Hội thảo “Tăng cường giá trị chất thải trong nông nghiệp tuần hoàn”

Hội thảo “Tăng cường giá trị chất thải trong nông nghiệp tuần hoàn” do Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam tổ chức ngày 20/09 đã thu hút sự tham gia của hơn 70 đại biểu bao gồm chuyên gia, doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách, cơ quan phát triển, tổ chức quốc tế trong và ngoài nước.

Tại hội thảo, các diễn giả đã tập trung chia sẻ và thảo luận các mô hình kinh doanh tận dụng giá trị từ chất thải,  tăng cường hợp tác kéo dài chuỗi giá trị, hướng tới nền nông nghiệp tăng trưởng xanh và khám phá công nghệ chế biến phế phẩm chăn nuôi.

Đại diện từ Viện Nghiên cứu quốc tế quản lý nước, Tiến sĩ Tosin Somorin, chuyên gia về Kinh tế tuần hoàn và Quản lý chất thải tập trung chia sẻ chi tiết về các mô hình kinh doanh phục hồi và tái sử dụng tài nguyên, lĩnh vực điểm mạnh của viện. Dựa trên đặc trưng của từng phế phẩm, bà đã trình bày tổng quan quy trình và công nghệ hiện hữu để phục hồi giá trị từ dòng chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất sản phẩm. Sản phẩm đầu ra gồm bốn nhóm: nước để tái sử dụng, chất dinh dưỡng cho đất, năng lượng để sưởi ấm hoặc cung cấp điện, nguồn protein cho các loại động vật khác dưới dạng thức ăn. Bà Tosin đã đưa ra một số mô hình tận dụng nguồn chất thải này như năng lượng sinh khối từ trấu gạo, trấu cà phê, lõi ngô,…; mô hình sản xuất dầu diesel sinh học từ những cây trồng nhiều dầu như bã sắn, phế phẩm phát sinh trong quá trình nghiền cọ dầu.

Tiếp nối là phần trình bày của Bà Nguyễn Cẩm Thúy, Cán bộ điều phối của Đối tác Phát triển Nông nghiệp (PSAV) về chiến lược chuyển đổi ngành nông nghiệp ở nước ta. Bà Thúy cho biết, trong tương lai, Việt Nam sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng, và bền vững, hướng tới các thị trường ngách cao cấp, thúc đẩy hợp tác mạng lưới chuỗi giá trị và liên kết liên ngành, phát triển du lịch và ngành công nghiệp liên quan. Kinh tế tuần hoàn là một trong những chủ đề trọng tâm được ưu tiên để đạt được những mục tiêu trên. Một ví dụ điển hình mà bà Thúy đã đề cập là Dự án áp dụng cơ giới hóa khâu thu gom rơm và sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm rạ, thực hiện bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (MARD) dưới sự tài trợ của tổ chức GIZ. Chính vì lợi ích kinh tế có thể thấy ngay, giảm 35 – 40% chi phí sử dụng phân thuốc hóa học, lợi nhuận tăng thêm 10% so với sản xuất lúa truyền thống, mô hình đã nhận được sự đón nhận nhiệt tình từ nông dân địa phương.

Tham dự hội thảo, Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Phát triển Bền vững, Nestle Việt Nam, trình bày về cam kết bền vững của nhãn hàng trong việc thúc đẩy hệ thống thực phẩm tái sinh, chương trình và sáng kiến ESG của tập đoàn trong chuỗi giá trị cà phê. Hiện tại, Nestle đã có một số thực hành kinh tế tuần hoàn, có thể kể đến mô hình sản xuất gạch không nung từ bã cà phê, tái sử dụng nước thải trong quá trình sản xuất, chuyển dịch sản phẩm NESCAFÉ sang bao bì đơn lớp, phối hợp với PRO Việt Nam trong việc thu gom và tái chế bao bì. Nhờ các sáng kiến này, Nestle hàng năm tiết kiệm 112.000 m3 nước, giảm được hơn 14.000 tấn phát thải CO2, 100%  bã cà phê được sử dụng làm nhiên liệu sinh khối, giúp tập đoàn tiết kiệm 54 tỷ VND.

Ông Pieter Bujis – Giám đốc điều hành Việt Nam, Big Dutchman bắt đầu bài trình bày về việc tận dụng tối đa chất thải chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần giảm khí nhà kính, giúp các quốc gia hướng đến mục tiêu Net Zero trước năm 2050. Bên cạnh đó, việc tận dụng chất thải để tạo compost sẽ hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng nguồn thu nhập từ việc bán phân compost và tín chỉ carbon cho các đơn vị có nhu cầu. Ông Pieter còn giới thiệu quy trình và công nghệ tạo phân compost của công ty, bắt đầu với giai đoạn làm khô theo công nghệ OPTISEC để đạt độ ẩm tối ưu cho hoạt động phân hủy của vi sinh vật, sau đó ủ phân compost tại các tháp compost có trang bị máy lọc khí, và chuyển đến quy trình tạo viên phân bón nhằm tối ưu công tác vận chuyển và bón phân. Theo một phân tích vòng đời sản phẩm (Lifecycle assessment) do chính công ty thực hiện, việc ủ phân compost đối với trang trại chăn nuôi gia cầm sẽ giúp cắt giảm 443 tấn CO2 mỗi năm so với mô hình cơ sở.

Một số điểm chính:

  1. Các doanh nghiệp hoặc dự án đang khai thác các sáng kiến kinh doanh và quan hệ đối tác công tư, tận dụng vốn tư nhân để giúp nhận ra giá trị thương mại hoặc xã hội, chuyển trọng tâm từ xử lý chất thải sang xử lý chất thải như một nguồn tài nguyên quý giá để tái sử dụng an toàn.
  2. Các ngành nghề khác nhau sẽ có trọng tâm chuyển dịch bền vững chính. Những ngành phát thải carbon cao như chăn nuôi và trồng lúa sẽ theo hướng giảm phát thải và khử carbon, trong khi cây công nghiệp như cà phê sẽ tập trung theo hướng tái sinh, cải tạo nguồn tài nguyên thiên nhiên.
  3. Các tập đoàn đa quốc gia hoặc doanh nghiệp lớn có thể hỗ trợ thúc đẩy các hộ nông dân sản xuất nhỏ áp dụng nông nghiệp tuần hoàn bằng cách thực hiện tập huấn về nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, hỗ trợ cung cấp các giống cây mới có khả năng chịu hạn và phát thải thấp, phát triển và nhân rộng các mô hình kinh doanh nông nghiệp tuần hoàn, …
  4. Các tổ chức quốc tế, mạng lưới đối tác có thể khuyến khích hộ nông dân sản xuất nhỏ tham gia vào các hợp tác xã để tăng cường quyền lợi của các thành viên, đồng thời thực hiện các tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ, sản xuất theo chuỗi giá trị, tiếp thị sản phẩm, … hoặc thực hiện thí điểm phát triển hệ sinh thái toàn diện bao gồm công ty đầu tư mạo hiểm, công ty công nghệ tài chính, chuỗi giá trị để giúp các hộ sản xuất vừa và nhỏ dễ dàng tiếp cận nguồn cung ứng đầu vào, đầu ra và tiêu thụ sản phẩm, và từ đó, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng.

Để tham khảo các hội thảo khác cùng kỳ, mời quý vị bấm vào đây.

BẠN MUỐN GIỚI THIỆU ẤN PHẨM CHO MẠNG LƯỚI?

CHIA SẺ TÀI LIỆU

(51)