Diễn ra tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sự kiện, “Hội thảo tham vấn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị gạo và cà phê” chia sẻ kết quả hoạt động nâng cao năng lực về kinh tế tuần hoàn tại Sơn La và Đồng bằng sông Cửu Long. Sự kiện cũng báo cáo về kết quả xác định, phân tích mô hình kinh doanh tuần hoàn tiềm năng trong chuỗi giá trị lúa gạo và cà phê, đồng thời tham vấn các bên liên quan về giải pháp đề xuất để cải thiện và nhân rộng những mô hình này.
Hình 1. Đại biểu tham gia hội thảo
- Phát biểu khai mạc
Ông Tô Việt Châu – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), phát biểu khai mạc Hội thảo, khẳng định ngành lúa gạo và cà phê đã và đang đóng vai trò chiến lược đối với phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Riêng đối với ngành lúa gạo, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã khẳng định vị thế là trụ cột an ninh lương thực quốc gia và vươn ra thị trường quốc tế, xuất khẩu đến hơn 150 Quốc gia trong đó có những thị trường khó tính như EU và Mỹ. Bên cạnh đó, Sơn La cùng với các tỉnh Tây Nguyên hiện là những vùng sản xuất cà phê lớn, giúp ngành cà phê Việt Nam cao thứ hai trên thế giới về mặt sản lượng, mang lại nguồn thu lớn cho quốc gia.
Ông cho rằng mặc dù đạt nhiều thành tựu nổi bật, nhưng cả ngành lúa gạo và cà phê đều đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Tại ĐBSCL tình trạng ô nhiễm môi trường, canh tác truyền thống và việc đốt rơm rạ vẫn còn diễn ra phổ biến với mức phát thải cao ước tính khoảng 26-27 triệu tấn mỗi năm, gây thất thoát tài nguyên và phát thải khí nhà kính, ảnh hưởng đến môi trường và sức khoẻ cộng đồng. Còn đối với ngành cà phê, Sơn La và nhiều tỉnh Tây Bắc cũng đang gặp các vấn đề như biến đổi khí hậu (BĐKH), khan hiếm tài nguyên nước và sự phụ thuộc vào các loại phân bón hoá học. Những vấn đề này đe doạ sự bền vững của ngành công nghiệp, trong khi yêu cầu thị trường đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm và sản xuất thân thiện với môi trường.
Theo ông, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) vào sản xuất nông nghiệp không chỉ là một lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu cấp thiết. KTTH cho phép tái sử dụng các phế phẩm nông nghiệp, biến “rác thải” thành “tài nguyên”.
Tiếp theo chương trình, ông Hoàng Thành Vĩnh – Quản lý chương trình Chất thải và KTTH, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) chia sẻ rằng tổng lượng phế phẩm và phụ phẩm nông nghiệp từ cây lương thực và cây công nghiệp ở Việt Nam ước tính khoảng 95 đến 98 triệu tấn mỗi năm. Việc tái sử dụng, đưa lại vào trong vòng đời sản xuất khối lượng phế phụ phẩm này sẽ tạo lợi ích kép, vừa tạo ra các mô hình kinh tế mới, vừa nhằm giảm phát sinh chất thải, ô nhiễm môi trường. Vì vậy, UNDP đang triển khai các sáng kiến nhằm hỗ trợ các cộng đồng nông nghiệp sử dụng hiệu quả tài nguyên từ các phế phẩm nông nghiệp. Những nỗ lực này không chỉ giảm lãng phí mà còn giúp chuyển đổi các phụ phẩm thành các sản phẩm có giá trị kinh tế, như phân bón hữu cơ, nguyên liệu cho năng lượng sinh học, hay thậm chí là vật liệu xây dựng tái chế.
Chương trình cũng đặt trọng tâm vào cộng sinh nông nghiệp, nơi các ngành sản xuất và chăn nuôi được kết nối với nhau trong một hệ sinh thái khép kín, giảm thiểu tác động môi trường và gia tăng hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, các sáng kiến đào tạo và nâng cao năng lực cho nông dân được triển khai nhằm giúp họ tiếp cận với các công nghệ tiên tiến và phương pháp sản xuất thân thiện với môi trường.
Ông cũng nhấn mạnh rằng sự thành công của các mô hình thí điểm này sẽ đóng vai trò làm tiền đề cho việc mở rộng và nhân rộng trên toàn quốc, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu và chiến lược kinh tế tuần hoàn của Việt Nam. “Sự hợp tác và cam kết của tất cả các bên liên quan, từ chính phủ, doanh nghiệp đến người dân, sẽ là yếu tố quyết định thành công của những sáng kiến này”.
