Hội thảo “Vai trò của PROs trong thực hiện EPR ở các nước và một số khuyến nghị cho Việt Nam”

Với chủ đề “Vai trò của PROs trong thực hiện EPR ở các nước và một số khuyến nghị cho Việt Nam”, hội thảo do Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam tổ chức ngày 20/09 đã thu hút hơn 170 đại biểu bao gồm chuyên gia, doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách, cơ quan phát triển, tổ chức quốc tế và đặc biệt là thành viên đến từ các PROs trên thế giới tham gia trực tuyến và trực tiếp.

Tại hội thảo, các diễn giả đã tập trung chia sẻ và thảo luận các mô hình Tổ chức Trách nhiệm của Nhà sản xuất (PROs) tại các quốc gia Đức, Na Uy, Hàn Quốc, và đồng thời đề xuất những khuyến nghị nhằm thực hiện EPR hiệu quả tại Việt Nam.

Đại diện từ Văn phòng EPR thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bà Nguyễn Phương Hà – Chuyên viên phụ trách Truyền thông và Hợp tác quốc tế đã chia sẻ chi tiết về quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) theo Luật Bảo vệ môi trường  2020 và nghị định 08/2022/NĐ-CP; đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đăng ký, báo cáo trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và kê khai đóng góp tài chính vào quỹ bảo vệ môi trường trên Cổng thông tin điện tử EPR quốc gia.

Tiếp nối là phần trình bày của Ông Fritz Flanderka – Giám đốc điều hành, Tập đoàn Reclay, về quá trình phát triển EPR ở Đức từ cuối những năm 80, sự hình thành PRO đầu tiên của nước Đức theo cơ chế một PRO duy nhất cho đến khi chuyển đổi sang thị trường cạnh tranh nhằm tăng cường tính hiệu quả. Đồng thời, ông cũng đưa ra những nguyên lý của một mô hình EPR thành công, trong đó đáng chú ý là khuyến nghị PRO nên là tổ chức phi lợi nhuận, đặt dưới sự quản lý của các nhà sản xuất, và cần có sự tham gia của khối phi chính thức.

Tham dự hội thảo, Ông Kim Sang Hoon – Chủ tịch Cơ quan Dịch vụ Tuần hoàn Tài nguyên Hàn Quốc (KORA) trình bày tổng quan về quy định phân loại chất thải ở Hàn Quốc, cơ chế EPR đối với bao bì, trách nhiệm của các tác nhân trong hệ thống, tỷ lệ tái chế bắt buộc, định mức chi phí tái chế và quy trình tái chế đối với từng loại bao bì, cũng như hệ thống báo cáo, lưu trữ và thu thập thông tin của KORA . Ông cũng cho hay mô hình PRO ở Hàn Quốc hiện tại đang theo hướng duy nhất một PRO (monopoly), với KORA là đơn vị duy nhất thực hiện trách nhiệm thu gom và tái chế bao bì cho các nhà sản xuất, nhập khẩu và Hàn Quốc đã đạt được mức tái chế rác thải bao bì 80% vào năm 2021. Theo ông, đóng góp vào thành công trong việc triển khai EPR của Hàn Quốc phải kể đến bộ hướng dẫn chuẩn về cách thức phân loại rác thải ngay tại nguồn và những nỗ lực tuyên truyền, nâng cao nhận thức phân loại rác cho người dân. Đây cũng chính là lời khuyến nghị của ông dành cho Việt Nam.

Bà Jaana Røine – Giám đốc điều hành, Greendot Norway bắt đầu bài trình bày với điểm tương đồng và khác biệt về mặt điều kiện địa lý giữa Việt Nam và Na Uy. Bà đã giới thiệu Greendot Norway, cơ cấu chi phí cho hoạt động của tổ chức, quan hệ hợp tác với đơn vị thu gom đô thị, những vấn đề liên quan đến thuận lợi và khó khăn của cơ chế PRO cạnh tranh và cơ chế một PRO. Bà nhấn mạnh một nghịch lý rằng, kết quả tái chế càng tốt, thì mức phí các thành viên phải gánh chịu càng cao. Điều này bắt nguồn từ nguồn vốn đầu tư ban đầu cho cơ sở hạ tầng, chi phí mở rộng hoạt động thu gom và tái chế, hoạt động giáo dục truyền thông nâng cao nhận thức sẽ tăng, trong khi số lượng nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm tái chế lại hữu hạn.

