Mô hình nông nghiệp tuần hoàn Nấm-Bò-Vịt-Lúa-Điện tại HG Farm Hậu Giang

Nông nghiệp tuần hoàn muốn thành công thì cần phải áp dụng khoa học-công nghệ-và-toán học; hay nói cách khác, chuyên nghiệp hóa nông nghiệp thì mới tạo được dòng năng lượng và dòng vật chất trong trang trại một cách liên tục.

Mô hình nông nghiệp tuần hoàn Nấm-Bò-Vịt-Lúa-Điện trên vùng đất nhiễm phèn ở Hậu Giang của Công ty TNHH MTV HG FARM (HGF) là một ví dụ điển hình trong việc tối ưu hóa các dòng nguyên liệu, mang lại lợi ích về môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và lợi ích về kinh tế.

Hình 1: HG FARM nông nghiệp tuần hoàn: Nấm-Bò-Vịt-Lúa-Điện trên đất phèn Hậu Giang

Chú thích:

  • Màu xanh lá cây: sản phẩm chính;
  • Màu vàng: phụ phẩm;
  • Mũi tên màu đen: tiếp cận theo cách thông thường;
  • Mũi tên màu đỏ: ứng dụng khoa học chuyển hóa chất thải.

Giới thiệu về các chuỗi sản phẩm tại HG Farm:

  1. Chuỗi sản phẩm Nấm:

– Mục tiêu: sản xuất và thương mại nấm bào ngư cho thị trường Cần Thơ

– Đầu vào: hiện tại trang trại HGF chưa sản xuất phôi mà phải nhập phôi từ nhà cung cấp địa phương và HGF sử dụng nguồn nước giếng và/hoặc nước mưa để kích thích nấm phát triển.

– Đầu ra gồm 04 sản phẩm:

(1) Nấm bào ngư tươi cho người,

(2) Men chua nấm bào ngư cho gia súc

(3) Thức ăn gia cầm và

(4) Đệm lót sinh học

– Tối ưu hóa dòng nguyên liệu trong chuỗi sản xuất nấm bào ngư: Sản phẩm nấm không đạt yêu cầu của thị trường thì được HGF chuyển hóa thành men chua nấm bào ngư cho gia súc & thức ăn gia cầm cho vịt. Không chỉ vậy, phôi thải sẽ được dùng để làm đệm lót sinh học.

  1. Chuỗi sản phẩm Bò:

– Mục tiêu: nuôi bò F1 để sinh sản ra bê F2 để thương mại và sử dụng phân bò tươi để canh tác tuần hoàn khép kín

– Đầu vào: ba giống bò (i.e., Lai Sind, Kem Pháp và Angus) được mua tại địa phương và nguồn cỏ thì được tận dụng những bãi đất hoang ở địa phương trước, song song đó thì cũng sử dụng cỏ vôi mà HGF trồng bằng những loại phân bón của HGF (e.g., phân bò tươi, phân trùn quế và phân đệm lót sinh học) trong khuôn viên của trang trại.

– Đầu ra gồm 04 sản phẩm:

(1) Phân bò tươi

(2) Phân đệm lót

(3) Bê F2.

– Tối ưu hóa dòng nguyên liệu trong chuỗi nuôi bò sinh sản: Phân bò tươi thì được chuyển hóa thành i. phân trùn quế và ii. thức ăn gia cầm; song song đó, nước tiểu bò sẽ chuyển hóa phôi thải khi trồng nấm bào ngư thành phân đệm lót. Cuối cùng, những phần sinh khối/biomass mà bò ăn không hết thì sẽ được sử dụng làm phân ủ/ compost.

  1. Chuỗi sản phẩm Vịt:

– Mục tiêu: vịt đực thì sẽ được bán thịt và giữ lại vịt cái để thu trứng vịt.

– Đầu vào: ba giống vịt (i.e., Xiêm, Hòa Lan và CV) được mua tại lò ấp ở địa phương trong hai tuần đầu khi úm vịt thì sử dụng thức ăn công nghiệp (i.e., Con Cò C662) và giai đoạn sau thì chủ yếu sử dụng thức ăn gia cầm lên men từ nấm bào ngư và phân bò tươi.

– Đầu ra gồm 03 sản phẩm:

(1) Trứng vịt

(2) Phân đệm lót

(3) Thịt vịt đực.

– Tối ưu hóa dòng nguyên liệu trong chuỗi nuôi vịt đệm lót: Phân vịt được chuyển hóa thành phân đệm lót và phân bón hữu cơ trên ruộng lúa. Năng lượng vịt sẽ được dùng để đi đồng; hay nói cách khác, vịt sẽ bắt sâu/bướm, ốc và bọ rầy.

  1. Chuỗi sản phẩm Lúa:

– Mục tiêu: sản xuất và thương mại lúa thuận thiên theo mô hình lúa-vịt

– Đầu vào, đầu ra: giống lúa ST25 được mua từ Sóc Trăng và sử dụng nước mưa thu từ 03 MW điện mặt trời áp mái của HGF. Đầu ra gồm 03 sản phẩm: i. gạo ST25; ii. rơm & iii. cám.

– Tối ưu hóa dòng nguyên liệu trong chuỗi nuôi lúa thuận thiên: Ruộng lúa được thiên địch là vịt bảo vệ cũng như nguồn nước ngọt là nước mưa được tận dụng tối đa mà không cần sử dụng máy bơm nước từ sông/rạch vào. Canh tác lúa theo hướng thuận thiên; hay nói cách khác, chỉ có phân vịt là hiện diện trên ruộng lúa HGF.

