Chiến dịch “Non, biển chung tay – Dọn ngay rác nhựa” và Lễ Vinh danh các tác phẩm đạt giải trong “Cuộc thi ảnh Câu chuyện rác nhựa”

Hà Nội, 24 tháng 01 năm 2022 – Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Tổng cục biển và Hải đảo (Bộ tài nguyên và môi trường) khởi động chiến dịch “Non, biển chung tay – Dọn ngay rác nhựa” và vinh danh các tác phẩm đạt giải trong cuộc thi ảnh “Câu chuyện rác nhựa.” Chiến dịch “Non, biển chung tay – Dọn ngay rác nhựa” nhằm kêu gọi hành động tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần.

Tham dự hai sự kiện này, có đại diện của UNDP bốn nước ASEAN (Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippine), Tổng cục biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Môi trường, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản, Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội, Hội nông dân Quảng Ninh, Hội phụ nữ các tỉnh Đà Nẵng, Bình Định, Bình Thuận, và Bình Dương và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Hiện nay, hành tinh của chúng ta đang bị chìm đắm trong rác thải nhựa. Mỗi năm, chúng ta phát thải ra 300 triệu tấn rác thải nhựa, có thể tính tương đương với trọng lượng của tất cả mọi người trên trái đất. Nhưng đáng buồn hơn là, có 9% được tái chế. Con người tiêu thụ hơn 5.000 tỷ túi nilon mỗi năm, tương đương hơn 160.000 túi mỗi giây. Số túi nilon tiêu thụ trong 1 giờ có thể quấn 7 vòng quanh Trái Đất nếu được đặt cạnh nhau. Cứ mỗi phút trôi qua, toàn cầu tiêu thụ 1 triệu chai nước nhựa.

Ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường UNDP Việt Nam phát biểu tại sự kiện

Phát biểu tại sự kiện, ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh “chúng ta cũng đã thấy những hình ảnh như một con cá voi hoa tiêu đực bị chết và dạt vào bãi biển ở Thái Lan vì đã nuốt 80 túi nilon; hình ảnh về những con rùa mắc trong 6 cái vòng nhựa, một con cá ngựa nhỏ xíu cuộn đuôi vào một cái tăm bông bằng nhựa. Các sản phẩm nhựa trôi dạt hàng ngày trên các bãi biển toàn thế giới – từ Việt Nam, Indonesia đến bờ biển châu Phi, và các con kênh trong các thành phố ngày càng tràn ngập chất thải nhựa. Rõ ràng chúng ta phải xem xét và suy nghĩ lại hành động của chúng ta, từ sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ.”

Ông Jan Wilhelm Grythe, Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam phát biểu “Ô nhiễm nhựa là một trong những mối đe dọa môi trường lớn nhất của nhân loại ngày nay. Nhựa không chỉ làm ô nhiễm đại dương của chúng ta, giết chết các sinh vật biển mà còn đe dọa cuộc sống của các thế hệ con cháu chúng ta mai sau. Đây là một vấn đề mà không một cá nhân hay một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết. Nó đòi hỏi những nỗ lực chung. Mọi người đều có vai trò trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa. Na Uy tự hào về quan hệ đối tác của chúng tôi với UNDP, Tổng cục Biển và Hải đảo, cùng chính quyền 5 tỉnh/thành phố của Việt Nam trong việc thực hiện Dự án này. Tôi rất vui khi thấy kết quả của nó ngày càng được nhân rộng. Giờ là thời điểm tốt nhất để chúng ta thay đổi cách sống và nâng cao nhận thức của cộng đồng về những tác hại của nhựa. Hãy cùng nhau phấn đấu vì điều này. Mọi hành động đều có ý nghĩa.”

Chiến dịch “Non, biển chung tay – Dọn ngay rác nhựa” sẽ được triển khai trong sáu tháng gồm các hoạt động được tổ chức trực tuyến và trực tiếp tại các tỉnh gồm Bình Dương, Bình Định, Bình Thuận, Đà Nẵng, Quảng Ninh. Chiến dịch đưa ra lời nhắc nhở mỗi người dù sinh sống tại miền núi, đồng bằng hay ven biển cần đồng góp vào nỗ lực chung nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, trả lại màu xanh cho biển cả. Chiến dịch đưa ra các thông điệp chính: Hãy lựa chọn nhìn vào sự thật và có trách nhiệm với xã hội; Đừng ngại chọn con đường đúng dù đó là lối đi khác biệt và khó khăn, và Người hiện đại không ngại hành động để chọn lối sống xanh vì mình và vì mọi người”.

