Chị Kim Lê – Công ty tư vấn quản lý CL2B tập trung vào nền kinh tế tuần hoàn

Chào mừng bạn đọc đến với “Phụ nữ trong nền Kinh tế Tuần hoàn”, phần 10. Trong phần này, chúng tôi mang đến câu chuyện truyền cảm hứng của chị Kim Lê và Công ty tư vấn về Kinh tế tuần hoàn – CL2B.

 

Tôi chưa bao giờ ngừng đặt thêm những câu hỏi, và câu hỏi khiến tôi bắt đầu với CL2B là: Chúng ta có thể tiếp cận tính bền vững theo một cách khác không? Điều gì sẽ xảy ra nếu như nó không chỉ đơn thuần là việc cam kết mà là sự kéo theo từ các giá trị của nó?

Năm 2019, tôi thành lập CL2B với tư cách là một công ty tư vấn quản lý, tập trung vào việc thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) tại Việt Nam. Điều đó bắt đầu khi tôi thấy được những thách thức về môi trường và kinh tế mà Việt Nam đang gặp phải. Tuy là một quốc gia sản xuất lớn, Việt Nam thiếu những nguyên liệu để duy trì hoạt động sản xuất, và nguyên liệu tái chế đóng vai trò quan trọng như một nguồn nguyên liệu thứ cấp cho nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù ngành tái chế vẫn tiếp tục hoạt động, Việt Nam chủ yếu xử lý các hoạt động tái chế có giá trị thấp – điều này chưa biến nó thành nền kinh tế tuần hoàn. Tham vọng của chúng tôi là đẩy hệ sinh thái tái chế lên một mức cao mới: Giá trị cao hơn, minh bạch hơn, cùng với đó là khả năng truy xuất nguồn gốc đầy đủ. Do đó, nền KTTH là hình mẫu cho những thách thức hiện tại mà Việt Nam đang gặp phải, là đòn bẩy cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.

CL2B đã và đang phát triển hướng tới các giá trị lợi ích mà KTTH có thể mang lại cho doanh nghiệp. Ở mức tối thiểu, nó đáp ứng được việc tuân thủ của doanh nghiệp và kỳ vọng của công chúng; ở mức độ cao hơn, đó là hành vi và tâm lý của khách hàng, và những cơ hội có lợi cho các bên liên quan, khi hoạt động của doanh nghiệp tạo ra những tác động tích cực từ những nỗ lực cải thiện không ngừng. Việc này đòi hỏi một nỗ lực lớn và được thực hiện dưới một đánh giá toàn diện về những tác động của doanh nghiệp.

Mặc dù nền KTTH còn khá mới mẻ, nhưng chúng tôi rất trân trọng vì có các đối tác và khách hàng sẵn sàng khám phá cùng chúng tôi trong chuỗi giá trị của họ để áp dụng nền KTTH, từ góc nhìn sản phẩm và vận hành cho đến cấp độ chiến lược. Hành trình KTTH đối với tôi là rất nhiều thử nghiệm, xem những điều gì sẽ khả thi. Trong hai năm đầu tiên, chúng tôi đã chạy thử từ những loại vật liệu khác nhau, cho đến những khuôn khổ và mô hình mới để kiểm tra xem những cái nào là khả thi. Tôi đã từng nhận rất nhiều vật liệu phế thải và thử nghiệm với một lab (phòng thí nghiệm) để xem cách chúng tôi có thể tái chế chúng. Tôi cùng từng đưa ra các concept (mô hình) khác nhau – những mô hình chưa từng thực sự thành công. Điều quan trọng là phải kiên cường và không ngừng cố gắng.

Một phần quan trọng trong hoạt động của chúng tôi là hợp tác và tận dụng khả năng của mạng lưới KTTH tại địa phương, trong đó, chúng tôi lựa chọn một số doanh nghiệp trong nước để can thiệp và hỗ trợ việc thâm nhập và mở rộng thị trường. Nếu không có cam kết thị trường và nguồn tài chính khả thi, hoạt động kinh doanh tuần hoàn sẽ không thể duy trì chính nó. Do đó, chúng tôi đầu tư công sức và nguồn lực của mình để tạo ra một điều kiện thị trường hỗ trợ cho mô hình tuần hoàn mở rộng quy mô.

Tin và ảnh bởi chị Kim Lê

Đọc đề xuất của UNDP trong việc thúc đẩy phát triển một nền kinh tế tuần hoàn bao trùm các vấn đề giới: Chiến thuật “3V” nhằm phát triển một nền kinh tế tuần hoàn bao trùm các vấn đề giới

Chia sẻ

(440)