Giá trị (benefits) cả chuỗi từ tuần hoàn nguyên liệu và năng lượng: không có nguyên liệu hữu cơ nào bị bỏ quên trong trang trại HGF. Ưu tiên chuyển hóa thành thức ăn chăn nuôi sau đó mới làm phân bón để tối ưu hóa năng lượng trong sinh khối. Tương tự, nhân công vận hành toàn trang trại tuần hoàn khép kín chỉ với 02 biên chế (i.e., chủ nhiệm và vận hành viên).

Bên cạnh đó, mô hình Nấm-Bò-Vịt-Lúa-Điện giúp cho HGF tiết kiệm chi phí đầu vào từ năng lượng xanh đến vật tư nông nghiệp hữu cơ. ‘Sáng rau chiều rác’ là sự thật đau lòng trong chuỗi sản xuất nông nghiệp-và-thực phẩm ở Đồng bằng sông Cửu Long. Sản phẩm nấm không đạt yêu cầu của thị trường thì được HGF chuyển hóa thành men sinh học để giúp kích thích hệ tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch của bò và vịt. Do đó, HGF vừa không tốn chi phí để mua thuốc thú y, ngoài vaccine, vừa tiết kiệm chi phí cơ hội trong chăn nuôi. Ngoài ra, việc chuyển hóa phân bò thành thức ăn gia cầm đã tiết kiệm đáng kể nguồn thức ăn công nghiệp cho HGF. Sau cùng, vịt nuôi trên ruộng lúa đã giúp HGF không cần sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt ốc lẫn phân bón.

Ở HG Farm, thay vì sử dụng phân bò sẽ dùng để nuôi trùn quế và sau đó sử dụng trùn quế để nuôi gia cầm cũng như phân trùn sẽ bón cho cây trồng. HGF sẽ kết hợp phân bò tươi cùng men tiêu hóa được lên men từ nấm bào ngư không đẹp để tạo thành thức ăn gia cầm. Song song đó, phân bò cùng nước tiểu bò thấm trên đệm lót sinh học cấu thành chủ yếu từ phôi nấm bào ngư sẽ được dùng để nuôi trùn quế. Khi đã chủ động được nguồn vật tư nông nghiệp nội tại như thức ăn và phân bón, thì việc canh tác tuần hoàn khép kín tại HGF diễn ra trơn tru mà không phát thải, không chất thải, không mùi hôi và không bị biến động theo thị trường ‘được mùa mất giá, được giá thì mất mùa’. Vịt của HGF sẽ trưởng thành cùng thức ăn lên men từ phân bò tươi với giá thành chỉ bằng một phần ba thức ăn công nghiệp và phân vịt cùng giá thể đệm lót sẽ bón cho ruộng lúa thuận thiên. Sau khi thu hoạch lúa thì rơm và cám sẽ quay lại làm thức ăn cho bò sinh sản cũng như làm giá thể nấm bào ngư. Tương tự, bò sẽ tiêu thụ phần sinh khối khi trồng rau-củ-quả nhiệt đới.

Hình 2: Phôi nấm bào ngư

– Lượng phôi (Phôi là giá thể để quả thể nấm bào ngư phát triển. Phôi mà HGF sử dụng cấu thành chủ yếu là mạt cưa từ cây cao su) để làm đệm lót bò có độ dày 30 cm trong 65 m2: 20.000 phôi;

– Lượng phôi để làm đệm lót vịt có độ dày 03 cm trong 36 m2: 200 phôi;
– Lượng phân đệm lót sản xuất mỗi ngày từ nước tiểu của 10 bò: 200 kg;
– Mỗi bò tiêu thụ: 15 kg thức ăn ủ chua hay 25 kg thức ăn xanh cho ra 09 kg hay 18 kg phân tươi, tương ứng;
– Để có 100 nấm đẹp thương mại thì đồng nghĩa với việc chuyển hóa 30 kg nấm xấu thành men chua bào ngư;
– Kinh tế: từ những phụ phẩm trong trồng nấm và chăn nuôi bò, HGF chuyển hóa phụ phẩm thành thức ăn gia cầm có giá thành chỉ bằng 35% so với thức ăn công nghiệp;
– Môi trường: men chua từ nấm bào ngư giúp bò tiêu hóa tốt hơn, từ đó hạn chế sinh ra khí mê-tan (CH4) góp phần giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu. HGF tận dụng tối đa nguồn nước mưa thu từ mái pin mặt trời để dùng cho nông nghiệp;

– Xã hội: đội kỹ sư trẻ cùng với cách canh tác không bỏ bất cứ thứ gì trong nông nghiệp đã và đang tiếp lửa cho vùng nông thôn tại Hậu Giang hay ĐBSCL;

Tóm lại, HGF xây dựng trang trại khép kín theo tiêu chí: Không chất thải, không nước thải, không khí thải, không ruồi-muỗi-gián và không có nhân sự tiêu cực.

Nông nghiệp tuần hoàn muốn thành công thì cần phải áp dụng khoa học-công nghệ-và-toán học; hay nói cách khác, chuyên nghiệp hóa nông nghiệp thì mới tạo được dòng năng lượng và dòng vật chất trong trang trại một cách liên tục. Do đó, chuyên nghiệp hóa đã giúp HGF phát triển chuỗi canh tác, nâng cao sản lượng, giảm thất thoát năng lượng và hạn chế chất thải. Tóm lại, nông nghiệp tuần hoàn đã thực sự giúp HGF đa dạng hóa hay cung cấp nhiều loại sản phẩm cho người tiêu dùng cũng như giải phóng các nguồn lực về đất nhiễm phèn và lao động nông thôn.

BẠN MUỐN GIỚI THIỆU MỘT NGHIÊN CỨU ĐIỂN HÌNH?

CHIA SẺ MÔ HÌNH

(542)