Các đại biểu thảo luận về Chiến dịch và Cuộc thi Ảnh

Trong chuỗi hoạt động của chiến dịch, UNDP tại Việt Nam cũng sẽ tổ chức các buổi Hội thảo, các hoạt động thiết thực cả trực tuyến và trực tiếp tại 5 tỉnh Bình Dương, Bình Định, Bình Thuận, Đà Nẵng, Quảng Ninh, bao gồm: Hội thảo về Cách thay thế hoặc thải bỏ các sản phẩm nhựa dùng một lần, phát trực tiếp trên mạng xã hội; Hội thảo về Phát triển ngành du lịch địa phương theo hướng bền vững, kết hợp với Sự kiện dọn rác tại bãi biển; và Hội thảo hướng dẫn cách phân loại rác tại hộ gia đình.

Talk show “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”

Ngoài ra, UNDP còn giới thiệu tới cộng đồng ứng dụng “Săn Rác” – một ứng dụng điện thoại dùng để báo cáo và theo dõi tất cả các bãi rác tự phát, sai quy định tại Việt Nam. Người dùng có thể chụp ảnh và ghi lại thông tin trên ứng dụng về các điểm có rác sai quy định trên Bản đồ “Săn Rác”, từ đó giúp Chính quyền địa phương, các bên liên quan và người dân có thể xử lý kịp thời.

Tại sự kiện, các tác phẩm xuất sắc nhất của cuộc thi ảnh “Câu chuyện rác nhựa” đã được vinh danh trao giải. Các tác phẩm đạt Giải A gồm “Vấn nạn rác thải nhựa” của tác giả Nguyễn Đoàn Kết, “Vị giám đốc trẻ mê nhặc rác” ở Đà Nẵng: 10 năm dọn vệ sinh không công dưới đáy biển của tác giả Nguyễn Giang Nam và “Tái chế nhựa” của tác giả Trần Văn Tuý. Giải B thuộc về các tác phẩm “Hãy bảo vệ môi trường sống của chúng ta’ của tác giả Phạm Văn Thành, “Thiên nhiên kêu cứu” của tác giả Đinh Ngọc Bảo và “No more plastic” của Đoàn trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận. Giải C là các tác phẩm “Khu bọn tao sống” của tác giả Nguyễn Ngọc Sơn; “Thả cá, thả luôn vật dụng, tàn tro xuống sông Đà trong ngày Ông Công Ông Táo” của tác giả Lưu Trọng Đạt và “Công việc thầm lặng” của tác giả Kha Thành Trí Đạt. Giải Khuyến khích gồm: Tác phẩm “Rác thải nhựa đang giết chết sinh vật biển” của tác giả Phạm Hồng Mạnh, tác phẩm “Bước chân của rác” của tác giả Nguyễn Thị Lý Giang, tác phẩm “Tiếng kêu cứu của thiên nhiên” của tác giả Nguyễn Trang Kim Cương, tác phẩm “Anh hùng nơi bến cảng” của tác giả Võ Hoài Nam, tác phẩm “Reflection – Sự phản chiếu” của nhóm tác giả Đỗ Thuỳ Linh, Hoàng Nhật Minh, Nguyễn Quỳnh Hoa.

Cuộc thi ảnh “Câu chuyện rác nhựa” sau hơn 3 tháng phát động, từ ngày 5/2 – 15/5/2021, đã nhận được 8.434 tác phẩm từ sinh viên và giảng viên của hơn 40 trường đại học, cao đẳng, trung học, các nhà báo của hơn 30 cơ quan báo chí, các nhiếp ảnh gia của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và hơn 20 câu lạc bộ nhiếp ảnh địa phương trên toàn quốc. Thông tin chi tiết về cuộc thi được đăng tải trên website của cuộc thi: http://photocompetition.undp.org.vn/.

Chia sẻ

(47)