Mô hình kinh tế tuần hoàn của Heineken Việt Nam

Sở hữu 26 nhà máy trải dài từ Bắc vào Nam, đóng góp tới gần 1% GDP mỗi năm, Heineken là một trong những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất đang hoạt động tại Việt Nam.

Trong suốt quá trình hoạt động, bên cạnh mục tiêu lợi nhuận, phát triển bền vững luôn là trọng tâm được Heineken đặt lên hàng đầu, thể hiện qua báo cáo phát triển bền vững thường niên. Heineken cũng là doanh nghiệp nhiều năm giữ vững vị trí top 3 các doanh nghiệp phát triển bền vững của Việt Nam, theo đánh giá của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Bà Nguyễn Hiền Linh, chuyên gia điều hành phát triển bền vững tại Heineken Việt Nam cho biết, chiến lược phát triển bền vững của Heineken tập trung vào 3 khía cạnh, bao gồm thịnh vượng, con người và hành tinh. Thực hiện chiến lược phát triển bền vững đó không thể thiếu sự đóng góp từ mô hình kinh tế tuần hoàn.

Kinh tế tuần hoàn và mô hình “toàn thắng”

Nền kinh tế hiện nay đang được vận hành dựa trên mô hình tuyến tính, với đặc điểm là vòng đời sản phẩm được biểu diễn theo đường thẳng, từ quá trình khai thác, sản xuất, tiêu dùng cho đến thải bỏ.

Theo bà Linh, tại mỗi khâu của mô hình tuyến tính, chúng ta đều có thể tạo ra thay đổi để hướng tới chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, ví dụ như tận dụng các nguyên vật liệu thứ cấp ở giai đoạn khai thác hay thiết kế sản phẩm theo hướng dễ thu gom, phân loại và tái chế.

Ứng dụng tư duy đó, Heineken đã từng bước chuyển đổi hoạt động theo định hướng tuần hoàn. Đến nay, bà Linh cho biết, kinh tế tuần hoàn hiện diện ở Heineken từ khâu sản xuất tại nhà máy cho tới hoạt động trên văn phòng. Tinh thần tuần hoàn cũng được Heineken lan tỏa tới các nhà cung ứng, phân phối của công ty.

Cụ thể, tại nhà máy, phụ phẩm bã bia sau quá trình sản xuất được sử dụng để làm thức ăn cho gia súc. Nước thải cũng được xử lý triệt để, có thể dùng để tưới cây hoặc nuôi cá.

Đối với năng lượng sử dụng trong nhà máy, Heineken thành lập đơn vị thứ ba mua lại vỏ trấu, mùn cưa, xử lý để tạo ra nhiên liệu sinh khối.

Đối với các loại bao bì như vỏ lon, vỏ chai, nắp chai, két bia, Heineken tiến hành thu gom trực tiếp tại hàng quán, siêu thị để tiến hành tái chế, tái sử dụng. Riêng nắp chai được công ty thu gom, xử lý thành thép để xây những cây cầu tại các địa phương còn khó khăn như Tiền Giang, An Giang.

Mô hình Kinh tế Tuần hoàn RESOLVE của Heineken

Tại các văn phòng, đội ngũ cán bộ công nhân viên của Heineken cũng được quán triệt tư duy hạn chế xả thải, tích cực tái chế thông qua những chương trình nội bộ như cuộc thi trang trí cây thông từ vật liệu tái chế hay chương trình trao đổi, mua bán đồ cũ thu tiền từ thiện.

Tại các sự kiện được Heineken tổ chức, người tham dự được khuyến khích sử dụng bình nước cá nhân thay thế cho cốc nhựa dùng một lần. Những sản phẩm dùng cho sự kiện như mũ, áo được bọc trong các gói giấy tái chế thân thiện với môi trường thay cho túi nhựa, túi nilon.

Bà Linh cho biết, những chương trình, hoạt động hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn của Heineken đều tạo ra lợi ích “toàn thắng”, vừa bảo vệ môi trường, vừa giúp tiết giảm chi phí sản xuất, tạo ra hiệu ứng truyền thông hiệu quả, đồng thời cũng góp phần phục vụ và gia tăng sinh kế cho cộng đồng.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, Heineken Việt Nam tiến tới việc bù hoàn 100% nước sử dụng trong quá trình sản xuất, sử dụng 100% năng lượng tái tạo và 100% rác thải được tái chế, tái sử dụng hoặc xử lý đúng cách thay vì chôn lấp, thải bỏ ra môi trường.

“Những mục tiêu của Heineken Việt Nam đặt ra còn tham vọng hơn cả so với tập đoàn mẹ”, bà Linh nhấn mạnh.

BẠN MUỐN GIỚI THIỆU MỘT NGHIÊN CỨU ĐIỂN HÌNH?

CHIA SẺ MÔ HÌNH

(1602)