Làng nghề tái chế với chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất: Thực thi chính sách EPR là xu hướng tất yếu


(Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh (Hiệp hội Nhựa Việt Nam)

Phóng viên: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đưa ra nguyên tắc cơ bản của cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Hiện nay Bộ TN&MT cũng đang xây dựng khung pháp lý cụ thể để hướng dẫn thực thi. Xin ông cho biết những lợi ích mà EPR đem lại?
Ông Hoàng Đức Vượng:
Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu là công cụ mang tính đột phá của Chính phủ trong việc bảo vệ môi trường, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Việc thực thi chính sách này là thách thức lớn đối với các nhà quản lý và doanh nghiệp nhưng nó là xu hướng tất yếu với một số lợi ích cơ bản như: Thúc đẩy hệ thống thu gom, tái chế cả những loại bao bì và sản phẩm ít giá trị, khó tái chế đang gây ô nhiễm môi trường và làm quá tải các bãi rác như hiện nay. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp nỗ lực thiết kế sản phẩm và bao bì sinh thái có khả năng thu gom, tái chế cao hơn, từ đó giảm chi phí và gánh nặng cho nhà tái chế.
Ngoài ra, chính sách này có khả năng hỗ trợ ngành tái chế chuyển đổi hệ thống tái chế giản đơn, chất lượng thấp sang hệ thống chất lượng cao, tiên tiến, hiện đại; tạo ra sản lượng tái chế lớn, chất lượng cao làm tăng thêm nhu cầu, tạo ra thị trường cho sản phẩm tái chế; hạn chế rủi ro tài chính cho các nhà tái chế do việc tái chế thiếu an toàn, khả thi về mặt kinh tế, kinh phí hỗ trợ từ EPR sẽ giải quyết vấn đề này.
Phóng viên: Theo ông, kinh tế tuần hoàn nói chung, chính sách EPR nói riêng sẽ ảnh hưởng gì đối với những làng nghề tái chế nói riêng và ngành tái chế nói chung?
Ông Hoàng Đức Vượng:
Chính sách EPR quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với 6 nhóm ngành hàng bao gồm: bao bì, pin – ắc quy, dầu nhờn, săm lốp, thiết bị điện tử, ô tô – xe máy. Hầu hết các mặt hàng này sau khi thải bỏ đang được tái chế tại các làng nghề. Nhiều năm qua, chúng ta chưa có sự nhìn nhận, hướng dẫn và đầu tư đúng mức, vì vậy, nhiều làng nghề phát sinh ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là gây nguy hại đối với chính những người lao động trong làng nghề đó.
Thực hiện chính sách mới, bắt buộc các doanh nghiệp phải thu gom, tái chế hoặc thuê doanh nghiệp thu gom, tái chế các loại bao bì và sản phẩm. Đây chính là động lực thúc đẩy làng nghề hình thành các doanh nghiệp tái chế đảm bảo môi trường, tạo ra thị trường thu gom phế liệu triệt để hơn, số lượng lớn hơn, đồng nghĩa với việc tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập.
Khi các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, chính họ sẽ phải bắt tay với hệ thống thu gom phế liệu, tái chế, đồng nghĩa với việc hệ thống này được quan tâm, đặt vào vị trí cao hơn trong nền kinh tế.
Cá nhân tôi cho rằng, khi thực thi chính sách, mỗi làng nghề tái chế sẽ dịch chuyển thành 2 xu hướng, một số hộ tái chế lớn sẽ kết hợp để thành lập doanh nghiệp tái chế và di chuyển vào các khu công nghiệp, thực hiện tái chế đảm bảo về môi trường để được nhận kinh phí hỗ trợ, phần còn lại sẽ làm công việc thu gom, phân loại để cung cấp cho doanh nghiệp tái chế. Như vậy, việc tái chế tại các làng nghề sẽ giảm mạnh, bài toán ô nhiễm tại các làng nghề sẽ được giải.
Phóng viên: Vậy, chúng ta cần làm gì để không xảy ra xung đột về mặt lợi ích giữa nhóm tái chế chính thức và làng nghề tái chế thưa ông?
Ông Hoàng Đức Vượng:
Như tôi đã nói trên, việc thực thi chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất không tạo ra xung đột về lợi ích giữa các doanh nghiệp tái chế và các làng nghề tái chế.
Chính sách này tạo ra dòng tiền, tăng thêm kinh phí cho thu gom tái chế lớn hơn trước đây làm cho thị trường thu gom tái chế mạnh hơn, những cá nhân, tổ chức hoạt động trong thị trường đó đều được hưởng lợi. Các doanh nghiệp tái chế được hỗ trợ kinh phí từ chính sách sẽ cạnh tranh để thu gom, tái chế với sản lượng lớn hơn, giá cao hơn, tăng thêm thu nhập cho hệ thống thu gom phi chính thức. Trong khi đó, các hộ gia đình tái chế có cơ hội để chuyển đổi từ tái chế giản đơn, gây ô nhiễm thành các doanh nghiệp tái chế tiên tiến, bảo vệ môi trường.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
Phạm Oanh, Báo Tài nguyên và Môi trường

Chia sẻ

(60)