Xây dựng nền Kinh tế tuần hoàn đảm bảo hiệu quả kinh tế – an sinh xã hội – bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn và miền núi

­­­­­­­­­­­­­­­­­­ I. PHẦN THỨ NHẤT

MÔ HÌNH KINH TẾ TUẦN HOÀN

Cho đến thời điểm này, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam vẫn chủ yếu  tập trung vào năng suất, sản lượng theo tư duy tuyến tính, chưa đặt cao yêu cầu phát tiển bền vững, thân thiện môi trường; chưa quan tâm đến lượng dư thừa của quá trình sản xuất… Hệ quả là, tình trạng lãng phí các phế phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi phổ biến, thậm chí gây ô nhiễm môi trường, như đốt bỏ rơm rạ, không xử lý tốt chất thải…

Trong khi đó, trên thế giới, khái niệm và thực hành mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đã bắt đầu trở thành xu thế. Mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín, hầu hết các chất thải, phế phụ phẩm được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất sản  phẩm khác thông qua ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý…  cùng với những mô hình tổ chức sản xuất và kinh doanh mới.

Trong bài này, tôi xin trình bày một số quan điểm nền tảng về kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, hay có thể gọi là kinh tế sinh khối tuần hoàn, vai trò của nông nghiệp tuần hoàn đối với hệ sinh thái, bài học từ kinh nghiệm thực tiễn đã triển khai tại Công ty cổ phần T&T 159 Hòa Bình, doanh nghiệp thành viên của Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam.

Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp tuần hoàn ở khu vực nông thôn và miền núi.

  1. Khái niệm kinh tế tuần hoàn và kinh tế một chiều (hay còn gọi là kinh tế tuyến tính):

Liên minh Châu Âu định nghĩa “Kinh tế tuần hoàn là nền kinh tế mà giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu, tài nguyên được duy trì lâu nhất có thể và đồng thời giảm thiểu việc phát thải”.

Theo nguyên lý đó, nền kinh tế càng bỏ đi ít sản phẩm thì sẽ càng ít tài nguyên thiên nhiên bị khai thác để sản xuất sản phẩm mới, từ đó môi trường sẽ chịu càng ít tác động tiêu cực từ con người.

Nói một cách khác, nền kinh tế tuần hoàn còn được gọi là kinh tế không phế thải, tất cả các “chất thải”, sản phẩm phụ, phế phụ phẩm, thiết bị, công cụ, vật liệu, hóa chất… được thải ra sau quá trình sản xuất sẽ trở thành “nguyên liệu” đầu vào cho quá trình sản xuất khác. Quy trình này được quay vòng liên tục và cuối cùng là không để lại chất thải.

Kinh tế một chiều (hay còn gọi là kinh tế tuyến tính) chỉ quan tâm đến khai thác tài nguyên, ứng dụng các tiến bộ khoa học vào quá trình tổ chức sản xuất theo tuyến tính cho mỗi mục tiêu cốt lõi là năng suất sản phẩm. Trong mô hình này, phế thải của quá trình sản xuất được thải ra môi trường chính là tác nhân của ô nhiễm môi trường, mất cân bằng hệ sinh thái.

  1. Các nguyên tắc cơ bản trong nền kinh tế tuần hoàn:

2.1. Thiết kế tái sử dụng:

Rác thải sẽ không tồn tại nếu các thành phần sinh học và hóa học trong sản phẩm được thiết kế sao cho có thể đưa chúng vào tái sử dụng trong một chu trình mới, nói một cách khác có thể phân tách và tái sử dụng các thành phần này.

2.2. Khả năng linh động nhờ sự đa dạng:

Các hệ thống có sự kết nối nội bộ đa dạng thường có sức chống chịu cao và linh động trước những tác động bất ngờ từ ngoại cảnh.

Trong nền kinh tế, để có được những linh động đó, cần phải có sự đa dạng loại hình doanh nghiệp, mô hình kinh doanh và hệ thống sản suất. Các mạng lưới kinh doanh được thiết lập trên cơ sở quan hệ tương hỗ lẫn nhau, với sự tham gia của nhiều nhà cung cấp và khách hàng. Các hệ sinh thái tự nhiên là những ví dụ minh họa sống động nhất cho các hệ thống sản xuất linh động như thế này.

2.3. Sử dụng năng lượng từ các nguồn vô tận:

Để giảm tải tổn thất về sản phẩm (Bằng cách tái chế nâng cấp) cần phải sử dụng thêm năng lượng. Có hai nguồn năng lượng chính luôn sẵn có, đó là: năng lượng tái chế và sức lao động.

Chỉ có thể đáp ứng được các điều kiện mỗi nền kinh tế tuần hoàn bằng cách sử dụng nguồn năng lượng tái chế.