- Báo cáo mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị lúa gạo và cà phê
Ông Lý Vĩ Kỳ (Cán bộ Mạng lưới KTTH Việt Nam) đã trình bày về một số giải pháp bước đầu của UNDP nhằm “Thúc đẩy ứng dụng KTTH trong nông nghiệp” tương ứng với nhiệm vụ giải pháp được đề ra trong Đề án “Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030”. UNDP đã triển khai dự án áp dụng bộ công cụ hỗ trợ tích hợp KTTH vào mục tiêu Đóng góp Quốc gia tự quyết định (NDCs), đồng thời thực hiện tập huấn nâng cao nhận thức về thực hành KTTH trong hai chuỗi giá trị lúa gạo và cà phê. UNDP cũng phối hợp với Vụ Hợp tác Quốc Tế của MARD tổ chức cuộc đối thoại chính sách với trọng tâm tăng cường hợp tác quốc tế và phối hợp liên ngành về KTTH. Sự kiện đã thu hút 100 đại biểu từ các bộ, ban ngành (TW và địa phương), tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong nước, và 100 đại biểu tham gia trực tuyến. Trong thời gian gần, UNDP và Viện chính sách Chiến lược phát triển nông thôn (IPSARD) sẽ phát động trang Mạng lưới KTTH Việt Nam (Agri-CE Hub) dành riêng cho ngành nông nghiệp nhằm hỗ trợ chia sẻ kiến thức khoa học và thông tin mới nhất từ cộng đồng cũng như các nhà hoạt động trong lĩnh vực.
Bà Nguyễn Cẩm Thúy (Cán bộ Điều phối Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam) đã trình bày báo cáo về “Kết quả tập huấn kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị cà phê và lúa gạo”.
Lớp tập huấn TOF tại Sơn La đã thu hút 80 nông dân trồng cà phê, trong đó 52% là nữ, bao gồm 76 nông dân và 4 cán bộ nhà nước, viện, với mục tiêu nâng cao hiểu biết về việc tận dụng và xử lý phế phụ phẩm từ hoạt động chế biến cà phê thành phân hữu cơ và nước tưới. Sau khóa tập huấn, học viên đã có sự thay đổi đáng kể trong nhận thức và hành động. Trước khi tập huấn, chỉ 17% học viên đổ vỏ cà phê ra vườn và 34% ủ phân, nhưng hiện nay, không còn học viên nào đổ vỏ ra vườn và tỷ lệ ủ phân đã tăng lên hơn 50%.
Kết quả của hai lớp tập huấn TOT dành cho 70 cán bộ khuyến nông từ các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng và Hậu Giang cũng đã đạt được mục tiêu tổng hợp và nâng cao kiến thức về kinh tế tuần hoàn, đồng thời giúp học viên biết cách xây dựng kế hoạch cho khóa ToF và tập huấn lại cho nông dân. Các chuyên đề được triển khai bao gồm tổng quan về kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị lúa gạo, sản xuất nấm rơm quy mô vừa và nhỏ, sản xuất phân hữu cơ từ rơm rạ, xây dựng mô hình kinh doanh kinh tế tuần hoàn, và lập kế hoạch đào tạo ToF.
Trong thời gian tới, kế hoạch mở rộng quy mô đào tạo sẽ được triển khai theo ba hướng chính. Thứ nhất, xây dựng kế hoạch đào tạo chính thức nhằm trang bị kiến thức chuyên sâu cho các đối tượng cụ thể. Thứ hai, kết hợp đào tạo theo hình thức lồng ghép với các chương trình phát triển khác để nâng cao hiệu quả. Cuối cùng, các chương trình đào tạo sẽ được thiết kế theo phương pháp tiếp cận cộng đồng, nhằm khuyến khích sự tham gia của người dân và phát huy khả năng tự học hỏi trong cộng đồng.
Bà Phạm Thị Mỹ Dung (Viện Khoa học Phát triển nông thôn (SIRD) đã trình bày báo cáo “Tóm tắt nghiên cứu mô hinh kinh doanh kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị lúa gạo và cà phê”. Bà đã trình bày tiêu chí lựa chọn đề xuất giải pháp nhân rộng cho hai mô hình kinh doanh KTTH tiềm năng, bao gồm: Mô hình kinh doanh Phân hữu cơ, HTX Tân Bình và hộ Ông Hải, Sơn La.
Hợp tác xã Tân Bình, với quy mô toàn xã bao gồm 1.000 thành viên, đã triển khai mô hình sản xuất phân hữu cơ từ rơm rạ.
Mô hình này thể hiện sự tận dụng tài nguyên nông nghiệp một cách hiệu quả, giảm lãng phí, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng từ rơm rạ theo hai hướng chính (i) rơm rạ được bán trực tiếp ra thị trường hoặc cung cấp cho các hộ trồng nấm; (ii) rơm rạ từ ruộng trồng lúa có thể được chuyển đến nhà máy để sản xuất năng lượng hoặc chế biến thành các sản phẩm khác để bán ra thị trường.
