Là đơn vị điều phối Sáng kiến Thu mua có trách nhiệm (RSI) khởi xướng bởi The Circulate Initiative tại Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã tham gia một hội nghị kéo dài ba ngày tại Bogor, Indonesia, từ ngày 18 đến 20 tháng 3 năm 2025. Sự kiện cung cấp cập nhật tiến triển các dự án triển khai Khung hành động Thu mua có trách nhiệm Hài hòa tại 4 quốc gia trên thế giới: Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia và Kenya.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận sâu rộng về các chủ đề liên quan đến thực hành cung ứng có trách nhiệm, lồng ghép các vấn đề quyền của người lao động vào hoạt động tái chế nhựa một cách công bằng, hiệu quả và tuân thủ pháp luật, nhất là trong bối cảnh các quy định pháp lý ngày càng chặt chẽ. Hội nghị thu hút khoảng 100 đại biểu, bao gồm đại diện từ các công ty tái chế, lãnh đạo các nhóm lao động thu gom rác thải, và các tổ chức liên minh đang thực hiện dự án thí điểm tại bốn quốc gia.
Các đại biểu cũng đã có chuyến thăm thực tế chuỗi cung ứng của công ty tái chế Amandina Bumi Nusantara tại Jakarta để tìm hiểu về thực hành kiểm định và xác minh tuân thủ quy định kinh doanh trong chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, đoàn cũng đến thăm một ngân hàng rác địa phương – mô hình xử lý rác thải dựa vào cộng đồng tại các vùng nông thôn không có lưới điện và thiếu hệ thống thu gom, xử lý chính thức. Mô hình này đã được thể chế hóa trong luật pháp Indonesia.
(Chú thích ảnh: Một đại diện từ đơn vị tái chế Amandina Bumi Nusantara đang giải thích quy trình sản xuất của cơ sở)
Đại diện từ UNDP Việt Nam đã trình bày kết quả đánh giá ban đầu của RSI tại Việt Nam, tập trung vào chuỗi cung ứng của Duy Tân Recycling. Đánh giá đã xác định một số điểm mạnh. Đáng chú ý, hầu hết người lao động đã làm việc trong lĩnh vực này nhiều năm và bày tỏ mong muốn tiếp tục sự nghiệp này. Hơn nữa, các đơn vị thu gom chất thải lớn trong chuỗi cung ứng đã thể hiện sự tuân thủ các quy định pháp luật địa phương về giờ làm việc. Tuy nhiên, nhiều thách thức hiện hữu vẫn còn tồn tại, đặc biệt là trong khía cạnh kinh tế. Biến động giá cả thị trường đặt ra một trở ngại đáng kể đối với việc định giá thu mua phế liệu một cách công bằng, minh bạch, dẫn đến tình trang bất ổn về thu nhập cho người lao động phi chính thức và nguồn cung trong tình trạng không ổn định. Việc thiếu sự công nhận chính thức khối phi chính thức cũng hạn chế sự hỗ trợ. Ví dụ như it chương trình cho vay lãi suất thấp cho các đơn vị thu gom lớn, các vựa ve chai và người lao động thu gom chất thải phi chính thức, hạn chế cơ hội mở rộng kinh doanh của họ.
(Chú thích ảnh: Ông Hoàng Thành Vĩnh, UNDP Việt Nam đang trình bày về đánh giá ban đầu trong dự án tại Việt Nam)
Để giải quyết vấn đề này, UNDP đang vận động thay thế thuật ngữ ‘lao động tự do trong lĩnh vực chất thải rắn’ (freelance waste workers)’ cho ‘lao động phi chính thức trong lĩnh vực chất thải rắn’ (informal waste workers). Tại Việt Nam, ‘lao động tự do’ chiếm 65% nền kinh tế quốc gia (Tổng cục Thống kê, 2024) và được công nhận trong Bộ luật Lao động. Điều chỉnh thuật ngữ phù hợp với khuôn khổ chính trị và pháp lý của quốc gia sẽ giúp tăng cường sự công nhận của chính phủ, tạo điều kiện cho khối phi chính thức trong lĩnh vực chất thải rắn cải thiện khả năng tiếp cận đến các chính sách hỗ trợ.
Ngoài ra, UNDP đang tích cực làm việc để giúp lao động phi chính thức và chủ vựa phế liệu tiếp cận các khoản vay với lãi suất ưu đãi thông qua cách tiếp cận chuỗi giá trị: đảm bảo bao tiêu đầu ra sản phẩm của từng đơn vị trong chuỗi và thúc đẩy lòng tin và mối quan hệ bạn hàng – một yếu tố tối quan trọng trong mua bán phế liệu nhựa.
Sự kiện cũng thảo luận về các cơ chế tài chính tiềm năng để hỗ trợ thực hành cung ứng có trách nhiệm cho các nhà tái chế, chẳng hạn như thông qua cơ chế Trách nhiệm Mở rộng của Nhà sản xuất (EPR). Sự kiện cũng trình bày một nghiên cứu điển hình tích hợp lao động phi chính thức vào EPR. Tại Nam Phi, Hệ thống Đăng ký Lao động phi chính thức được thành lập để định danh và công nhận những người lao động thu gom chất thải phi chính thức, cung cấp cho họ sự hỗ trợ thông qua nguồn lực tài chính từ EPR và giải quyết vấn đề quan trọng về truy xuất nguồn gốc trong tìm nguồn cung ứng có trách nhiệm.
Ngành tái chế nhựa có thu hút nhiều cơ hội đầu tư, nhưng cũng đối mặt với những thách thức đáng kể. Tính thời vụ và thiếu minh bạch giá cả nguồn phế liệu dẫn đến biến động giá cả và nguồn cung không ổn định. Trong khi đó, bản thân ngành tái chế trên thế giới đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ kỳ vọng của người tiêu dùng và yêu cầu chặt chẽ hơn về trách nhiệm xã hội (như Chỉ thị về Thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp – Corporate Sustainability Due Diligence Directive). Thông qua các sáng kiến như RSI, các bên liên quan có thể cùng nhau phát triển các mô hình đầu tư và kinh doanh tích hợp tìm nguồn cung ứng có trách nhiệm, cải thiện quyền lao động cho người lao động thu gom chất thải phi chính thức, và chia sẻ rủi ro cũng như lợi ích trên toàn bộ chuỗi giá trị nhựa.