Kinh nghiệm trong Quản lý rác thải hướng đến nền kinh tế tuần hoàn

15/12/2021 Online

CÁCH TIẾP CẬN MỚI TRONG PHÁT TRIỂN, GIẢI QUYẾT ÁP LỰC RÁC THẢI
Sự phát triển kinh tế xã hội, đô thị hóa, công nghiệp hóa mạnh mẽ đang tạo ra áp lực gia tăng chất thải. Việc xử lý chất thải ở Việt Nam là vấn đề nan giải so với yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là chất thải rắn. Phần lớn chất thải ở Việt Nam hiện nay được xử lý theo hình thức chôn lấp và chưa được phân loại tại nguồn, trong đó, thành phần chất thải lại rất đa dạng, có những loại có thể tái chế…Cụ thể, tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt vẫn chiếm tỷ trọng cao, khoảng 70% so với các biện pháp khác.

Nói về thực trạng này, ông Lại Văn Mạnh, Trưởng ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, theo số liệu năm 2019, lượng rác thải phát sinh bình quân đầu người khoảng hơn 1kg và xu hướng này tiếp tục gia tăng mạnh, đặc biệt ở những vùng có điều kiện kinh tế, công nghiệp phát triển mạnh.

Chất thải rắn đô thị của Việt Nam dự báo đạt 54 triệu tấn vào năm 2030 (tăng 73% so với 2018). Trong đó, thành phần chất thải chính là các nguyên liệu hữu cơ và chất thải vô cơ.

Thực tế này đã đặt ra bài toán giải quyết việc xử lý rác thải để chất thải không còn gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường và bức xúc xã hội. Mục tiêu hướng đến là chất thải rắn trở thành nguyên liệu đầu vào cho hoạt động kinh tế.

Theo các chuyên gia, nếu không thay đổi mô hình tăng trưởng, thay đổi phương pháp để giải quyết vấn đề phát triển kinh tế với môi trường thì Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều vấn đề, đặc biệt là áp lực đất đai cho xử lý chất thải và an ninh môi trường… trong phát triển.

Đó chính là động lực để Việt Nam lựa chọn thực hiện kinh tế tuần hoàn. Qua quá trình thực tiễn ở các nước và Việt Nam, cách tiếp cận hiệu quả nhất là khuyến khích sử dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thay cho mô hình kinh tế tuyến tính để giải quyết vấn đề chất thải.

Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường nhấn mạnh, đây là cách tiếp cận thay thế cho mô hình kinh tế tuyến tính được Liên hợp quốc và nhiều tổ chức trên thế giới đánh giá là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và ô nhiễm môi trường.

(PGS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng ISPONRE)

Theo đó, kinh tế tuần hoàn không chỉ là tái tuần hoàn chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. Từ đó, kinh tế tuần hoàn giúp giảm thiểu khai thác tài nguyên, hạn chế chất thải ra môi trường nhưng vẫn thúc đẩy việc phát triển kinh tế. Ông Thọ cho rằng, so với kinh tế tuyến tính truyền thống, mô hình kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích đối với quốc gia, cộng đồng và doanh nghiệp.

BƯỚC ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TUẦN HOÀN
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định việc khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất.

Đặc biệt, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã có điều khoản riêng quy định về kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó còn có nhiều quy định liên quan về vấn đề này như phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn; tính giá thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng, thể tích; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu và tái chế, tái sử dụng chất thải…

Ông Thọ thông tin, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường trong đó có quy định cụ thể tiêu chí, lộ trình, cơ chế khuyến khích áp dụng kinh tế tuần hoàn; kế hoạch quốc gia về kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Có thể thấy, kinh tế tuần hoàn đã xuất hiện và dần phổ biến trong các văn bản định hướng chỉ đạo của Việt Nam. Ông Mạnh cho biết, trong Luật bảo vệ môi trường, kinh tế tuần hoàn được xác định là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng, dịch vụ hướng đến giảm thiểu khai thác nguyên nhiên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm chất thải phát sinh, tối thiểu tác động xấu tới môi trường. Luật cũng quy định trách nhiệm của các Bộ và địa phương việc tích hợp kinh tế tuần hoàn trong các chiếc lược quy hoạch, kế hoạch phát triển, việc quản lý chất thải, tái chế chất thải…

Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp khai thác sử dụng nguyên nhiên vật liệu để giảm chất thải, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng chất thải ngay từ quá trình xây dựng dự án, tổ chức sản xuất, phân phối sản phẩm, tiêu dùng. Ngoài điều khoản quy định về kinh tế tuần hoàn, Luật bảo vệ môi trường cũng có các công cụ chính sách khác để thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Ông Mạnh khẳng định, tất cả các chính sách đều hướng đến mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi sang hành vi xanh, thân thiện môi trường, tái chế, tái sử dụng chất thải trong nền kinh tế…

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc đưa khái niệm “kinh tế tuần hoàn” vào Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi là một trong những bước đột phá trong chính sách môi trường của Việt Nam. Tuy nhiên, để hiện thực hóa và chuyển đổi nền kinh tế tuyến tính thành nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ cho phép tất cả các thành phần của nền kinh tế áp dụng mô hình trong thiết kế, sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ, tiêu dùng cũng như xử lý chất thải.

(Các đại biểu tham dự Hội thảo trực tuyến)

Chia sẻ về tổng quan các điều luật cơ bản về môi trường để thành lập xã hội tuần hoàn dựa vào tái chế, ông Takashi Togi, Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết, Nhật Bản có 2 luật lớn là Luật về môi trường, trong đó có xây dựng một xã hội tuần hoàn vật chất bền vững. Một trong những nguyên tắc quan trọng để xây dựng xã hội tuần hoàn vật chất là giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế rác thải.

Hiện nay nhiều tổ chức, quốc gia áp dụng kinh tế tuần hoàn, đưa ra các nội dung phù hợp với bối cảnh của mình. Nhật Bản đang tham gia vào liên minh toàn cầu về kinh tế tuần hoàn và hiệu quả tài nguyên trong đó có 16 quốc gia…

Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam hy vọng những kinh nghiệm của Nhật Bản về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, thông qua tăng cường hợp tác của chính quyền trung ương với địa phương, tăng cường quan hệ đối tác hiệu quả với khu vực tư nhân và thu hút người tiêu dùng, sẽ giúp ích Việt Nam trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách kinh tế tuần hoàn.

Chia sẻ

(41)