Nhiều ý kiến chia sẻ từ đại diện các tổ chức, cơ quan sẵn sàng thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Huế

Hội thảo Định hướng hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn tại địa phương do Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã diễn ra vào ngày 30/11/2022 với sự tham gia của gần 50 đại biểu là đại diện từ các cơ quan, sở ban ngành, UBND các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và một số đơn vị thuộc các tỉnh lân cận.

Kinh tế tuần hoàn hoàn đang nhận được sự hưởng ứng của xã hội ngày càng mạnh mẽ. Việt Nam đã và đang xây dựng tiêu chí, lộ trình và hoàn thiện hệ thống pháp luật để thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn. Trong năm 2023, dự kiến khung chính sách pháp luật về KTTH sẽ được hoàn thiện, bao gồm những chính sách thúc đẩy và các luật quy định để doanh nghiệp, người dân chịu trách nhiệm với các hoạt động sản xuất, kinh doanh gây ra tác động xấu đến môi trường – TS. Nguyễn Thế Thông – Ban Kinh tế tài nguyên và môi trường – Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết về những đề xuất kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế tuần hoàn.

Chia sẻ của Ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường về đề xuất kế hoạch hành động quốc gia về phát triển KTTH

Thừa Thiên Huế định hướng xây dựng và phát triển địa phương xanh và bền vững, phát triển nhanh trền nền tảng tri thưc, phát triển bền vững dựa trên nền tảng văn hoá. Từ đó, chính quyền địa phương ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, ứng dụng kinh tế tuần hoàn nhằm phát triển bền vững. Tuy nhiên, để kinh tế tuần hoàn được triển khai hiệu quả trong giai đoạn đầu tiên, việc chọn ra các lĩnh vực tập trung ưu tiên chuyển đổi là điều quan trọng.

Từ đại diện Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, nắm bắt những thế mạnh, đặc trưng và chiến lược phát triển của tỉnh, ông Cung Trọng Cường (Viện trưởng) đề ra các lĩnh vực và các hoạt động có thể thực hiện để bước đầu triển khai kinh tế tuần hoàn tại địa phương như nông nghiệp bền vững, dịch vụ đô thị thông minh,… Viện sẽ tiếp tục tham mưu đề xuất cho tỉnh để xây dựng chương trình hành động về kinh tế tuần hoàn giai đoạn 2022-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, cùng với đó, triển khai thí điểm một số mô hình phù hợp sau khi đánh giá/ chọn lựa ưu tiên trong giai đoạn 2022 – 2025. Chia sẻ thêm tại hội thảo, theo ông Cung Trọng Trường cho rằng tam giác thúc đẩy kinh tế tuần hoàn sẽ là công nghệ, doanh nghiệp và logistics.

Để thực hiện được kinh tế tuần hoàn một cách cụ thể, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đang phối hợp với UNDP Việt Nam thực hiện nghiên cứu dòng vật liệu hướng đến kinh tế tuần hoàn. Sự hỗ trợ từ các chuyên gia sẽ giúp cho việc tìm hiểu đâu là các lĩnh vực trọng điểm cần tập trung chuyển đổi kinh tế tuần hoàn cũng như các bước để triển khai kinh tế tuần hoàn tại địa phương Thừa Thiên Huế là gì. UNDP Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác giữa hai bên nhằm đạt mục tiêu chung giảm phát thải và chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Đại diện UNDP Việt Nam, Ông Patrick Haverman – Phó trưởng đại diện thường trú, mong muốn tiếp tục đồng hành với Viện Nghiên cứu phát triển và tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn tại địa phương.

Phần cuối chương trình, Hội thảo cũng nhận được nhiều chia sẻ và ý kiến đóng góp từ đại diện các sở ban ngành, UBND các huyện, thị xã. Chúng tôi sẽ ghi nhận và lưu ý trong quá trình tiến hành triển khai kế hoạch thực hiện, định hướng sắp tới.

Chia sẻ

(134)