Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi của Tập đoàn T&T

Ngành chăn nuôi của tỉnh đang chuyển biến tích cực, từ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang chăn nuôi tập trung, quy mô trang trại, gia trại; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được hình thành và hoạt động hiệu quả. Song, chưa đảm bảo các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường; ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất chăn nuôi còn chậm, chưa đồng bộ; thị trường tiêu thụ không ổn định… Để khắc phục những hạn chế trên, tỉnh đang đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi.

Công ty CP chăn nuôi T&T 159 là doanh nghiệp tiên phong phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi của tỉnh.

Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhấn mạnh: Những năm qua, tái cơ cấu ngành chăn nuôi không chỉ phát triển về số lượng, đảm bảo về chất lượng mà còn đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là chăn nuôi an toàn sinh học. Cùng với đó là sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, đi đầu là Công ty CP chăn nuôi T&T 159 với chuỗi chăn nuôi trang trại lớn. Ngành chăn nuôi của tỉnh đã ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua xây dựng hầm khí biogas, sử dụng đệm lót sinh học, chăn nuôi khép kín. Qua đó, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện, Sở NN&PTNT chỉ đạo các địa phương mở rộng diện tích trồng ngô sinh khối với sự liên kết của nhiều doanh nghiệp để phục vụ chăn nuôi gia súc quy mô lớn.

Công ty CP chăn nuôi T&T 159 là doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh vận dụng sáng tạo các nguyên tắc cơ bản trong nền kinh tế tuần hoàn. Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT công ty chia sẻ: Công ty thực hiện các mô hình: Khu liên hợp, tự thu gom phế liệu, phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi gia súc. Tổ chức chăn nuôi tập trung và chăn nuôi liên kết, sản xuất đệm sinh học làm nền chuồng trại để xử lý phế thải trong chăn nuôi. Xử lý triệt để các ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng trong việc làm cân bằng hệ sinh thái tự nhiên. Quy mô chăn nuôi tập trung của công ty khoảng trên 5.000 con trâu, bò trong mỗi khu trang trại. Hàng năm, khu trang trại, khu liên hợp sản xuất sử dụng 30.000 tấn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, sản xuất 25.000 tấn phân bón hữu cơ vi sinh. Có được kết quả trên là nhờ vào việc ứng dụng công nghệ cao để sản xuất.

Theo thống kê của Sở NN& PTNT, toàn tỉnh hiện có tổng đàn trâu khoảng 115.700 con, bò 85.900 con, lợn 431.410 con, gia cầm trên 7,8 triệu con… Có 3 trang trại chăn nuôi bò của Công ty CP chăn nuôi T&T 159 quy mô trên 5.000 con, 71 trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô từ 3000 – 4.000 con/chuồng/lứa, 41 trang trại chăn nuôi lợn lái, lợn hậu bị và lợn thịt quy mô từ 300 – 3.000 con… Với mục tiêu hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững, thân thiện với môi trường, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp nói chung. Các địa phương thực hiện quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, chăn nuôi khép kín, xây dựng hệ thống xử lý chất thải để sử dụng trong nông nghiệp.

Trên địa bàn tỉnh, việc sử dụng đệm lót sinh học và chế phẩm sinh học, xây dựng hầm khí sinh học (biogas) đã, đang được doanh nghiệp, trang trại, hộ dân áp dụng hiệu quả. Năm 2020, được sự hỗ trợ của Công ty CP chăn nuôi T&T 159 và Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện mô hình “Vỗ béo bò thịt và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học” tại xã Mỵ Hòa (Kim Bôi) và xã Thanh Sơn (Lương Sơn), quy mô 155 con. Mô hình giúp nông dân thực hiện tốt công đoạn vỗ béo gia súc lớn, xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi đại gia súc. Sau 3 tháng triển khai, khả năng tăng trung bình đạt 750,8g/con/ngày, vượt so với yêu cầu. Hiệu quả kinh tế tăng bình quân 13,7% so với chăn nuôi truyền thống.

Cùng với việc sử dụng đệm lót sinh học, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư vốn để xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi. Theo nhiều hộ chăn nuôi chia sẻ, chi phí xây dựng hầm khí biogas dao động khoảng 2 triệu đồng/m3 nên nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng có thể làm được. Hộ chăn nuôi sử dụng loại khí này để phục vụ cho cuộc sống thường ngày, tạo thành chất đốt mới thay thế cho các loại củi thông thường gây ô nhiễm môi trường.

Thời gian tới, để phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, ngành chuyên môn và các địa phương tiếp tục thực hiện các nghị quyết, đề án, kế hoạch của tỉnh về chăn nuôi. Ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác giống. Tổ chức quản lý sản xuất, phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi. Tăng cường quản lý Nhà nước ngành chăn nuôi và thú y, đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và kiểm soát môi trường trong chăn nuôi.

Nguồn: https://www.baohoabinh.com.vn/12/160279/Phat-trien-mo-hinh-kinh-te-tuan-hoan-tr111ng-chan-nuoi.htm

BẠN MUỐN GIỚI THIỆU MỘT NGHIÊN CỨU ĐIỂN HÌNH?

CHIA SẺ MÔ HÌNH

(432)