Chiến thuật “3V” nhằm phát triển một nền kinh tế tuần hoàn bao trùm các vấn đề giới

 

Tác giả bài op-ed: Bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam.

Được đăng trên tạp chí Viet Nam Investment Review, ra ngày 21 tháng Ba, 2022

Tại Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc ngày 2 tháng Ba vừa qua, các Bộ trưởng Môi trường trên thế giới đã thông qua những nghị quyết quan trọng nhằm thiết lập nền tảng vững chắc để tiến tới một thỏa thuận ràng buộc pháp lý quốc tế về chấm dứt ô nhiễm nhựa, và nghị quyết về kinh tế tuần hoàn – yếu tố quan trọng hướng tới mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Lần đầu tiên trong lịch sử, sự đóng góp của những lao động phi chính thức được ghi nhận trong nghị quyết về môi trường, đây vốn là những lao động thu nhập thấp, chuyên thu gom những rác thải có thể tái chế. Tiếp đó, Hội đồng đàm phán liên quốc gia cũng sẽ cân nhắc những bài học và thực tiễn hoạt động của những lao động phi chính thức này. Đây là sự ghi nhận đáng mừng, tuy nhiên hiện vẫn chưa có những đề cập cụ thể đối với phụ nữ và khía cạnh giới của nhóm lao động phi chính thức.

Trên toàn thế giới, phụ nữ chiếm đa số trong nhóm lao động phi chính thức về chất thải. Tại Việt Nam, hơn 60% những lao động này là phụ nữ, đang phải làm việc trong tình trạng bấp bênh, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất và các chất độc hại, phát sinh trong chuỗi giá trị của các ngành như dệt may, nông nghiệp hoặc chất thải. Với sự chênh lệch đáng kể so với nam giới, nữ giới đang phải chịu ảnh hưởng từ ô nhiễm nhựa. Bên cạnh đó, những lao động nữ này còn phơi nhiễm với những loại khí độc và khí thải phát sinh từ hoạt động đốt rác thải, đốt nhiên liệu trong sinh hoạt, và đồng thời phải chịu đựng một loạt những căn bệnh liên quan đến quá trình gia nhiệt, và ô nhiễm không khí.

Tháng 11 năm 2021, trước Hội nghị COP26 tại thành phố Glasgow, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của Việt Nam trong việc chuyển đổi sang mô hình phát triển hướng tới một nền kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững, bao trùm và nhân văn. Việt Nam đang nỗ lực khôi phục lại sau đại dịch, do đó tính cấp thiết của việc tạo dựng tiền đề hướng đến bình đẳng giới, kinh tế tuần hoàn, và hành động vì khí hậu  ngày càng được quan tâm, được nhìn nhận như những vấn đề có tính liên kết, mang đến sự thay đổi có tính hệ thống, nhằm bảo vệ Trái Đất và đạt được những Mục tiêu phát triển bền vững năm 2030.

Bây giờ đã là thời điểm để hành động. Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, chúng tôi đề xuất mô hình 3V nhằm trao quyền cho phụ nữ và tạo ra sự phục hồi một nền kinh tế xanh, bao trùm.

3V – Giá trị, Mô hình kinh doanh và Tăng tốc (Value, Venture, and Velocity)

Đầu tiên, chúng ta phải đánh giá và ghi nhận những đóng góp của tất cả phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở nông thôn, dân tộc thiểu số, những người phụ nữ trẻ đã và đang hướng tới phát triển bền vững, xanh hơn và bao trùm hơn. Họ cũng là những người ủng hộ năng lượng tái tạo, giảm phát thải các-bon trong sản xuất nông nghiệp, và mở rộng các giải pháp thay thế cho nhựa.

Ví dụ cho thấy hơn 1.500 nữ lao động phi chính thức tại 5 thành phố đã tham gia các hội nhóm địa phương trong hội liên hiệp phụ nữ. Họ đã tham gia các buổi tập huấn về sức khỏe và an toàn lao động, phân loại chất thải, và các nguyên tắc tuần hoàn. Họ cũng có thể tiếp cận các nguồn vốn xoay vòng do các nhóm phụ nữ quản lý và được trang bị các thiết bị giúp tạo điều kiện thuận lợi cho công việc và nâng cao sinh kế của họ.

Trong một ví dụ khác, các hợp tác xã nông nghiệp của phụ nữ ở tỉnh Bình Thuận đã dẫn đầu việc ứng dụng các giải pháp giảm thiểu các-bon trong toàn bộ chuỗi giá trị quả thanh long. Cùng với việc xanh hóa sản xuất, các chương trình đào tạo về thương mại điện tử đã hỗ trợ các hợp tác xã khắc phục những thiệt hại kinh tế do đại dịch gây ra và mở rộng danh sách khách hàng.

Xuyên suốt những sự can thiệp kể trên, có thể nhìn nhận rõ vai trò quan trọng của khối phụ nữ và những hợp tác xã do phụ nữ lãnh đạo, là giúp nâng cao kỹ năng và hiểu biết của nhóm phụ nữ trong những hoạt động cụ thể và sự hiểu biết đó đã vượt trên góc độ cá nhân, và lan tỏa đến cộng đồng xung quanh.

