Tham vấn kịch bản đàm phán cho thỏa thuận ô nhiễm nhựa

Tp. Hồ Chí Minh, 26/3/2024 – Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE), phối hợp với Chương trình đối tác hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP), UNDP Việt Nam, Chương trình Môi trường Thái Bình Dương (PE), và Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) Việt Nam, tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan, gồm doanh nghiệp, hiệp hội, các tổ chức xã hội và đơn vị nghiên cứu, để xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa. Sự kiện này thuộc chuỗi các hội thảo tham vấn chủ trì bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường xuyên suốt quá trình đàm phán liên chính phủ (INCs), trong đó Phiên họp lần thứ tư (INC-4) sẽ được tiếp tục tại Ottawa, Canada, trong Tháng 4/2024. 

 

Bản dự thảo số “0” sửa đổi (Văn bản UNEP/PP/INC.4/3) do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) xuất bản vào tháng 12 năm 2023, gồm sáu phần chính. Hầu hết các quan điểm từ những quốc gia thành viên và các tổ chức quốc tế trong phiên đàm phán INC trước đều tập trung vào những lựa chọn đề cập tại Phần II, bao gồm: Danh mục hóa chất và polymer cần quan tâm; các sản phẩm nhựa có vấn đề và cần tránh (bao gồm sản phẩm nhựa với tuổi thọ ngắn và nhựa dùng một lần), Thiết kế sản phẩm, Thành phần và tính năng của sản phẩm, Sản phẩm thay thế không phải nhựa, Cơ chế thực hiện Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR); Phát thải và thải bỏ trong suốt vòng đời của nhựa và quản lý chất thải. Các chủ đề như tình hình ô nhiễm nhựa hiện nay, quá trình chuyển đổi công bằng (Just Transition), theo dõi và giám sát, tem nhãn cũng được đề cập trong các phần khác, với những lựa chọn khác nhau liên quan tới dòng tài chính, nâng cao năng lực, hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, kế hoạch quốc gia, các biện pháp kiểm soát và cách thức thực hiện cho quốc gia thành viên khác nhau.  

 

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ông Lê Ngọc Tuấn, khẳng định rằng: “Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, ngay khi được thông qua, chắc chắc sẽ tác động trực tiếp đến ngành công nghiệp, sản xuất, các doanh nghiệp kinh doanh và cả người tiêu dùng ở các mức độ khác nhau, thậm chí sẽ  thay đổi mô hình kinh tế về nhựa, từ khâu thiết kế, sản xuất, tiêu thụ và thải bỏ trên phạm vi toàn cầu. Việc chủ động, tích cực tham gia vào quá trình đàm phán, một mặt thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong nỗ lực chung toàn cầu để giải quyết ô nhiễm nhựa, mặt khác sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong tương lai”. 

 

Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, đại diện là Ông Brian Allemekinders – Trưởng ban Hợp tác phát triển, nhấn mạnh: Canada hân hạnh hỗ trợ sự tham gia một cách toàn diện và ý nghĩa của các đối tác hành động tại hội thảo quan trọng này, hướng tới Phiên đàm phán liên chính phủ lần thứ 4 (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ pháp lý quốc tế mang tính ràng buộc về ô nhiễm nhựa, bao gồm môi trường biển. Tôi cũng rất vui mừng được lắng nghe những ý kiến đa chiều được trình bày tại Hội thảo. Các phiên đàm phán và quá trình xây dựng thỏa thuận chắc chắn phải dựa trên những ý kiến đóng góp từ tất cả các bên liên quan, bao gồm tổ chức xã hội, doanh nghiệp và các cấp chính quyền. Chúng tôi mong đợi được chào đón Đoàn đám phán của Việt Nam tham dự INC-4 tại Ottawa, Canada vào tháng 4 năm 2024. Canada nhận thấy yêu cầu cấp thiết, cả trong nước và quốc tế, trong việc phối hợp và hành động một cách kiên định nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa. Một phần của giải pháp là sự chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, khi giá trị của nhựa được luân chuyển trong nền kinh tế và chất thải nhựa được giảm thiểu hiệu quả”. 

 

Hội thảo cũng nhận được nhiều kiến nghị liên quan tới kế hoạch quốc gia hướng đến thực hiện khung ràng buộc pháp lý quốc tế đầy tham vọng trong chấm dứt ô nhiễm nhựa, kỳ vọng sẽ chính thức có hiệu lực từ cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025. Cơ chế thực hiện EPR đã được đề cập như một công cụ hữu ích thu hút sự tham gia của các nhà sản xuất, thúc đẩy các giải pháp thay thế nhựa, thân thiện với môi trường, và khơi dòng các khoản đầu tư tiềm năng một cách hiệu quả để chống lại ô nhiễm nhựa, cũng như hỗ trợ quá trình chuyển đổi công bằng (Just Transition) của lực lượng phi chính thức trong hệ thống quản lý chất thải nhựa. Đồng thời, cách tiếp cận xuyên suốt vòng đời nhựa lần nữa được nhấn mạnh, đòi hỏi sự đóng góp và hợp tác liên ngành liên lĩnh vực, từ công nghiệp, môi trường, thủy sản, nông nghiệp, du lịch, thông tin và truyền thông đến thương mại điện tử. 