Mô hình mang lại các lợi ích bền vững, bao gồm giảm 38% phát thải GHG, giảm bụi rơm rạ và ô nhiễm từ bã nấm, cũng như tăng sức khỏe đất. Về kinh tế, mô hình này phát triển HTX, mở ra cơ hội kinh doanh mới với lợi nhuận dự kiến 43,5 triệu đồng/năm (theo nghiên cứu). Xã hội cũng hưởng lợi từ việc tạo việc làm ổn định cho 5 lao động, với thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng.
Mô hình kinh doanh KTTH, hộ Ông Hải, Sơn La, tập trung vào phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường như phân hữu cơ và nước cà phê vi sinh, sử dụng công nghệ truyền thống kết hợp với các nguồn tài nguyên tự nhiên như vỏ cà phê, nước thải và men vi sinh. Các sản phẩm này không chỉ giúp cải thiện chất lượng đất mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm từ việc vứt bỏ phế phẩm nông nghiệp. Hoạt động chính của mô hình bao gồm sản xuất phân hữu cơ, ủ phân, sản xuất nước vi sinh, và đóng gói, bán sản phẩm ra thị trường. Cấu trúc chi phí của mô hình bao gồm chi phí nguyên liệu, lao động và khấu hao tài sản, trong khi doanh thu chủ yếu đến từ việc bán phân hữu cơ và nước cà phê vi sinh, cùng với các dịch vụ tư vấn, chiết khấu và miễn phí vận chuyển để duy trì mối quan hệ lâu dài với khách hàng.
Hình 2. Hình ảnh bà Phạm Thị Mỹ Dung trình bày tại hội thảo
- Thảo luận
Ông Nguyễn Trường Vương, Công ty Bayer, cho rằng báo cáo mô hình cà phê hiện đang quá chung chung và cần bổ sung chi tiết về giá trị của phân vi sinh, vì đây cũng là yếu tố cạnh tranh quan trọng trên thị trường. Ngoài ra, cần có nghiên cứu về giá trị kép, bao gồm cả đầu ra và đầu vào. Chế phẩm từ cà phê nên được sử dụng để bón cho các loại cây trồng khác, nhằm thể hiện tính bền vững của chuỗi liên kết. Bên cạnh đó, trong báo cáo, thuật ngữ “nước dinh dưỡng” cần được thay thế bằng “phân vi sinh” để đảm bảo tính thống nhất, dù ở dạng lỏng hay nước. Cuối cùng, báo cáo cũng cần làm rõ việc đăng ký sở hữu trí tuệ, cụ thể là quyền sở hữu thuộc về cá nhân hay hợp tác xã, đồng thời cần nêu rõ thương hiệu và loại hình sở hữu.
Ông Hoàng Xuân Trường, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, đã bày tỏ ý kiến rằng các khuyến nghị trong báo cáo hiện tại quá chung chung và thiếu tính cụ thể. Theo ông, để các khuyến nghị thực sự hiệu quả và dễ dàng triển khai, chúng cần được chi tiết hóa, tập trung vào từng mô hình cụ thể. Điều này có nghĩa là thay vì đưa ra các khuyến nghị mang tính bao quát cần đưa ra các khuyến nghị phù hợp và khả thi với từng mô hình.
Bà Vân Anh, đại diện Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc, nhận định rằng báo cáo đã áp dụng cách tiếp cận mô hình toàn diện. Bà cho rằng nên học hỏi công nghệ sấy cà phê nhiệt phân tạo ra than sinh học từ Thụy Sỹ. Hiện nay, công nghệ này đã được nội địa hóa để phù hợp với điều kiện và nguồn lực trong nước. Các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp Việt Nam đã chế tạo thiết bị nhiệt phân với chi phí thấp hơn so với thiết bị nhập khẩu. Các mô hình thử nghiệm tại Tây Nguyên cho thấy tiềm năng ứng dụng rộng rãi, đặc biệt trong các hợp tác xã và trang trại cà phê. Công nghệ này không chỉ giúp cải thiện kinh tế cho người dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Bà Phạm Thị Hạnh Thơ, Trung tâm nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp CASRAD, cho rằng Đối với mô hình cà phê, hiện vẫn còn chung chung cần có nghiên cứu chi tiết hơn về các loại bã cà phê, ví dụ như việc sử dụng bã cà phê để sản xuất phân trùn quế, nhằm tạo ra giá trị kinh tế và ổn định đời sống cho người dân. Đặc biệt, bà nhấn mạnh rằng, trong việc phát triển mô hình cà phê, khó khăn lớn nhất là đưa sản phẩm ra thị trường, đòi hỏi phải đảm bảo chất lượng, tính đồng bộ và đồng quy. Vì vậy, cần có hành lang pháp lý phù hợp để hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm.
