Hội thảo Bao bì bền vững trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B)
Vào ngày 7 tháng 9, Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam đã tổ chức Hội thảo trực tuyến tập trung vào chủ đề “Bao bì bền vững trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B)”. Sự kiện có sự tham gia của bốn diễn giả, gồm Ông Nguyễn Hồng Long, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Phát triển bền vững (CCS), bBà Lucy Eggleston, Tư vấn môi trường cấp cao tại Công ty tư vấn Eunomia, Bà Bùi Đặng Duyên Mai, Giám đốc Đối ngoại của Coca-Cola Việt Nam và Campuchia, cũng như Ông Patomwat Tatijarern, Chuyên viên Phát triển Thị trường và Ứng dụng tại SCG Chemicals. Đồng thời, sự kiện cũng thu hút 80 chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đến từ Việt Nam, Thái Lan, Anh, Singapore, Pakistan, Malaysia, Hong Kong.
Ông Nguyễn Hồng Long, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Phát triển bền vững, đã mở đầu phần trình bày của diễn giả với phần chia sẻ về thiết kế sinh thái và ứng dụng cho bao bì ngành F&B. Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, tài nguyên ngày càng khan hiếm, việc thiết kế sản phẩm không chỉ giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường, mà còn góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Ông Long cũng giới thiệu Bộ công cụ “Bánh xe”, gồm các giải pháp thiết kế chi tiết theo vòng đời sản phẩm, nhằm hỗ trợ thực hiện thiết kế sinh thái được phát triển bởi Trung tâm Sáng tạo và Phát triển bền vững.
Bà Lucy Eggleston, Tư vấn môi trường cấp cao tại Công ty tư vấn Eunomia, trình bày về “Chiến lược bao bì bền vững trong ngành F&B” và đưa ra quy trình chung hướng dẫn doanh nghiệp F&B có thể tạo ra chiến lược phù hợp hướng đến bao bì bền vững. Bà Lucy cũng khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng nguyên tắc “Thang ưu tiên xử lý chất thải” và chỉ ra 3 xu hướng bao bì bền vững đang được các doanh nghiệp thực hiện (mô hình tái sử dụng, thiết kế nhằm tăng khả năng tái chế, và hàm lượng vật liệu tái chế), từ đó đưa ra các nghiên cứu điển hình cụ thể cho từng chiến lược để minh họa.
Bà Bùi Đặng Duyên Mai, Giám đốc Đối Ngoại của Coca Cola Việt Nam và Campuchia, một lần nữa khẳng định các nỗ lực của Coca Cola trong việc góp phần giải quyết khủng hoảng về rác thải bao bì trên toàn cầu. Coca Cola không chỉ đặt ra mục tiêu thiết kế các chai sản phẩm làm từ 100% nhựa tái chế, mà còn phối hợp với các đối tác để tăng cường thu gom và hoạt động tái chế bao bì. Tính đến hiện tại, Coca Cola đã thu gom và tái chế 40% lượng bao bì đưa ra thị trường, và đặt mục tiêu 50% cho năm kế tiếp, gấp đôi tỉ lệ tái chế quy định trong chính sách Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là 22%.
Ông Patomwat Tatijarern, Chuyên viên Phát triển Thị trường và Ứng dụng tại SCG Chemicals, giới thiệu công nghệ BW01501G sản xuất bao bì mềm bền vững, –sử dụng màng chống thâm nhập oxy được phát triển bởi SCG Chemicals nhằm thay thế lớp màng nhôm truyền thống. Công nghệ này giúp cho loại bao bì kể trên có tính đồng nhất về vật liệu, tăng khả năng tái chế nhưng vẫn đảm bảo khả năng bảo quản sản phẩm. Loại bao bì mềm đơn lớp vật liệu này được ông Patomwat Tatijarern dự đoán sẽ là xu hướng tương lai, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm đến bao bì bền vững.
Cuối buổi hội thảo, các diễn giả đã dành thời gian để trả lời các câu hỏi từ các đại biểu về Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)và Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), công nghệ sản xuất màng bao bì đơn lớp, lợi ích và mong muốn của doanh nghiệp khi thay đổi sang bao bì bền vững. Thông tin và tri thức chia sẻ trong buổi hội thảo này sẽ góp phần vào việc định hình và thúc đẩy thiết kế bao bì và phát triển bền vững trong ngành công nghiệp F&B ở Việt Nam.
Một số điểm tóm tắt chính:
- Để đưa ra quyết định tốt nhất về chiến lược bao bì bền vững, các doanh nghiệp cần bắt đầu từ danh mục sản phẩm hiện tại của mình. Từ đó xác định các tiêu chuẩn tối thiểu bao bì cần đáp ứng, động lực nội tại và các rủi ro trong tương lai khi các tiêu chuẩn, quy định pháp lý thay đổi, từ đó xác định chiến lược bao bì phù hợp.
- Giai đoạn thiết kế sản phẩm sẽ quyết định 80% tác động môi trường trong suốt vòng đời sản phẩm, và ở giai đoạn này, 85% toàn bộ chi phí của sản phẩm cũng sẽ được xác định. Vì vậy, thiết kế sinh thái là một công cụ quan trọng đóng góp hiện thực hóa mục tiêu Phát thải ròng bằng không.
- Thiết kế bao bì cần cân nhắc nguyên lý của hệ thống phân cấp chiến lược quản lý chất thải, theo thứ tự từ tác động cao nhất đến thấp nhất: tái sử dụng (mô hình tái sử dụng), tái chế (thiết kế nhằm tăng khả năng tái chế, hàm lượng vật liệu tái chế).
Để tham khảo và đăng ký tham gia các hội thảo khác cùng kỳ, mời quý vị bấm vào đây.