ. Chúng tôi ghi nhận rằng với tiềm năng thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm, doanh nghiệp đóng vai trò cốt lõi của quá trình chuyển đổi tuần hoàn.

 

Ông Đào Xuân Lai, trưởng Ban Biến đổi Khí hậu và Môi trường, UNDP Việt Nam cho biết: “Thí điểm sàn giao dịch vật liệu thứ cấp ở Việt Nam là bước đầu trong quá trình hướng tới nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam. Bằng cách tận dụng các kiến thức chuyên môn của cả hai tổ chức, chúng tôi hi vọng góp phần vào sự thành công của thí điểm trong việc thu thập thông tin chuyên sâu và đặt nền móng cho một thị trường vật liệu thứ cấp minh bạch và hiệu quả ở Việt Nam. Phát triển và duy trì các mối quan hệ đối tác chiến lược là yếu tố quan trọng giúp mang lại sự chuyển đổi cần thiết trong toàn bộ chuỗi giá trị. Đây là căn nguyên cho sự ra đời của Mạng lưới Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam và hôm nay, chúng tôi nhiệt liệt chào đón GIZ với vai trò là Đối tác mới nhất của Mạng lưới.”

 

Ông Dennis Quennet, Giám đốc Chương trình Phát triển Kinh tế Bền vững, GIZ Việt Nam cho hay: “Sự hợp tác của cả khu vực công lẫn khu vực tư là rất cần thiết để phát triển một nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Việc này cũng đòi hỏi các ban bộ ngành và cả khu vực tư nhân tiếp cận tổng quát các vấn đề liên quan để thiết lập một khuôn khổ phù hợp và tạo ra các mô hình kinh tế tuần hoàn mới. Thay mặt cho Chính phủ Đức, GIZ đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác của mình để hỗ trợ Việt Nam bằng kinh nghiệm và bài học về Kinh tế tuần hoàn cả trong và ngoài nước. Vì các giải pháp tốt nhất thường đến từ bên trong, chúng tôi hy vọng sẽ cùng với các doanh nghiệp xây dựng và duy trì một sàn giao dịch vật liệu thứ cấp với mô hình B2B. GIZ mong muốn được hợp tác chặt chẽ với UNDP trong lĩnh vực Kinh tế tuần hoàn để cùng góp phần phát triển một nền kinh tế xanh ở Việt Nam.” 

 

Để biết thêm thông tin, xin mời liên hệ:

Phan Hương Giang

Phụ trách báo chí và truyền thông, Biến đổi khí hậu và Môi trường

Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc

Email: phan.huong.giang@undp.org

Di động: 0948466688

 

Thông tin dành cho báo chí

Về GIZ

Trong suốt 30 năm qua, GIZ đã tư vấn cho Việt Nam về quy trình chính sách hướng tới cải cách kinh tế vĩ mô như Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh. GIZ Việt Nam có một mạng lưới đối tác lâu đời với khu vực tư nhân thông qua các dự án hợp tác về phát triển kinh tế bền vững, trong đó có lĩnh vực dệt may. GIZ hiện đang nỗ lực tăng cường tính tuần hoàn trong lĩnh vực dệt may thông qua việc hệ thống lại danh sách các nhà tái chế, phát triển công cụ theo dõi rác thải công nghiệp và thí điểm đổi mới sản phẩm dệt tái chế cho các doanh nghiệp. Với tư cách là nước chủ nhà của Liên minh Chất thải PREVENT, một tổ chức tư vấn quốc tế về kinh tế tuần hoàn, GIZ có thể áp dụng kiến thức chuyên môn về các giải pháp tuần hoàn kỹ thuật số cho nhựa của các thành viên PREVENT khác nhau trên toàn thế giới vào sự phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

 

Về Mạng lưới Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam

 

Được thành lập vào tháng 10/2021 bởi UNDP cùng với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thuộc Bộ TN&MT, Mạng lưới Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam hướng tới tăng cường đối thoại, tạo ra tri thức và huy động hành động tập thể hướng tới quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Đây là nền tảng đầu tiên do chính phủ lãnh đạo về kinh tế tuần hoàn và đã được nhắc tới trong Nghị định 08/2022/ND-CP. Mạng lưới Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam mong muốn nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực của tất cả các bên liên quan, bao gồm các bộ, ngành, doanh nghiệp, chuyên gia và người dân để áp dụng thành công các nguyên tắc Kinh tế tuần hoàn, tạo ra sức mạnh tổng hợp và tích hợp các nguồn lực tài chính và kỹ thuật.

 

Mạng lưới hiện có có bốn đối tác chiến lược: Đại sứ quán Hà Lan, Đại sứ quán Na Uy, Đại sứ quán Phần Lan và GIZ. Mạng lưới Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam có trung bình 1500 lượt truy cập hàng tháng và đã phát triển một mạng lưới gồm hơn 65 thành viên tích cực.

Chia sẻ

(154)