Chị Hương và xưởng may tái chế pano cũ – Biến rác thành tiền từ chất liệu không còn được sử dụng.

Chào mừng bạn đọc đến với “Phụ nữ trong nền Kinh tế Tuần hoàn”, phần 9. Trong phần này, chúng tôi mang đến câu chuyện truyền cảm hứng của chị Hương với Xưởng may tái chế vải và pano tại phường Hà Khẩu, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Chị Hương xử lý vải được thu gom tại xưởng may tái chế vải và pano, Thành phố Hạ Long

Ngạc nhiên và hứng thú khi nhìn thấy những chiếc túi của người đồng nghiệp – những chiếc túi được may từ các tấm pano cũ, không còn được sử dụng – tôi đã tìm đến nhà chị Hương, tại phường Hà Khẩu, thành phố Hạ Long. Tôi gặp chị trong một chiều Hạ Long ngập nắng trong căn phòng khách kiêm xưởng may tái chế của chị. Xung quanh tôi là những pano, vải cũ và những chiếc túi đang may dở.

 Những chiếc túi đi chợ làm từ pano trơn

Sản phẩm ví đựng bút được tái chế từ pano và vải thừa

Chị chia sẻ, cơ duyên ban đầu đưa chị đến với công việc này là những buổi họp trong dự án thúc đẩy giảm nhựa và về các phương pháp tái sử dụng rác thải nhựa do Hội Phụ nữ Thành phố Hạ Long và GreenHub cùng tổ chức. Với mong muốn chuyển đổi nghề nghiệp, cùng một tinh thần kinh doanh sôi sục sẵn có, sau khi được giới thiệu về mô hình tái sử dụng pano cũ, chị bắt tay ngay lập tức vào thực hiện ý tưởng. Tuy nhiên, mọi thứ không dễ dàng như chị nghĩ. Trung bình, chị mất khoảng 4 ngày đến 1 tuần để cho 1 sản phẩm ra đời.

Công việc đầu tiên là đi thu gom pano cũ tại các hội nghị nhà nước và tư nhân và từ băng rôn cũ ngoài đường, vải cũ thừa từ các hiệu may. Thời gian đầu, Hội Liên Hiệp Phụ nữ thành phố Hạ Long cũng hỗ trợ rất nhiệt tình trong việc kết nối chị với các đơn vị có pano và vải thừa. Khi biết được mục đích tạo ra những sản phẩm mang giá trị bảo vệ môi trường, rất nhiều đơn vị cũng sẵn sàng cho. Tuy nhiên, vải, pano thu về không thể sử dụng được ngay mà phải mất nhiều thời gian giặt sạch, phơi, là,…. Tốn công hơn mua nguyên liệu mới rất nhiều. Trung bình, pano cũ nhăn nhúm phải xếp chồng lên nhau 3 – 5 ngày mới thẳng, vải cũng phải mất chừng đó thời gian để có thể may.

Tiếp theo là công đoạn cắt may, ướm khổ vải sao cho tận dụng tối đa, bỏ đi ít nhất. “Mình làm môi trường mà – phải làm sao cho bỏ đi ít nhất chứ” – chị tâm sự. Sau đó là ướm vải lên pano và cắt.

Chị Hương hướng dẫn con gái đo, cẳt pano

Cuối cùng là may hoàn thiện sản phẩm. Trung bình 1 ngày, 1 người chỉ may được 1 chiếc túi. Chưa kể việc hoàn thiện, phối màu cũng chẳng dễ dàng gì. Nhà chị vốn dĩ có xưởng đóng tàu. Gỗ, đinh, máy móc thì thị biết rất rõ. Phối màu, kích cỡ các sản phẩm may quả thực là thử thách lớn với chị.

Những dự định cho tương lai!

Nhìn chị loay hoay với mớ vải màu, pano, tôi vừa thương vừa khâm phục chị. Thương vì nhìn chị vất vả, nhưng cảm phục tinh thần ham học hỏi, vượt khó của chị. Tôi hỏi chị, có mong muốn gì cho tương lai để đỡ vất vả không? Chị bảo mong muốn được học tập về nghề may với mỹ thuật, để làm ra những sản phẩm tinh tế hơn. Chị cũng muốn được hỗ trợ tìm kiếm đầu ra – tạo doanh thu để có thể yên tâm phát triển sản phẩm này.

Nếu muốn tìm mua những sản phẩm ý nghĩa này, các bạn có thể tìm đến phường Hà Khẩu, thành phố Hạ Long.

——————————————

Tin và ảnh bởi GreenHub. GreenHub – với tư cách người đồng hành, luôn hỗ trợ giúp đỡ từ phát triển năng lực đến các phát triển ý tưởng kinh doanh mới. Hi vọng chặng đường sắp tới, sẽ luôn có sự đồng hành của những cá nhân, tập thể yêu môi trường.

Đọc đề xuất của UNDP trong việc thúc đẩy phát triển một nền kinh tế tuần hoàn bao trùm các vấn đề giới: Chiến thuật “3V” nhằm phát triển một nền kinh tế tuần hoàn bao trùm các vấn đề giới

Chia sẻ

(175)