Thứ hai, chúng ta cần phải thiết kế lại những mô hình kinh doanh mới, giúp phụ nữ tham gia vào các quá trình hoạch định chính sách để có một quá trình chuyển đổi công bằng và toàn diện. Phụ nữ Việt Nam đang gặp những rào cản trong việc hưởng lợi và trong đóng góp vào quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn. Những rào cản bao gồm: sự tham gia hạn chế trong xây dựng chính sách, thiếu lồng ghép giới một cách hệ thống trong các chính sách công nghiệp, tiếp cận hạn chế với các nguồn lực tài chính, kỹ thuật, khu vực phi chính thức không được quan tâm đúng mức, cũng như gánh nặng từ những công việc nội trợ không được chi trả.

Do vậy, chúng ta cần đảm bảo rằng xu hướng chính thức hóa lĩnh vực quản lý chất thải hiện nay không gây bất lợi cho phụ nữ. Trong mối tương quan kể trên, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), với sự hỗ trợ của chính phủ Na Uy, đang thiết lập một cơ sở phục hồi nguyên vật liệu tại tỉnh Bình Định, nhằm tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho các nữ lao động trong chuỗi giá trị chất thải, đồng thời thí điểm các giải pháp nhằm giảm thiểu nhựa trong lĩnh vực thủy sản.

Phụ nữ cũng được coi là những người tiêu dùng bền vững hơn và có xu hướng áp dụng các thực hành xanh, từ việc tiết kiệm nước đến mua sắm các sản phẩm được dán nhãn sinh thái, hoặc sử dụng các phương thức vận chuyển ít phát thải các-bon. Sự xuất hiện của hệ sinh thái các doanh nghiệp có ảnh hưởng đến xã hội ở Việt Nam, chủ yếu được vận hành bởi phụ nữ, cũng phản ánh tầm ảnh hưởng của phụ nữ tới việc thay đổi mô hình tiêu dùng lẫn mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn.

Thứ ba, chúng ta phải cam kết mở rộng cơ hội nắm giữ vai trò lãnh đạo đối với phụ nữ và thúc đẩy quá trình chuyển đổi. Các chính sách kinh tế tuần hoàn và khí hậu thường có ý nghĩa đối với việc làm trong tương lai. Một nghiên cứu gần đây của UNDP Indonesia cho thấy, trong bốn lĩnh vực  vốn sử dụng nhiều nam giới, 75% trong số 4,4 triệu việc làm tạo ra bằng cách áp dụng các cơ hội tuần hoàn sẽ được dành cho phụ nữ. Điều này cho thấy, chúng ta cần đầu tư đáng kể vào việc giáo dục thế hệ nữ kỹ sư, kiến ​​trúc sư, nhà khoa học và nhà quy hoạch đô thị mới.

Gia tăng sự hỗ trợ

Trong bất kỳ sự thay đổi nào, chúng ta đều cần đảm bảo rằng tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ và nhóm yếu thế, được bảo vệ trước những thay đổi có thể tác động tiêu cực đến sinh kế của họ.

Tại nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, Singapore và Nam Phi, đã phát triển các gói hỗ trợ xã hội bao trùm, đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế xanh và bền vững, công bằng.

Các hoạt động kể trên bao gồm xây dựng năng lực và đào tạo nâng cao kỹ năng cho người lao động tại các ngành công nghiệp gây ô nhiễm, huy động các nguồn tài chính khí hậu quốc tế để mang lại lợi ích cho phụ nữ và nhóm yếu thế, ưu tiên các biện pháp đem lại lợi ích chung, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ, hướng tới các cơ hội thương mại xanh, phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa khu vực tư nhân, chính phủ và các tổ chức xã hội.

Với sự trợ giúp của UNDP, Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam đang tham gia vào tất cả các khía cạnh của việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, trung hòa các-bon, từ khía cạnh kỹ thuật cho đến khía cạnh xã hội và khía cạnh tài chính, nhằm đảm bảo một sự chuyển đổi công bằng.

Động lực trên toàn cầu xung quanh nền kinh tế tuần hoàn trong thời điểm hiện nay đã mang lại cơ hội tuyệt vời để chúng ta nhìn nhận bình đẳng giới và trao quyền đối với phụ nữ như những nguyên tắc cơ bản, thông qua việc áp dụng chiến lược 3V: đánh giá cao những đóng góp của phụ nữ (Value), thiết kế các mô hình kinh doanh mới (Venture), và tăng tốc cho một quá trình chuyển đổi công bằng (Velocity).

UNDP kêu gọi tất cả các đối tác của mình thực hiện sứ mệnh mới cho một nền kinh tế tuần hoàn, bao trùm và trung hòa các-bon – một nền kinh tế định hình lại chuỗi giá trị, cân nhắc các mô hình tiêu dùng, và chuyển đổi trạng thái bất bình đẳng giới đã ăn sâu, để có một quá trình chuyển đổi công bằng, không ai bị bỏ lại.

Trong nền Kinh tế tuần hoàn, phụ nữ đóng một vai trò không thể thay thế. Ghi lại từ những ví dụ thực tế, loạt các câu chuyện về “Phụ nữ trong ngành Kinh tế tuần hoàn” giúp soi sáng khía cạnh sáng tạo và phát triển trong thời điểm hiện tại của những nữ lãnh đạo. Theo dõi loạt các câu chuyện trên tại mục Câu chuyện truyền cảm hứng trên trang web CE Hub – Mạng lưới Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam.

Chia sẻ

(143)