Diễn giả cuối cùng trong hội thảo là Ông Laurent Levan – Phó Chủ tịch, Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam). Ông đã giới thiệu về tầm nhìn, sứ mệnh, các nguyên tắc, định hướng chiến lược (bao gồm hoạt động truyền thông thay đổi hành vi, phát triển công nghệ tái chế và thực hiện thu gom, tái chế bao bì), thành viên và cấu trúc tổ chức của PRO Việt Nam. Trong năm 2022, PRO Việt Nam đã thành công thu gom và tái chế hơn 3.000 tấn PET trong ba tháng, 340 tấn UBC (hộp sữa carton) trong tám tháng. Đáng chú ý, PRO Việt Nam đã đệ trình hồ sơ đến Văn phòng EPR và Bộ Tài nguyên và Môi trường để đăng ký PRO Việt Nam (Liên minh Tái chế bao bì) trở thành PRO (Tổ chức trách nhiệm nhà sản xuất) từ cuối năm 2022. Sang năm 2023, PRO Việt Nam đã mở rộng sang các loại bao bì như lon nhôm, giấy và bìa carton, nhựa HDPE, bao bì mềm đơn vật liệu và đa vật liệu.

Ngoài năm diễn giả đã trình bày, phiên thảo luận và giải đáp diễn ra sau đó còn có sự tham dự của Ông Phan Tuấn Hùng – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên & Môi trường. Các đại biểu tập trung thảo luận về một số vấn đề như cơ chế PRO phù hợp cho Việt Nam trong giai đoạn đầu thực thi EPR, sự bảo lãnh từ phía ngân hàng cho tổ chức PRO, tư cách hợp lệ để đăng ký trở thành một PRO, chiến lược hướng đến tỉ lệ tái chế cao cho bao bì mềm.

Tham dự hội thảo còn có bà Mette Moglestue, Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, cũng đã chia sẻ về những thành tựu của Na Uy đạt được trong việc thực hiện EPR. Tại đất nước này, 92% các chai nhựa được thu gom với tỷ lệ tái chế từ chai sang chai rất cao. Để đạt được kết quả này, Na Uy đã áp dụng cơ chế đặt cọc – hoàn trả (Deposit Return Scheme) trong thời gian vừa qua.

Một số điểm chính trong thảo luận:

  • Số lượng PRO trong một hệ thống EPR trong giai đoạn đầu thực thi EPR: nên chỉ có một PRO duy nhất và mang tính phi lợi nhuận sẽ đảm bảo tính minh bạch, dễ dàng hơn cho cơ quan nhà nước trong việc quản trị.
  • Điểm hạn chế lớn nhất của cơ chế nhiều PRO cạnh tranh, hoạt động vì lợi nhuận: tập trung vào các bao bì dễ tái chế, tại các vùng đô thị đông dân với sức tiêu thụ bao bì và sản phẩm lớn. Vì thế, sẽ khó đạt được mục tiêu tái chế đặt ra đối với các khu vực nông thôn hay loại bao bì khó tái chế.
  • Các sáng kiến để giảm thiểu rác thải bao bì: nghịch lý “kết quả tái chế càng tốt, thì mức phí các thành viên phải gánh chịu càng cao” sẽ cản trở doanh nghiệp và PRO tự nguyên thực hiện thu gom, tái chế cao hơn tỷ lệ quy định hiện hành. Vì vậy, các doanh nghiệp cần đầu tư nghiên cứu chuyển đổi để giảm thiểu khối lượng hoặc số lượng bao bì, sản phẩm thuộc phạm vi điều chỉnh của EPR.
  • PRO do doanh nghiệp quản lý thay vì nhà nước, hoặc công ty có vốn nhà nước: phí EPR sẽ không liên quan đến ngân sách nhà nước và phản ánh đúng chi phí hoạt động của PRO. Điều này sẽ hạn chế rủi ro ngân sách PRO sử dụng cho mục đích khác hoặc ngân sách chung, nguy cơ tham nhũng, thiếu năng lực, kinh nghiệm chuyên môn và nguồn lực.

 

Để tham khảo và đăng ký tham gia các hội thảo khác cùng kỳ, mời quý vị bấm vào đây.

BẠN MUỐN GIỚI THIỆU ẤN PHẨM CHO MẠNG LƯỚI?

CHIA SẺ TÀI LIỆU

(231)