KTTH trong khai thác và chế biến bauxite ở Tây Nguyên

Khai thác bauxite Tây Nguyên. Nguồn: Báo Nhân Dân 

I. Vấn đề

Bauxite là một trong các tài nguyên khoáng sản có giá trị nghìn tỷ đô la của Việt Nam. Hoạt động khai thác và chế biến bauxite quy mô lớn được triển khai từ năm 2009 ở Việt Nam tại hai nhà máy alumin Tân Rai, Lâm Đồng và Nhân Cơ, Đắc Nông. Với điều kiện khai thác dễ dàng và nhiệt độ quá trình hòa tách kim loại Al thấp 140 độ C so với 240OC ở các quốc gia khác; hoạt động khai thác bauxite và sản xuất alumin ở Tây Nguyên đang có tính cạnh tranh cao trên thị trường thế giới và tạo ra lợi nhuận cho Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động đó cũng tạo ra rất nhiều chất thải (bùn đỏ và bùn đuôi quặng); đồng thời cũng làm thay đổi mạnh mẽ địa hình và mất đất canh tác của người dân địa phương. Việc xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm tận dụng các loại chất thải và phục hồi môi trường trên các moong khai thác đang là vấn đề cấp thiết đối với vùng đất Tây Nguyên.

Trong Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 đặt ra 3 mục tiêu quan trọng là giảm phát thải, xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Để thực hiện xanh hóa các ngành kinh tế, Chiến lược hướng đến việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, v.v. Kinh tế tuần hoàn đã được ghi trong Điều 142 Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam năm 2020. Đề án kinh tế tuần hoàn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 đặt ra các nhiệm vụ cụ thể đối với các bộ, ngành trong việc xây dựng và đưa mô hình kinh tế tuần hoàn vào hoạt động phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam. Việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong đời sống kinh tế Việt Nam đang được triển khai mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, nhất là hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản; trong đó có bauxite.

II. Tóm tắt

Bài viết trình bày tổng quan về các vấn đề môi trường và tài nguyên trong hoạt động khai thác và chế biến tại hai công ty Nhôm TKV – Lâm Đồng và TKV – Đắc Nông. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động khai thác và chế biến bauxite ở các tỉnh vùng Tây Nguyên bằng các số liệu cụ thể từ việc khai thác và chế biến quặng bauxite của hai công ty trên, bài viết đã đánh giá các lợi ích kinh tế – xã hội và môi trường, cũng như đề xuất các giải pháp cụ thể để triển khai có hiệu quả mô hình kinh tế tuần hoàn cho hoạt động khai thác và chế biến bauxite tại Tây Nguyên.

BẠN MUỐN GIỚI THIỆU ẤN PHẨM CHO MẠNG LƯỚI?

CHIA SẺ TÀI LIỆU

(73)