Hội thảo Đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm phát triển kinh tế – xã hội

15/06/2021 Offline

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát nhấn mạnh quy hoạch sử dụng đất phải đảm bảo không gian phát triển và giải quyết những vấn đề cấp bách đối với đầu tư vào giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, và cải cách hành chính công, thuận lợi hóa thương mại và điều kiện kinh doanh để thu hút đầu tư, thương mại từ cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển nền kinh tế tuần hoàn đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết Việt Nam còn đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu: từ 2015 chúng ta đã trở thành nước nhập khẩu than đá, hiệu quả sử dụng tài nguyên nước còn thấp so với thế giới và khu vực, lượng phát thải ngày càng gia tăng (70 nghìn tấn mỗi ngày), ô nhiễm môi trường phức tạp, một số ngành được coi có khả năng tái chế cao vẫn còn nhiều hạn chế… Bên cạnh đó, quy hoạch trong sử dụng đất vẫn còn nhiều tồn tại như quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn, hạ tầng kinh tế – xã hội chưa được xem xét đồng bộ. Việc bố trí đất đai cho các khu công nghiệp nhiều nơi còn chưa hợp lý, việc phát triển nhanh các khu công nghiệp ở một số địa phương trong thời gian qua đã tạo sức ép đối với môi trường, hạ tầng xã hội phục vụ công nhân khu công nghiệp. Quy hoạch một số khu công nghiệp sử dụng nhiều đất canh tác tại khu vực đồng bằng, nhưng đến nay vẫn chưa kêu gọi được nhà đầu tư đồng thời thiếu quy mô liên vùng, liên tỉnh…

Nhiều ý kiến cho rằng nên tham khảo kinh nghiệm quy hoạch phát triển của các nước phát triển, vừa kiên định mục tiêu phát triển, vừa có lộ trình thực hiện quy hoạch khả thi, kết hợp xây dựng đô thị mới với chỉnh trang tái thiết đô thị cũ theo từng giai đoạn, vừa giải quyết nhà ở cho tuyệt đại đa số người dân, nhất là trên cơ sở quy hoạch đã thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Quy hoạch sử dụng đất quốc gia tới năm 2030, tầm nhìn 2050 phải đảm bảo thích ứng, giải quyết các thách thức hiện tại và tương lai như các vấn đề về tương tự đại dịch Covid-19, bệnh dịch, suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, cùng với các hiện tượng thiên tai cực đoan xảy ra gần đây, đặc biệt là hạn hán, cháy rừng, lũ lụt, sụt lún, sạt lở đất, xâm nhập mặn, băng tan và tăng nhiệt độ trái đất.

Nguồn: An Bình, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường.

Chia sẻ

(9)