Thúc đẩy thí điểm thị trường thương mại điện tử giao dịch vật liệu nhựa và dệt may

Hà Nội, 11/04/2024 – Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), cùng Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam, tổ chức Hội thảo tham vấn thí điểm thị trường thương mại điện tử giao dịch vật liệu thứ cấp. Hội thảo nhằm rà soát các quy định hiện hành cho thị trường trực tuyến về vật liệu nhựa và dệt may thứ cấp và xác định nhu cầu của các đơn vị liên quan trong khuôn khổ Sáng kiến triển khai thí điểm sàn giao dịch trực tuyến dành cho phế, phụ phẩm ngành nhựa và dệt may. Tham dự sự kiện bao gồm đại biểu đến từ các cơ quan ban ngành, đơn vị phát sinh phế liệu, chất thải, đơn vị tái chế, chủ sở hữu nền tảng thương mại điện tử, các công ty công nghệ, nhà đầu tư, tổ chức phát triển, tổ chức phi lợi nhuận, và đơn vị nghiên cứu, hoạch định chính sách.

Tại hội thảo, Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, cho rằng chuyển đổi số cung cấp các giải pháp tiềm năng cho các chuỗi giá trị đặc biệt là trong việc kết nối người bán và người mua, đồng thời cũng cải thiện tính minh bạch và tiêu chuẩn hoá. Ông Haverman đồng thời nêu ra một số câu hỏi quan trọng cho cuộc tham vấn về vai trò của thị trường giao dịch này trong việc giải quyết những khoảng trống, tận dụng cơ hội do các quy định của EPR yêu cầu về nhựa và dệt mayanh th tái chế, hay những vấn đề pháp lý liên quan đến thị trường này.

Đại diện Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bà Trần Minh Huệ, nhấn mạnh phương pháp tiếp cận theo hướng dự án và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn ở cấp độ doanh nghiệp với doanh nghiệp. Sàn giao dịch thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ giúp kết nối giữa bên  cung và cầu, tăng nguyên vật liệu thứ cấp đầu vào, tạo điều kiện các doanh nghiệp thực hiện các sáng kiến thúc đẩy sản xuất các sản phẩm tái chế khép kín.

Trong bối cảnh hiện nay, chiến lược chuyển đổi số mang đến các giải pháp đầy hứa hẹn trên toàn chuỗi giá trị tái chế, đơn giản hóa việc tái chế cho người tiêu dùng, tăng cường thu gom, cải thiện nhận diện vật liệu, hỗ trợ tuân thủ quy định và tạo ra thị trường cho các vật liệu tái chế. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn thiếu vắng thị trường trực tuyến uy tín và minh bạch nhằm thúc đẩy việc trao đổi, mua bán nguyên vật liệu thứ cấp. Những nền tảng hiện có thường không đảm bảo về nguồn gốc, chất lượng và tính bền vững của vật liệu; trong khi đó, các tập đoàn lớn – các đơn vị có nhu cầu vật liệu tái chế cao – lại yêu cầu khắt khe đối với nguyên vật liệu đầu vào nhằm đáp ứng các chiến lược cung ứng có trách nhiệm và bền vững.

Do đó, thị trường trực tuyến dành cho ngành nhựa và dệt may được triển khai thí điểm là giải pháp kịp thời, giải quyết các khoảng trống hiện tại và tận dụng các cơ hội từ quy định EPR và nhu cầu tái chế dệt may toàn cầu. Nền tảng sẽ tạo điều kiện thuân lợi cho hoạt động giao dịch phế, phụ phẩm nhựa và may mặc trên cơ sở trực tuyến thông qua việc kết nối người bán và người mua. Đồng thời, nền tảng sẽ giúp gia tăng tính minh bạch của giao dịch và hỗ trợ xác minh nguồn gốc các sản phẩm tái chế được sản xuất từ các nguyên liệu này.

Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đặt mục tiêu thúc đẩy các thị trường trực tuyến cho  nguyên liệu thứ cấp ở Việt Nam, khởi đầu đối với ngành nhựa và dệt may. Sáng kiến này được tài trợ từ Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên Bang Đức (BMZ) và được hỗ trợ bởi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức – GIZ.

Chia sẻ

(43)