2.4. Tư duy hệ thống:

Tư duy hệ thống tập trung vào các hệ thống phi tuyến tính, đặc biệt là vòng lặp phản hồi (là mỗi cấu trúc hệ thống trong đó đầu ra ở mỗi mắt xích trong cấu trúc này sẽ có tác động lên đầu vào tại chính mắt xích đó). Trong các hệ thống này, sự kết hợp giữa các yếu tố môi trường không chắc chắn với sự phản hồi trước các nhân tố đó thường mang lại những kết quả khó dự đoán trước. Tuy nhiên, để tìm hiểu cách tối ưu hóa các hệ thống này cần phải cân nhắc đến những mối quan hệ giữa chúng và đường đi của các nguyên liệu trong chu trình sản xuất.

Để làm được điều này cần phải có sự định hướng lâu dài, tại nhiều cấp độ và quy mô khác nhau của nền kinh tế tuần hoàn. Các hệ thống, trong đó tác động lẫn nhau, từ  đó xuất hiện những mối quan hệ phụ thuộc và tạo nên những vòng lặp luân hồi giúp củng cố cho tính linh động của nền kinh tế tuần hoàn.

2.5 Nền tảng sinh học:

Ngày càng có nhiều hàng hóa tiêu dùng được tạo nên từ các nguyên liệu sinh học và quá trình sử dụng diễn ra dựa trên quy tắc “phân tầng”, nghĩa là các thành phần sinh học này được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau trước khi quay trở về cái chu trình sinh quyển.

Trong thời gian qua, Công ty cổ phần T&T 159 Hòa Bình đã vận dụng sáng tạo các nguyên tắc cơ bản trong nền kinh tế tuần hoàn để tổ chức thực hiện các mô hình sau:

– Khu liên hợp, tự thu gom phế liệu, phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn gia súc.

– Tổ chức chăn nuôi tập trung và chăn nuôi liên kết, sản xuất đệm sinh học làm nền chuồng trại để sử lý chế thải trong chăn nuôi.

– Xứ lý triệt để các ảnh hưởng môi trường trong cả quá trình tổ chức sản xuất và kinh doanh, góp phần rất quan trọng trong việc làm cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.

Có quy mô chăn nuôi tập trung 5.000 con trâu, bò trong mỗi khu trại, hàng năm mỗi khu trang trại, khu liên hợp sản xuất của Công ty đã sử dụng được 30.000 tấn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi và sản xuất 25.000 tấn phân bón hữu cơ vi sinh.

Để có những kết quả có thể nói là thành công trên, chúng tôi đã nghiên cứu, ứng dụng nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp để giải quyết các vấn đề thường phát sinh trong khi tổ chức thực hiện. Trong mô hình này, bài toán chia sẻ lợi ích cho các bên liên quan được quan tâm ở mức tốt nhất trên cơ sở minh bạch quyền lợi và trách nhiệm mỗi bên.

Sơ đồ mô hình kinh tế tuần hoàn

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ TUẦN HOÀN, NÔNG NGHIỆP TUẦN HOÀN Ở KHU VỰC NÔNG THÔN VÀ MIỀN NÚI

  1. Một số thực trạng cần lưu ý:

– Người dân và doanh nghiệp làm nông nghiệp đa phần áp dụng mô hình tuyến tính truyền thống – theo kiểu dòng chảy một chiều. Trong mô hình này, tài nguyên thiên nhiên được sử dụng là nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất, chế biến một dòng sản phẩm độc lập. Năng suất càng cao cũng có nghĩa là tài nguyên càng bị khai thác nhiều và phần phế, phụ phẩm thải bỏ sau quá trình sản xuất càng lớn do không có cơ chế tái sử dụng hoặc sử dụng là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các sản phẩm. Hệ quả là, tài nguyên bị sử dụng hoang phí, kém hiệu quả.

– Chưa có nhiều mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, làm cơ sở phát triển hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn. Ví dụ, chưa có mô hình trung tâm vùng lõi có tính dẫn dắt, kết nối các nông hộ, nông trại; các dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp bền vững còn thiếu…

– Hiện tượng sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm còn rất phổ biến.

– Một số nhà đầu tư, doanh nghiệp thiếu năng lực, nguồn lực dẫn đến tình trạng không quản lý được phần đất đã được giao/thuê, để hoang phí, không canh tác dẫn đến việc người dân lấn chiếm, xâm canh gây ra nhiều xung đột, làm mất ổn định trong khu vực.

  1. Các giải pháp chủ yếu

Có thể thấy rõ thách thức lớn của ngành nông nghiệp ở các vùng nông thôn và miền núi, nhưng đây cũng là dư địa để chính quyền địa phương triển khai tổ chức lại sản xuất, cấu trúc lại các mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng mô hình kinh tế mới, như kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ trên nền tảng công nghệ số và công nghệ sinh học.

Ở đây, chúng tôi đề xuất xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trên cơ sở, phát triển bền vững Nông – Lâm nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, trải nghiệm giáo dục. Để triển khai được mô hình này, cần thực hiện một số giải pháp sau:

– Một là, xây dựng kế hoạch hành động, ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, trong đó có phần nội dung về phát triển bền vững kinh tế tuần hoàn.

