Chính sách tài chính phát triển kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam

Ngày 26/10/2022, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội thảo “Chính sách tài chính phát triển kinh tế tuần hoàn ở một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam”. Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất chính sách (đặc biệt là chính sách tài chính) của các nhà khoa học, các nhà quản lý… để thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS. Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính khẳng định, trong những năm qua, phát triển bền vững nói chung và phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) nói riêng đã và đang được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm. Mới đây, ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển KTTH ở Việt Nam”. Đề án xác định cần tập trung ban hành các chính sách dài hạn nhằm khuyến khích, ưu đãi, tạo thuận lợi cho phát triển KTTH.

Thực hiện những định hướng trên, các bộ, ngành hiện đang triển khai nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích phát triển KTTH. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã thiết kế những quy trình tái chế, tái sử dụng, mô hình kinh doanh tuần hoàn hoặc theo hướng tuần hoàn. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi và phát triển mô hình KTTH tại Việt Nam đang gặp không ít khó khăn, rào cản, mà một trong số đó là hạn chế về nguồn lực, nhận thức và công nghệ.

Trên thế giới, ước tính đến nay có khoảng 30 quốc gia trên thế giới đã và đang xây dựng các lộ trình để phát triển KTTH. Trong quá trình chuyển đổi và phát triển KTTH, chính sách tài chính đóng vai trò quan trọng trong điều chỉnh nguồn vốn, dòng tiền vào các mô hình kinh doanh, sản xuất KTTH. Việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện các chính sách phát triển KTTH nói chung, chính sách tài chính nói riêng là rất cần thiết để thiết kế, điều chỉnh các chính sách phù hợp với đặc điểm kinh tế Việt Nam.

Tại Hội thảo, chia sẻ về các chính sách về KTTH ở Việt Nam, TS. Nguyễn Hoàng Nam, Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, một số chính sách phù hợp với thúc đẩy KTTH đã được ban hành và triển khai tại Việt Nam từ những năm 1998 theo hướng khuyến khích tái chế và sử dụng các sản phẩm tái chế; khuyến khích hỗ trợ áp dụng công nghệ sạch, ít phế thải, tiêu hao nguyên liệu và năng lượng… Tuy nhiên, phải đến Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi năm 2020, KTTH lần đầu tiên mới được quy định là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm thiểu khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và loại bỏ các tác động tiêu cực tới môi trường. Đặc biệt, Luật BVMT năm 2020 dành riêng một điều khoản cụ thể để quy định về KTTH.

Tiếp đó, Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT đã nêu rõ Kế hoạch hành động quốc gia về KTTH trước năm 2025, trong đó quy định cụ thể các tiêu chí, chỉ tiêu cho các ngành; đồng thời, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lồng ghép các tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể để thực hiện KTTH vào chiến lược, chương trình, kế hoạch của mình. Tại Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển KTTH ở Việt Nam”, trách nhiệm của các các bộ, ngành được quy định rõ, trong đó Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, biện pháp khuyến khích các tổ chức, DN thực hiện KTTH…

 

Kinh nghiệm từ các nước và khuyến nghị cho Việt Nam

Theo TS. Nguyễn Hoàng Nam, chuyển dịch từ kinh tế tuyến tính sang KTTH đang là xu thế chung của cộng đồng thế giới. Trong thập niên tới, để phát triển KTTH, một số giải pháp Việt Nam cần thực hiện gồm: Hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về KTTH; Xây dựng lộ trình thực hiện KTTH… Theo kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, trong nền KTTH, DN cần được coi là động lực trung tâm, nhà nước nắm vai trò kiến tạo, các tổ chức và từng người dân tham gia thực hiện. Do đó, trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính khi nghiên cứu, ban hành các chính sách biện pháp khuyến khích các tổ chức, DN thực hiện KTTH cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cùng các DN để đảm bảo chính sách ban hành đạt hiệu quả thực thi cao.

Đồng quan điểm với TS. Nguyễn Hoàng Nam, TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, quá trình chuyển đổi sang KTTH là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của nhiều cấp chính quyền và nhiều bên liên quan. Theo TS. Lê Xuân Sang, cách tiếp cận phát triển KTTH nên hướng chủ yếu tới các chính sách tài khóa, đặc biệt là chính sách thuế nhắm trực tiếp vào vòng đời sản phẩm, bao gồm: (i), Sản xuất; (ii), Sử dụng sản phẩm; (iii) Quản lý chất thải. Tùy trình độ phát triển và sự sẵn có, tiềm năng các nguồn lực mà các nước có thể có các giải pháp chuyên sâu khác nhau, đối mỗi giai đoạn, một phương pháp đánh thuế khác nhau được sử dụng để tối đa hóa hiệu quả nguồn lực mong muốn.

Theo đó, Việt Nam nên cân nhắc cách tiếp cận trong xây dựng chính sách thuế đối với KTTH trong 3 vòng đời sản phẩm theo khung của Liên minh châu Âu (EU), tính đến đặc điểm, trình độ phát triển và các điều kiện nội tại của Việt Nam, ông Lê Xuân Sang chia sẻ.

Tại Hội thảo, ông Trịnh Đức Chiều, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương cũng khẳng định, nền KTTH nói chung, trong đó kinh doanh theo hướng tuần hoàn nói riêng gần đây đang nổi lên như là một trong những giải pháp trọng tâm để phát triển bền vững khu vực kinh doanh. Để phát triển thành công nền kinh tế theo hướng tuần hoàn, tổ chức kinh doanh đóng vai trò nòng cốt, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với các cơ sở kinh doanh chuyển đổi sang mô hình kinh doanh tuần hoàn đóng vai trò rất quan trọng, trong đó chính sách tài chính được coi là trung tâm, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi.

Khẳng định chính sách tài chính có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển KTTH, PGS., TS. Nguyễn Thế Chinh, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường phân tích cụ thể, nhấn mạnh hơn vai trò của các nhóm giải pháp chính sách vĩ mô gồm: Chính sách thuế tài nguyên, thuế BVMT…; nhóm giải pháp chính sách vi mô gồm các cơ chế chính sách tài chính khuyến khích DN chuyển đổi sang mô hình kinh doanh tuần hoàn (đầu tư cơ sở hạ tầng, các chính sách hỗ trợ khác).

Chia sẻ

(102)