Các đối tác đã tham quan mô hình kinh tế tuần hoàn  giúp biến chất thải thành nguồn tài nguyên có giá trị, hỗ trợ địa phương ngăn chặn làn sóng ô nhiễm nhựa tại huyện Cần Giờ, Tp. Hồ Chí Minh. Như đề xuất của Liên minh Doanh nghiệp vì Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa (Business Coalition for Global Plastic Treaty) khu vực Đông Nam Á, hành động tập thể có thể thay đổi hành vi và đặt nền móng cho một giải pháp toàn diện hơn với cách thức tốt hơn và công nghệ tiên tiến hơn. 

Tham dự sự kiện gồm đại biểu của Bộ ngành tham gia Đoàn đám phán liên ngành của Việt Nam, như Bộ Công thương (MOIT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (MARD), Bộ Tư pháp (MOJ), Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE) với các diễn giả đến từ Vụ Hợp tác quốc tế, Cục kiểm soát ô nhiễm, Cục Biển và Hải đảo …, các đơn vị ngoại giao (Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, Đại sứ quán Nauy tại Việt Nam…), các doanh nghiệp (Coca-Cola, Unilever, Nestle, TOMRA, Dow Việt Nam, Duy Tân Recycling,…), các hiệp hội (Hiệp hội Nhựa, Hiệp hội Thương mại điện tử…), các tổ chức nước ngoài và NGOs (UNDP Việt Nam, WWF-Việt Nam, Pacific Environment Việt Nam, Yunus Environment Hub, Chemonics…), các đơn vị nghiên cứu (Viện Khoa học môi trường biển và hải đảo, Viện Chiến lược và chính sách Tài nguyên và Môi trường…).  

Chương trình đối tác hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP) 

Chương trình đối tác hành động Quốc gia về Nhựa tại Việt Nam, thuộc UNDP Việt Nam, là một nền tảng đối tác đa phương đa chủ thể được chính phủ thiết lập, cho phép thực hiện hợp tác giữa chính phủ và đối tác quốc gia quan trọng khác để chuyển những cam kết về rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa thành hành động. Nhóm Công tác Chương trình NPAP (Leadership Board), chủ trì bởi Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, bao gồm 34 thành viên là các lãnh đạo và đại diện cấp cao từ các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp đang hành động tích cực chống ô nhiễm nhựa, đã phê duyệt kế hoạch hành động năm 2024 – 205 của Chương trình, tập trung vào thúc đẩy các giải pháp đổi mới, khơi dòng tài chính, hỗ trợ chính sách, bình đẳng giới và bao trùm xã hội xuyên suốt vòng đời của nhựa. 

Website: http://npap.undp.org.vn/ 

Facebook: https://www.facebook.com/VietnamNPAP 

 

Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương tại Việt Nam (PEVN) 

Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương (PE) là một tổ chức 501c3 của Mỹ được thành lập vào năm 1987, trụ sở chính đặt tại San Francisco với các văn phòng ở Anchorage, Alaska, Chongqing, Trung Quốc và ở Việt Nam. PE có sứ mệnh bảo vệ con người, động vật hoang dã và hệ sinh thái thông qua các hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn biển, giảm ô nhiễm nhựa và chất thải rắn, thúc đẩy các hoạt động tích cực ở cấp địa phương, tăng cường năng lực cho cộng đồng và định hình các chính sách quốc tế. Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương có tầm nhìn về một thế giới bền vững với các cộng đồng hưng thịnh, xã hội tiến bộ, quyết sách toàn diện và chia sẻ các nguồn lực một cách hợp lý. 

Website: https://www.pacificenvironment.org/ 

 

Tổ chức quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) 

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) là một trong những tổ chức bảo tồn hàng đầu tại Việt Nam, tư vấn các giải pháp và hỗ trợ chính phủ và các đối tác giải quyết các thách thức của quá trình phát triển quốc gia. Sứ mệnh của chúng tôi là ngăn chặn sự xuống cấp của môi trường tự nhiên tại Việt Nam và xây dựng một tương lai trong đó con người sống hài hòa với thiên nhiên. 

Website: https://vietnam.panda.org/en/ 

Chia sẻ

(36)