Xây dựng kế hoạch hành động, ban hành các văn bản hướng dẫn các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ về ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, trong đó tập trung 3 mục tiêu quan trọng là: Hiệu quả kinh tế – An sinh xã hội và Bảo vệ môi trường.

Tăng cường nhận thức cho các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là các Sở chuyên ngành về kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp tuần hoàn.

Tăng năng lực quản lý sản xuất, quản lý môi trường của các cấp, các ngành trên địa bàn. Huy động sức mạnh của hệ thống chính trị cơ sở làm chỗ dựa cho việc xây dựng các hoạt động kinh tế xanh, bền vững.

Cơ quan quản lý Nhà nước, trước hết là cơ quan quản lý chuyên ngành, cần phải sử dụng rộng rãi và thường xuyên để làm quen và thành thạo hơn về thuật ngữ kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp tuần hoàn.

Hai là: Xây dựng một số mô hình thí điểm, với sự tham gia của kinh tế tập thể (Hợp tác xã) gắn với kinh tế tư nhân (Doanh nghiệp trong hợp tác xã), từ đó phát triển hệ sinh thái cho vùng sản xuất nông nghiệp. Trong hệ sinh thái này, doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt, rường cột, làm trung tâm vùng lõi, dẫn dắt thị trường cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, thực hiện dịch vụ kỹ thuật, hậu cần, chế biến…

– Ba là: Mở rộng liên kết vùng sản xuất theo khu vực, ngành hàng để kết nối phát triển kinh tế tuần hoàn. Trong liên kết này, phế phụ phẩm của đơn vị này được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho đơn vị kia. Ví dụ, sử dụng toàn bộ phế phụ phẩm trong nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi để sản xuất thức ăn gia súc và phân bón hữu cơ vi sinh trên nền tảng của công nghệ sinh học và công nghệ chế biến công nghiệp hiện đại.

– Bốn là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, nông dân nhận thức, hiểu biết các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, để sẵn sàng tham gia và cùng phát huy hiệu quả. Với địa bàn rộng, dân số phân bố rải rác như ở các vùng nông thôn và miền núi thì cách tuyên truyền tốt nhất là tới tận từng hộ dân, thông qua các tờ rơi được in ấn bắt mắt, dễ hiểu; thông qua thăm quan các mô hình thực tế.

Trước mắt, thực hiện phương thức cầm tay chỉ việc để số đông cùng nắm bắt thông tin và thực hiện theo quy trình cụ thể. Ví dụ như: Phân loại rác thải từ đầu nguồn tối thiểu theo 2 nhóm là rác hữu cơ và rác vô cơ; ủ phân hữu cơ tại chỗ,… Chất thải cứng vô cơ khác sẽ được tập kết tại địa điểm tập trung, có thể sử dụng làm vật liệu xây dựng hoặc nền đường với công nghệ mới tiên tiến, hiện đại.

– Năm là: Chủ động tham vấn các ý kiến từ chuyên gia, doanh nghiệp để nghiên cứu, thiết kế và đề xuất ban hành các chính sách khuyến khích thúc đẩy mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, của Vùng. Sự phát triển của một mô hình kinh tế mới sẽ có những va chạm với cơ chế, chính sách hiện hành, đòi hỏi không chỉ thay đổi về cơ chế, quy định pháp luật mà cần không gian pháp lý cho các thử nghiệm. Chính quyền địa phương đóng vai trò là người chấp nhận thử nghiệm, đề xuất cơ chế phù hợp, tránh tình trạng thiết chế lỗi thời cản trở các động lực đổi mới, sáng tạo của người dân, doanh nghiệp.

­- Sáu là: Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước trong chỉ đạo phát triển kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp tuần hoàn. Làm rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp xã, khu dân cư trong triển khai, đặc biệt là vai trò cấp xã.

Vì đây là mô hình phát triển mới, có tính liên kết rộng, có sự tham gia của nhiều đối tượng… đòi hỏi nỗ lực và trách nhiệm rất cao của chính quyền các cấp, cần những con người thực sự có trách nhiệm, có khát vọng với sự phát triển của địa phương, cần những con người dám nghĩ, dám làm và sẵn sàng cùng ăn, cùng làm với người dân.

Cũng phải nhấn mạnh, những doanh nghiệp, người dân, hộ gia đình đi đầu trong quá trình này sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đây là lúc cần sự hẫu thuẫn, chia sẻ và chung tay của chính quyền địa phương. Có như vậy, mục tiêu phát triển bền vững ở khu vực nông thôn và miền núi mới có thể thực hiện được./.

Sơ đồ mô hình kinh tế hợp tác liên kết

 

Nguồn: Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng DN Nông nghiệp Việt Nam

BẠN MUỐN GIỚI THIỆU ẤN PHẨM CHO MẠNG LƯỚI?

CHIA SẺ TÀI LIỆU

(215)