Tọa đàm về tuần hoàn nước thải tại nhà máy bia Sài Gòn – Phủ Lý

“Nước thải sau khi được xử lý đạt tiêu chuẩn rồi đưa ra bên ngoài môi trường thì rất lãng phí, trong khi với công nghệ hiện tại chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng lượng nước này để tái sản xuất”, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh khẳng định. 

Tọa đàm về tuần hoàn nước thải tại Nhà máy Bia Sài Gòn - Phủ Lý - Ảnh 1
Đoàn cán bộ, chuyên gia của Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam) tham quan Nhà máy Bia Sài Gòn – Phủ Lý. 

Ngày 3/11, đoàn cán bộ, chuyên gia của Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam) đã có chuyến thăm quan và làm việc tại Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn – Phủ Lý. 

Tham dự buổi làm việc có PGS.TS Nguyễn Thế Chinh – Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường; ông Nguyễn Tường Quân – Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường; Luật sư Hà Huy Phong – Trưởng Ban Pháp chế Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường; ông Lê Huy Huấn – Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc Dân; ông Đinh Quang Hải – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn – Phủ Lý… 

Tại buổi làm việc, Ban lãnh đạo Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn – Phủ Lý và đoàn công tác của Viện Chính sách Kinh tế Môi trường đã tập trung thảo luận về mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) nói chung và tuần hoàn nước thải tại Nhà máy bia Sài Gòn – Phủ Lý nói riêng. 

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, KTTH là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Đây là mô hình kinh tế trong đó đặc biệt chú trọng đến quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải. 

KTTH vận hành như một chu trình khép kín, trong đó tận dụng tất cả những gì phát sinh trong quá trình sản xuất thông qua phân loại, tái sử dụng, tái chế… Đây là một mô hình ưu việt, loại bỏ việc tạo ra rác thải, do đó mục tiêu xa hơn là phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững. 

“Cùng với kinh tế xanh, kinh tế phát thải carbon thấp, mô hình KTTH được coi là chìa khóa để giải quyết yêu cầu về sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững, hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường. Chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế phát triển tất yếu, một cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp”, ông Chinh nhấn mạnh. 

Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường đánh giá cao mô hình sản xuất của Nhà máy bia Sài Gòn – Phủ Lý. Nhà máy sử dụng công nghệ tiên tiến, dây chuyền sản xuất tự động hóa cao. Đặc biệt, chất thải tại nhà máy có thể sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, có một vấn đề ông trăn trở, đó là nước thải sau khi được xử lý đạt tiêu chuẩn lại không được tận dụng triệt để. 

Tọa đàm về tuần hoàn nước thải tại Nhà máy Bia Sài Gòn - Phủ Lý - Ảnh 5

Đoàn công tác tham quan khu vực sản xuất bia. 

“Nước thải sau khi được xử lý đạt tiêu chuẩn rồi đưa ra bên ngoài môi trường thì rất lãng phí, trong khi với công nghệ hiện tại chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng lượng nước này để tái sản xuất. Nếu làm được điều này, nhà máy sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn, bởi sản xuất bia là ngành sản xuất sử dụng rất nhiều nước”, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh đặt vấn đề. 

Tiếp thu và trân trọng những ý kiến đóng góp của các chuyên gia Viện Chính sách Kinh tế Môi trường, ông Đinh Quang Hải – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn – Phủ Lý bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia, để có thể xây dựng mô hình tuần hoàn nước thải tại Nhà máy. 

Theo ông Hải, Nhà máy Bia Sài Gòn – Phủ Lý luôn tập trung đổi mới công nghệ để có thể nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, Nhà máy cũng rất chú trọng đến vấn đề về môi trường, toàn bộ nước thải đều được xử lý đạt tiêu chuẩn. 

Cùng chung nỗi niềm trăn trở với PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, lãnh đạo Nhà máy Bia Sài Gòn – Phủ Lý mong rằng, lượng nước thải sau khi xử lý có thể dùng để tái sản xuất. Điều này sẽ giúp Nhà máy tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn, qua đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. 

“Chi phí dành cho nước phục vụ sản xuất và xử lý nước thải của Nhà máy đang ở mức cao. Công ty đang có kế hoạch nâng công suất của Nhà máy lên 300 triệu lít/năm, điều đó đồng nghĩa với việc phần chi phí này sẽ tiếp tục tăng cao. Nếu có thể xây dựng mô hình tuần hoàn nước thải tại Nhà máy với mức chi phí hợp lý thì đây có thể coi là bước ngoặt lớn…”, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn – Phủ Lý bày tỏ. 

Tọa đàm về tuần hoàn nước thải tại Nhà máy Bia Sài Gòn - Phủ Lý - Ảnh 9

Lắng nghe và chia sẻ với những trăn trở của lãnh đạo Nhà máy Bia Sài Gòn – Phủ Lý, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh cùng các chuyên gia của Viện Chính sách Kinh tế Môi trường khẳng định, sẽ nghiên cứu và đưa ra những phương án phù hợp để hỗ trợ Nhà máy xây dựng mô hình tuần hoàn nước thải. 

Trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ và huấn luyện sau đào tạo về Kinh tế tuần hoàn do Viện chính sách Kinh tế môi trường thực hiện, với sự hỗ trợ và tài trợ từ UNDP, Đại học Khoa học ứng dụng Saxion, ngày 3/11, đoàn cán bộ, chuyên gia của Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam) đã có chuyến thăm quan và làm việc tại Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn – Phủ Lý. 

Tin và ảnh: Tạp chí Kinh tế Môi trường 

Chia sẻ

(25)