Bất ngờ: Những thứ tưởng bỏ đi như vỏ trái ca cao, hạt thanh long có thể mang về hàng tỷ USD

Tại Việt Nam, mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp dù không mới nhưng chưa được quan tâm đúng mức.

Tận thu vỏ trái ca cao

Theo báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu, vỏ trái ca cao chiếm tới 60% trọng lượng trái. Vì thế, năng suất của loại phụ phẩm từ vỏ trái ca cao rất lớn, khoảng 5,4-8,1 tấn/ha/năm.

Hầu hết các vùng trồng ca cao sau khi thu hoạch, lấy hạt để chế biến thì chỉ có 1 phần nhỏ vỏ trái ca cao được đem phơi khô để đốt.

Nông dân trồng cây ca cao ở Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nông dân trồng cây ca cao ở Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Phần còn lại (cả vỏ và thịt trái ca cao) bị đổ xuống sông, hoặc vứt trở lại gốc cây cho phân hủy tự nhiên. Thời gian phân hủy của vỏ trái ca cao lại kéo dài, từ 8 tháng trở lên, gây ô nhiễm môi trường…

Từ năm 2020, Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán, Đồng Nai) đã phối hợp với Trường Đại học Quốc tế TP.HCM nghiên cứu sản xuất các sản phẩm gia tăng từ thịt quả ca cao như mì ăn liền, bánh quy, snack…

Ông Đặng Tường Khanh – Giám đốc Công ty Ca cao Trọng Đức cho biết, sản phẩm bánh quy và các loại thức ăn nhẹ từ thịt quả ca cao có triển vọng thị trường khá tốt.

Tất cả các kết quả thử nghiệm như chỉ tiêu cảm quan, chất lượng, mùi vị… đều đạt. Hiện doanh nghiệp đang sản xuất thử nghiệm trước khi đưa ra thị trường.

Thịt và vỏ trái ca cao chiếm hơn chiếm hơn 60% trọng lượng trái ca cao. Ảnh: Nguyên Vỹ

Thịt và vỏ trái ca cao chiếm hơn chiếm hơn 60% trọng lượng trái ca cao. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trước đó, Công ty Ca cao Trọng Đức đã sản xuất nhiều sản phẩm nước uống dinh dưỡng từ thịt quả ca cao như nước ép, rượu ca cao, siro, nước màu…

Vỏ trái ca cao cũng được công ty chế biến ra chất Pectin, một loại chất xơ sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm.

Hoặc như rượu ca cao, Trọng  Đức cũng có 2 dòng sản phẩm được chế biến từ vỏ và từ thịt quả ca cao, đang được thị trường ưa chuộng.

Theo ông Khanh, nếu chỉ trồng ca cao lấy hạt rồi xuất khẩu thô, doanh thu của sẽ không đáng kể.

Do đó, công ty phải mày mò, tìm cách tận dụng để tạo ra nhiều sản phẩm từ trái ca cao, tăng thêm tính cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Ông Khanh tính toán, cứ 10 tấn ca cao tươi sẽ cho 1 tấn hạt khô. Nếu đem xuất thô, có thể thu về hơn 70 triệu đồng.

Cũng với 10 tấn này, nếu tận dụng được thịt ca cao, đem ép nước sẽ thu được 500kg nước cốt ca cao. Từ đó có thể sản xuất ra 20 chai rượu (loại 750ml), giá trị hơn 1,6 tỉ đồng.

Mỗi năm, Công ty Trọng Đức có khoảng 5.000 tấn vỏ thải ra từ quy trình sản xuất ca cao. Đây cũng là nguồn nguyên liệu để sản xuất rượu vang và nhiều sản phẩm có giá trị khác.

Từ thịt trái ca cao, công ty ca cao Trọng Đức nghiên cứu sản xuất thành sản phẩm nước ép. Ảnh: Nguyên Vỹ

Từ thịt trái ca cao, Công ty Ca cao Trọng Đức nghiên cứu sản xuất thành sản phẩm nước ép. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bên ngoài nhà máy chế biến, các trang trại trồng ca cao của công ty cũng được quy hoạch, tạo thành hệ sinh thái khép kín theo kiểu vườn-ao-chuồng-rừng.

Nghĩa là bên cạnh trồng trọt, trang trại có thêm mô hình chăn nuôi để lấy phân bón, hoặc lôi cuốn thiên địch để hạn chế sâu bệnh gây hại.

Với mô hình này, doanh nghiệp không xả thải ra môi trường, không khai thác tận thu tài nguyên như đất, nước hay lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu, mà nuôi dưỡng lẫn nhau theo quy luật tự nhiên.