Bà Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ Tri thức Hà Nội, nhận định rằng báo cáo rất hay, đi đúng trọng tâm và có cách tiếp cận toàn diện. Bà đề xuất Bộ Nông nghiệp cần tìm giải pháp để đảm bảo sự tham gia của tất cả các cấp. Đặc biệt cần đánh giá được giá trị của môi trường.
Hình 3. Hình ảnh ông Hoàng Xuân Trường tham gia thảo luận tại hội thảo
Ông Nguyễn Thế Mạnh, ICRAF Việt Nam, cho rằng nghiên cứu cần được mở rộng và đào sâu hơn trong lĩnh vực nghiên cứu về marketing và thị trường, vốn là một khía cạnh chưa được đề cập trong báo cáo.
Bà Hoàng Thị Hương, chuyên gia GIZ, chia sẻ rằng từ năm 2021 đến nay, GIZ đã triển khai một số chương trình và dự án tại Việt Nam, tập trung vào các ngành nông nghiệp như chuối, lúa gạo và cà phê tại Việt Nam. Các dự án này không chỉ hỗ trợ nông dân cải thiện kỹ thuật sản xuất mà còn tạo ra các mô hình bền vững để người dân có thể học hỏi và nhân rộng. Hiện tại Việt Nam đang triển khai đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Theo bà, trong báo cáo về mô hình lúa gạo tại ĐBSCL, còn thiếu sót chưa đầy đủ, đặc biệt là vấn đề sử dụng rơm rạ. Việc sản xuất nấm từ rơm rạ mới là hướng chính, bởi đây là thị trường chủ yếu của ĐBSCL. Sau nấm, sản xuất năng lượng mới là ngành kế tiếp, do đó báo cáo cần phải nghiên cứu thêm.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, đến từ Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, đã chia sẻ về một số dự án thành công mà doanh nghiệp của ông đã thực hiện. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh rằng nếu chỉ làm từ rơm rạ thì giá trị sản phẩm sẽ không lớn và khó đạt được thành công, vì vậy cần phải có sự pha trộn, chẳng hạn như phối hợp với phân bò, phân lợn, v.v. Ông cũng cho rằng mức giá bán trong báo cáo hiện tại là không khả thi và chỉ mang tính tham khảo, vì giá bán thực tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài ra, ông chỉ ra rằng năng lực quản trị của hợp tác xã hiện nay còn yếu, cần phải có đào tạo thêm. Ông cũng cho rằng báo cáo hiện nay còn thiên về lý thuyết và cần phải thực tế hơn.
Ông Nguyễn Vĩnh Đức, đại diện Tập đoàn Cà phê Minh Tiến, chia sẻ rằng mô hình sản xuất cà phê cần mở rộng việc xử lý phế phẩm, đặc biệt là vỏ cà phê. Vỏ cà phê có thể được tận dụng để sản xuất phân bón hữu cơ hoặc chế biến thành trà từ vỏ cà phê. Tuy nhiên, ông cũng nêu lên những khó khăn trong việc chế biến phế phẩm cà phê, như yêu cầu về vốn đầu tư lớn và việc thu mua vỏ cà phê gặp nhiều trở ngại đối với các công ty sản xuất. Đặc biệt, phân bón từ phế phẩm cà phê cần phải có giấy phép mới được đưa ra thị trường, mặc dù Sơn La là một trong những thị trường lớn. Vì vậy, ông cho rằng cần có một hành lang pháp lý rõ ràng cùng với việc đào tạo chuyên gia và chuyên gia thực hành để hỗ trợ quá trình này, từ việc hướng dẫn trực tiếp đến giám sát.
Ông Tạ Văn Bông, Giám đốc HTX Tân Bình, Đồng Tháp, đưa ra kiến nghị muốn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cần sự trợ giúp hỗ trợ của các chuyên gia và các tổ chức kinh tế.
Ông Nguyễn Công Hải, đại diện cho hộ kinh doanh tại bản Sen to, xã Tòng Cọ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, chia sẻ việc sử dụng phân bón từ bã cà phê giúp nông dân giảm đáng kể chi phí cho phân bón hóa học và giảm 5% lượng thuốc bảo vệ thực vật, từ đó tăng lợi nhuận. Đồng thời, quá trình thu gom và xử lý bã cà phê cũng tạo ra cơ hội việc làm mới cho người dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế tại các vùng nông thôn. Tuy nhiên, mô hình này hiện đang đối mặt với nhiều thách thức về kỹ thuật và chi phí. Ông kiến nghị cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ, đặc biệt là các chính sách ưu đãi tài chính, chương trình khuyến nông, và cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào chuỗi tái chế bã cà phê. Các tổ chức nông nghiệp và doanh nghiệp cũng có thể hợp tác chặt chẽ để triển khai mô hình này tại các vùng trồng cà phê và lúa chủ lực.