Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V: Hài hoà phát triển kinh tế và BVMT

Tham dự Hội nghị có đồng chí Trần Hồng Hà, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng chí Lê Quang Huy, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội; đồng chí Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT, đồng chí Phan Xuân Dũng, nguyên Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Ngoài ra còn có đại diện lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể ở Trung ương; Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân, Sở Tài nguyên và Môi trường 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu và chuyên gia trong lĩnh vực môi trường và đại diện của một số tổ chức và chuyên gia quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.

dsc_7722_cff61177a66aebb251c3de7fd53ca6ff(2).jpg
 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tới dự và chỉ đạo tại Hội nghị.

Đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác BVMT

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Năm 2022 là thời điểm mà Thủ tướng Chính phủ vừa đưa ra cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Đây cũng là năm bản lề trong việc triển khai các định hướng lớn về môi trường và phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Năm 2022 cũng là năm đầu tiên triển khai các quy định, chính sách mới, đột phá của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Do đó, Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V không chỉ tổng kết, đánh giá kết quả đạt được và những bài học, kinh nghiệm trong công tác bảo vệ môi trường giai đoạn vừa qua mà còn để quán triệt, cùng thống nhất nhận thức và hành động của cả xã hội đối với công tác bảo vệ môi trường.

Nhìn lại chặng đường đã qua cho thấy, vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong các chương trình nghị sự; các chương trình, chiến lươc, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe Nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được đưa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”.

ong-ha(1).jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh chúng ta phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và chung tay của toàn dân công tác BVMT đã chuyển bị động sang ứng phó, sang chủ động phòng ngừa, bảo vệ và phục hồi. Hệ thống chính sách, pháp luật đã được hoàn thiện, trong đó Luật Bảo vệ môi trường 2020 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác BVMT. Các mô hình, công nghệ hiện đại được triển khai trong tái chế, xử lý chất thải. Hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo về chất lượng môi trường được nâng cao, cung cấp thông tin về môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Nhiều phong trào, mô hình điển hình về BVMT đã đi vào cuộc sống, trở thành hành động và nếp sống của mọi người, mọi nhà và cộng đồng xã hội.

Bên cạnh những thành công đạt được, công tác bảo vệ môi trường còn có những tồn tại, hạn chế.  Môi trường ở một số nơi vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, đặc biệt tại các lưu vực sông, làng nghề; một số sự cố môi trường vẫn xảy ra; việc khai thác tài nguyên không hợp lý, thiếu tính bền vững tiếp tục làm thất thoát tài nguyên và tác động xấu lên môi trường; tình trạng phá rừng, săn bắt, mua bán trái phép động, thực vật hoang dã, sinh vật ngoại lai xâm lấn đang diễn biến phức tạp.

Để giải quyết những vấn đề tồn tại, nhiều đại biểu tham dự hội nghị đã đưa ra các bài tham luận, trao đổi, đánh giá về những kết quả đạt được và chưa được trong công tác BVMT, chỉ ra những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, cũng như đề xuất nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác BVMT trong thời gian tới. Nhiều tham luận được đánh giá cao như tham luận “Phát huy sức mạnh toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”; “Những nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu” của UNDP; “Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực môi trường” ; “Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường” …

thumbnail_z3617430345469_b9f415bb39181e89b8eb7ab8b81721a4(1).jpg

Chung tay thực hiện các mục tiêu trong thời gian tới

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, tại Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 được Quốc hội khóa XV thông qua, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021- 2030 tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cũng như Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, vấn đề bảo vệ môi trường đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm; trong đó đã đề nhiều ra mục tiêu cần phải đạt được từ nay cho đến năm 2025 như bảo đảm 90% chất thải rắn sinh hoạt đô thị, 80% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, 95% chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%; diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên đạt 2,7 triệu ha;…
Để đạt được các mục tiêu nêu trên cần sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc lồng ghép các mục tiêu, yêu cầu bảo vệ môi trường trong xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình phát triển kinh tế – xã hội. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Cân đối, bố trí vốn từ ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn vốn khác như vốn vay, trái phiếu chính phủ, … để xây dựng, triển khai Chương trình/dự án về môi trường nhằm giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc hiện nay.

dsc_7617_1dd21267047b23cff13ab6bc6da653b9-1-(2).jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu về nhận diện thời cơ, thách thức và định hướng nhiệm vụ, giải pháp của công tác bảo vệ môi trường giai đoạn tới.

Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cần tiếp tục tập hợp, phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các tổ chức quần chúng khác và cộng đồng dân cư tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường đối với cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Đối với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần khẩn trương ban hành các văn bản triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tại địa phương; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai các nội dung của Luật vào thực tiễn địa phương, đặc biệt là những nội dung mới. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bảo đảm bố trí không dưới 1% tổng chi ngân sách của địa phương cho sự nghiệp bảo vệ môi trường.

Bảo vệ môi trường chỉ có thể thành công khi có sự chung tay của tất cả mọi người. Vì thế mà chủ đề của hội nghị năm nay là “Hài hòa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững” như một lời kêu gọi mạnh mẽ về sự tập hợp, đoàn kết nhằm bảo vệ môi trường. Đồng thời ngăn chặn sự suy thoái của đa dạng sinh học vì cuộc sống hài hòa với thiên nhiên và cho một tương lai bền vững hơn.

Định hướng chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh”

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, 5 năm vừa qua, chúng ta thấy được đóng góp rất lớn của ngành TN&MT và các lĩnh vực về bảo vệ tài nguyên mà chúng ta đã thực hiện được. Hệ thống chính sách, pháp luật có bước phát triển đột phá với việc Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, làm cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho công tác bảo vệ môi trường. Đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về môi trường của cộng đồng, doanh nghiệp, nhất là trong việc tiêu dùng các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường, hạn chế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Nhiều dự án xử lý chất thải, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường được đầu tư. Tỉ lệ chất thải rắn được thu gom tăng qua các năm, công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được chú trọng.

z3617211180090_356d948c011bfd8ab31480d4d98398c1(1).jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Để phát triển đất nước theo hướng bền vững,  Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục chú trọng đến đời sống, sức khoẻ của nhân dân cùng với sự phát triển bền vững chúng ta đưa lên hàng đầu. Các địa phương, các ngành cần chú trọng, dành nhiều quỹ đất cây xanh theo đúng Luật quy hoạch cũng như các tiêu chuẩn, tiêu chí quy định hiện hành; kiên quyết giữ quỹ đất cây xanh và phải phát triển cây xanh trong đô thị, các khu vực. Cần tập trung chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, cacbon thấp

Bên cạnh đó, các địa phương từ trung ương đến địa phương cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực làm công tác quản lý về bảo vệ môi trường, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường và đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường. Ưu tiên nguồn ngân sách làm vốn để thu hút, phát triển, giải quyết các vấn đề môi trường.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh “Hội nghị toàn quốc về Môi trường lần thứ V” là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường sự kết nối, phối hợp, thúc đẩy mạnh mẽ trong việc bảo vệ môi trường. Những kết quả quan trọng tại đại hội sẽ là tiền đề quan trọng để chúng ta chung tay, góp sức cùng nhau thực hiện thật tốt, hành động cụ thể trong công tác BVMT”.

Kết thúc Hội nghị, một lần nữa Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Môi trường đã có sự tiến bộ trong 30 năm qua nhưng vẫn còn những thách thức. Thực trạng đó buộc chúng ta phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Chuyển đổi xanh dựa trên nền tảng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các bon thấp, kinh tế số là con đường để chúng ta đưa đất nước phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống cho Nhân dân.

Chia sẻ

(41)