Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng bền vững

Theo ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), hiện nay, Việt Nam đã đưa ra nhiều cơ chế chính sách nhằm đạt được mục tiêu chuyển dịch năng lượng bền vững phù hợp với các định hướng chiến lược theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị cũng như các cam kết của Chính phủ về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đặc biệt, trong dự thảo Quy hoạch điện 8, Bộ Công Thương đã nghiên cứu phát triển hệ thống điện Việt Nam theo hướng xanh, bền vững, phù hợp với các cam kết tại COP26. Cụ thể, cần khai thác tối đa và hợp lý nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp trong nước cho sản xuất điện như nguồn khí tự nhiên, năng lượng tái tạo; giảm tối đa các nhà máy nhiệt điện than với mục tiêu giảm tối đa phát thải khí CO2, không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030, xem xét chuyển đổi một số nguồn điện trong quy hoạch sử dụng than sang sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).

Các nhà máy nhiệt điện than, khí sẽ chuyển dần sang dùng biomass, amoniac hoặc hydrogen khi các công nghệ đã được kiểm chứng và thương mại hóa. Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh phát triển nguồn điện gió, điện mặt trời, ưu tiên phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo cấp điện trực tiếp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp và dân sinh (ưu tiên sản xuất hydrogen, amoniac xanh, hóa chất…), các loại hình thủy điện tích năng, thủy điện trên các hồ thủy lợi, điện sinh khối, điện chất thải rắn và năng lượng tái tạo khác.

“Có thể nói, Việt Nam đang triển khai những bước đầu của việc chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh, sạch hơn. Đây cũng là xu hướng tất yếu giúp đảm bảo một nền kinh tế bền vững. Đến nay, chúng ta đã đạt được kết quả nhất định trong việc gia tăng tỷ lệ nguồn điện tái tạo trong cơ cấu công suất hệ thống điện, đồng thời, có thời kế hoạch phát triển các nguồn điện ít phát thải hơn và chuyển đổi nhiên liệu trong gian tới. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam sẽ đòi hỏi phương pháp tiếp cận toàn diện với sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế trong xã hội, cùng nhiều giải pháp đồng bộ” – ông Dũng nhận định.

Trong Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam năm 2021 do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phối hợp với Cục Điện lực Đan Mạch mới công bố đã chỉ ra, để Việt Nam có thể đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 với chi phí thấp nhất, nguồn điện từ năng lượng tái tạo (NLTT) cần phải là nguồn thay thế chính cho nhiên liệu hóa thạch, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua sản xuất nhiên liệu điện phân. Muốn như vậy, hệ thống điện của Việt Nam cần đáp ứng hơn 70% tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng bằng nguồn điện năng lượng tái tạo vào năm 2050. Lượng điện tăng dồi dào sẽ thúc đẩy quá trình điện khí hóa trong tất cả các ngành, lĩnh vực và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch cho các khu vực còn lại của hệ thống năng lượng.

Nhà máy điện gió Ninh Thuận

Hiện nay, ngành Giao thông vận tải – một trong những ngành có tiềm năng điện khí hóa cao nhất đã xây dựng lộ trình “xanh hóa” cho 6 loại hình: đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy nội địa, hàng hải và giao thông đô thị. Theo Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, từ nay đến năm 2030 là giai đoạn ngành sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng đối với các lĩnh vực thuộc ngành GTVT đã sẵn sàng về công nghệ, thể chế, nguồn lực. Đây là nền tảng để thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh hướng đến phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Xuyên suốt là quá trình phát triển hệ thống hạ tầng giao thông xanh, tái cơ cấu thị trường vận tải, chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng và triển khai hệ thống metro tại các đô thị lớn. Tuy nhiên, lộ trình này cần có sự hỗ trợ tối đa từ quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững.

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn (Viện Năng lượng), Việt Nam cần có cách tiếp cận mang tính chất hệ thống để quá trình chuyển đổi năng lượng và mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Bài học kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước là nên quan tâm đến các giá trị phát triển bền vững gắn với những lợi ích, hiệu quả kinh tế hơn. Cụ thể, Việt Nam sẽ cần triển khai đồng bộ chiến lược năng lượng “xanh”, quy hoạch năng lượng sạch với các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo, giảm phát thải các-bon, các chính sách hỗ trợ làm sao tối đa hóa lợi ích về kinh tế – xã hội, tăng cường tính linh hoạt nguồn phát về năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, cần có lộ trình giảm phát thải các bon sâu bằng cách xây dựng chính sách như định giá các bon, tiêu chuẩn phát thải các bon, chính sách giảm dần điện than song song với chuyển dịch thị trường lao động… Một yêu cầu cấp thiết là phải xây dựng hạ tầng cho các hoạt động về chuyển dịch năng lượng như cơ sở hạ tầng cho lưới điện thông minh, phân phối, chuyển tải điện từ năng lượng tái tạo, LNG…

Theo Trung Nguyên

Chia sẻ

(54)