Tỉnh An Giang, ngày 19 tháng 7 năm 2024 – Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) phối hợp với Viện Khoa học phát triển nông thôn (SIRD), Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), Viện Quản lý Nước Quốc tế (IWMI), Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) cùng Dự án “Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh trong Nông nghiệp và Thực phẩm Việt Nam” của Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đồng tổ chức khóa tập huấn nhằm chuyển giao kiến thức về thực hành nông nghiệp tuần hoàn cho nông dân, cán bộ khuyến nông và hợp tác xã trong chuỗi giá trị lúa gạo.
Chương trình tập huấn được thiết kế để hỗ trợ nông dân, cán bộ khuyến nông và hợp tác xã tại tỉnh An Giang chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính, gây cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Khóa tập huấn tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa nông dân và các ngành công nghiệp sử dụng phụ phẩm lúa gạo, đồng thời xây dựng năng lực cho cán bộ kỹ thuật về quản lý và cơ giới hóa rơm rạ bằng cách giới thiệu các mô hình kinh doanh tái sử dụng rơm rạ và công nghệ ủ phân hữu cơ.
Ông Tôn Thất Thịnh, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang khẳng định “Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đã và đang thay đổi phương thức sản xuất của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tỉnh An Giang, góp phần xây dựng mô hình khép kín, bảo vệ môi trường, tăng thêm nguồn thu, hình thành tư duy sản xuất mới. Cụ thể như, sử dụng rơm trồng nấm sau đó tái sử dụng bả rơm để làm phân bón hữu cơ bón lại cho lúa và các loại cây trồng; sử dụng rơm làm thức ăn cho gia súc sau đó sử dụng phân của gia súc để làm phân bón hữu cơ phục vụ lại cây trồng; sử dụng trấu làm chất đốt và tro trấu thải ra được dùng làm phân bón cho cây trồng. Ngoài ra, rơm và trấu còn được dùng cho nhiều mục đích sử dụng khác như làm đệm lót sinh học, vật liệu xây dựng, làm than sinh học, đồ thủ công mỹ nghệ, dược phẩm… Ðây là những giải pháp giúp nâng cao giá trị gia tăng của phụ phẩm lúa gạo, đồng thời tạo ra năng lượng sạch và bền vững. Việc này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm áp lực lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu nhờ việc hạn chế đốt rơm rạ sau thu hoạch.”
Ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã nêu bật tính cấp thiết của quá trình chuyển đổi này: “Trong bối cảnh tài nguyên cạn kiệt và ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ là lựa chọn mà là một yêu cầu cấp thiết. Kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp tái sử dụng và giảm thiểu rác thải mà còn mở ra cơ hội tạo ra giá trị gia tăng từ các nguồn lực sẵn có. Đây là xu hướng tất yếu, là mục tiêu đang được tỉnh đặc biệt quan tâm, nhằm định hướng phát triển bền vững và xanh, góp phần vào việc thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao.”
Người tham gia đã học cách đào tạo nông dân sản xuất nấm ở quy mô nhỏ, vừa và lớn. Nội dung đào tạo bao gồm quản lý rơm rạ để làm phân bón, các bước kỹ thuật sản xuất phân bón, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất phân bón, cũng như đánh giá lợi ích và chi phí của quá trình này.
“Chúng tôi rất vui mừng được hợp tác tổ chức khóa tập huấn này cùng các đối tác và ghi nhận sự quan tâm tích cực của nông dân và hợp tác xã vùng Đồng bằng sông Cửu Long đối với nông nghiệp tuần hoàn. Từ trồng nấm bằng rơm rạ đến ủ phân hữu cơ, nhiều công nghệ chi phí hợp lý đã giúp tăng thu nhập, thúc đẩy thực hành nông nghiệp bền vững và giảm phát thải khí nhà kính. Chúng ta cần cần sự hợp tác chặt chẽ của toàn bộ các bên liên quan trong chuỗi giá trị nhằm tạo điều kiện cho các mô hình này tiếp cận thị trường, từ đó duy trì và mở rộng quy mô,” Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, chia sẻ.
Tiến sĩ Tosin Somorin, Nhà nghiên cứu Kinh tế tuần hoàn và Quản lý chất thải của IWMI, cho biết: “Giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện chất lượng đất không phải là vấn đề có thể giải quyết một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, sự sáng tạo của nông dân và hợp tác xã trong việc tận dụng rơm rạ và chất thải hữu cơ để sản xuất nấm và phân bón cho thấy tiềm năng thay đổi mang tính đột phá. Việc áp dụng rộng rãi các thực hành tuần hoàn trên toàn quốc là một cách hiệu quả để giảm phát thải trong quá trình sản xuất, cải thiện sinh kế và bảo vệ môi trường vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với vai trò là một viện nghiên cứu vì phát triển, IWMI cam kết tiếp tục cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các mô hình kinh tế tuần hoàn để thúc đẩy quá trình chuyển đổi này.”
Tập huấn đã thúc đẩy các thực hành nông nghiệp bền vững, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc áp dụng cách tiếp cận sáng tạo trong chuỗi giá trị lúa gạo.