“60% phụ phẩm vốn bị coi là rác thải ca cao đều được công ty tận dụng và mang lại hiệu quả kinh tế”, ông Khanh nói.

Nhỏ lẻ và chưa hoàn chỉnh

TS. Phạm Văn Hùng, đại diện nhóm nguyên cứu của Trường Đại học Quốc tế TP.HCM cho biết, phần lớn trái thanh long lâu nay xuất khẩu thô.

Các nước Hàn Quốc, Nhật Bản nhập trái thanh long về rồi chế biến được rất nhiều thứ khác. Và họ cũng bán giá cao gấp 5-7 lần so với việc bán thô của Việt Nam.

Theo TS. Hùng, hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chế biến thanh long thành rượu vang, nước ép, thanh long sấy khô…

Từ đó, những phụ phẩm như vỏ, hạt thanh long thải ra chính là nguồn nguyên liệu để sản xuất ra các sản phẩm khác, như chiết xuất tinh dầu, nước ép, thực phẩm chức năng…

“Sau khi hoàn thành dự án từ quả ca cao với Công ty Trọng Đức, nhóm đang nghiên cứu sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm … từ vỏ và hạt quả thanh long”, TS. Hùng chia sẻ.

Vỏ và hạt của trái thanh long là nguyên liệu để sản xuất ra chiết xuất tinh dầu, nước ép, thực phẩm chức năng... Ảnh: Nguyên Vỹ

Vỏ và hạt của trái thanh long là nguyên liệu để sản xuất ra chiết xuất tinh dầu, nước ép, thực phẩm chức năng… Ảnh: Nguyên Vỹ

PGS.TS Nguyễn Hồng Quân – Viện trưởng Viện Kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, kinh tế tuần hoàn từng được áp dụng tại Việt Nam theo nhiều cách như vườn-ao-chuồng, hay vườn-ao-chuồng-rừng…

Nhưng xét về quy mô và cách áp dụng hiện đại, việc tận thu phụ phẩm ca cao hay chế biến tinh dầu, dược phẩm hạt thanh long còn rất mới trong cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp.

Vấn đề là nhiều doanh nghiệp đang gặp khó để mô hình này trở nên phổ biến.

TS. Quân thừa nhận, yếu tố cốt lõi là doanh nghiệp dù muốn nhưng chưa tìm thấy được những công nghệ phù hợp, mang lại hiệu quả cả về kinh tế lẫn xã hội.

Chưa kể, cơ sở hạ tầng hiện nay của nhiều doanh nghiệp cũng chưa đáp ứng được các mục tiêu đề ra của kinh tế tuần hoàn. Một số doanh nghiệp trong nước đã quan tâm tới kinh tế tuần hoàn nhưng quy mô còn nhỏ lẻ và chưa hoàn chỉnh.

Có thể kể đến mô hình chăn nuôi bò khép kín ở trang trại của Vinamilk; sản xuất dầu ăn từ mỡ cá tra ở Công ty CP Vĩnh Hoàn hay tận dụng vỏ tôm, đầu tôm để chế biến chất Chitosan của Công ty CP Việt Nam Food…

Vỏ tôm và đầu tôm chiếm khoảng 40-50% khối lượng con tôm. Ảnh: Nguyên Vỹ

Vỏ tôm và đầu tôm chiếm khoảng 40-50% khối lượng con tôm. Ảnh: Nguyên Vỹ

Riêng mô hình thu gom vỏ tôm, đầu tôm để sản xuất Chitosan có tiềm năng thu lại giá trị từ 4-5 tỷ USD/năm.

“Tuy nhiên, việc thu gom đầu tôm gặp khó khăn do chi phí vận chuyển lớn. Giá thu mua đầu tôm chưa tạo động lực cho các cơ sở chế biến tôm xuất khẩu…”, TS. Quân kể.

Trong bài báo cáo 10 năm Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp mới đây, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng, sản xuất nông nghiệp hiện vẫn chú trọng vào số lượng, tìm cách tăng sản lượng, tăng năng suất và giảm giá thành.

Để đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, việc giảm dư thừa đầu vào và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật là tối quan trọng. Tuy nhiên, các tiêu chí phát triển bền vững, thân thiện với môi trường chưa quan tâm đúng mức.

Để khắc phục, theo TS. Chinh, trước tiên cần thay đổi nhận thức của người dân và xã hội về mô hình kinh tế, tức mô hình kinh tế dựa trên việc khai thác tận lực nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Nguyên Vỹ – Báo Dân Việt

Chia sẻ

(143)