Hiệu quả kinh tế tuần hoàn của nông dân vùng biên Bình Phước

Từ những lần thất bại trong canh tác nông nghiệp, đặc biệt đối với cây hồ tiêu, người nông dân tại huyện biên giới Bù Đốp, tỉnh Bình Phước đã tìm ra “cái khôn” từ “cái khó”, đó là mô hình kinh tế tuần hoàn kết hợp chăn nuôi dê và trồng hồ tiêu.
Hieu qua kinh te tuan hoan cua nong dan vung bien Binh Phuoc hinh anh 1

Với đàn dê 40 con, hộ bà Trần Thị Lan, xã Tân Thành, huyện Bù Đốp có thể tận dụng nguồn thức ăn từ vườn trồng tiêu và phế phẩm nông nghiệp để nuôi dê; phân bón từ đàn dê đủ để bón lại cho vườn tiêu, giúp giảm nhiều chi phí. Ảnh: Sỹ Tuyên – TTXVN

Chăn nuôi dê – cứu cánh của nông dân

Hợp tác xã Dê thảo mộc Tân Thành, huyện biên giới Bù Đốp có 11 thành viên. Với đàn dê hơn 500 con, đây chính là nguồn thu nhập chính, là cứu cánh cho người nông dân trong bối cảnh hồ tiêu rớt giá khiến những hộ chuyên canh trồng tiêu thua lỗ kéo dài.

“Hộ nuôi ít thì 10 đến 15 con, hộ nhiều thì hơn trăm con dê. Nhờ thu nhập ổn định từ nuôi dê, các thành viên hợp tác xã là những nông hộ tại địa phương tiếp tục quay lại chăn sóc và canh tác cây tiêu. Lấy ngắn nuôi dài, đây là cứu cánh cho nông dân địa phương”, bà Nguyễn Thị Tám – Phó Giám đốc Hợp tác xã Dê thảo mộc Tân Thành, xã Tân Thành, huyện Bù Đốp chia sẻ.

Hieu qua kinh te tuan hoan cua nong dan vung bien Binh Phuoc hinh anh 2

Thức ăn chủ yếu của dê là phế phẩm nông nghiệp được băm nhuyễn bằng máy sau đó bỏ vào máng. Ảnh: Sỹ Tuyên

Với đàn dê hơn 40 con gồm dê thịt và dê nái, hộ bà Trần Thị Lan, ấp Tân Lập, xã Tân Thành, huyện Bù Đốp có thêm thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm. Ngoài ra, nguồn phân bón từ chăn nuôi dê dùng để bón cho vườn tiêu giúp giảm chi phí đầu vào và cây tiêu có thể phát triển khỏe mạnh hơn nhờ vào nguồn phân hữu cơ.

“Phần lớn thức ăn cho đàn dê được sử dụng từ những nguồn sẵn có trong rẫy như lá cây keo dậu trồng làm trụ tiêu, cỏ trồng trong vườn tiêu và cây ngô. Đối với lượng phân xanh thu được từ chăn nuôi dê lại mang ra bón cho vườn tiêu, giúp tiêu phát triển tốt và giảm chi phí phân bón”, bà Trần Thị Lan cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Tám, so với chăn nuôi lợn, gà và các loài gia súc khác, con dê dễ nuôi hơn do ít bệnh tật, tận dụng được nguồn thức ăn từ sản phẩm phụ nông nghiệp, cây cỏ sẵn có trong vườn và những phế phẩm nông nghiệp khác. Trong khi chăn nuôi những loài gia cầm, gia súc khác thì chi phí thức ăn công nghiệp rất lớn, giá cả lại bấp bênh.

Thực tế, thời gian qua ngoài tác động bởi dịch COVID-19, trên địa bàn nhiều diện tích trồng tiêu bị chết do sâu bệnh, giá tiêu xuống thấp. Trong bối cảnh đó, nông dân trên địa bàn tập trung phát triển chăn nuôi; trong đó chủ yếu là chăn nuôi dê. Thực tiễn đàn dê đang là cứu cánh cho người nông dân khi dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cây trồng bùng phát thời gian qua.

“Chăn nuôi dê từ chỗ là phương án thay thế khi dịch bệnh bùng phát, cây tiêu bị chết do sâu bệnh, đến nay chăn nuôi dê lại đưa lại kinh tế lớn cho người nông dân trên địa bàn”, ông Trần Văn Thành – Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp cho biết.

Nhân rộng “mô hình kinh tế tuần hoàn”

Bù Đốp là huyện biên giới thuần nông nghiệp, thu nhập của người dân phần lớn dựa vào trồng trọt và chăn nuôi.

Theo ông Trần Văn Thành, hiện nay đàn dê trên địa bàn huyện Bù Đốp khoảng 80.000 con. “Gần như hộ nông dân nào trên địa bàn huyện cũng chăn nuôi dê. Hộ nuôi ít thì 15 – 20 con, hộ nuôi nhiều có khoảng 1.000 con. Đến nay, nguồn thịt dê và dê giống của Bù Đốp đang cung cấp cho thị trường Đông Nam Bộ và nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước”, ông Thành cho biết.

Hieu qua kinh te tuan hoan cua nong dan vung bien Binh Phuoc hinh anh 3

Một dãy chuồng nuôi với hàng trăm con dê của một hộ dân xã Tân Thành, huyện Bù Đốp (Bình Phước). Ảnh: Sỹ Tuyên – TTXVN

Từ lợi thế trên, huyện Bù Đốp xác định tập trung nguồn lực để hỗ trợ người dân trên địa bàn phát triển mạnh ngành chăn nuôi dê, từ khâu giống, kiểm soát dịch bệnh, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cùng các đơn vị chức năng đang đẩy mạnh việc hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, nguồn giống, kiểm soát dịch bệnh và xây dựng các khu giết mổ tập trung để người chăn nuôi có điều kiện tăng đàn và dần xây dựng thương hiệu sản phẩm dê Bù Đốp.

Theo ông Thành, thực tiễn chăn nuôi trên địa bàn thời gian qua cho thấy con dê đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi, đặc biệt là thời gian dịch bệnh COVID-19 vừa qua. Trong khi ngành trồng trọt và chăn nuôi các loài gia súc, gia cầm khác gặp rất nhiều khó khăn thì chăn nuôi dê lại phát triển tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định, đồng thời giải quyết tốt việc làm cho người dân, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp cho biết, dê là loài vật bán hoang dã, rất dễ nuôi, ít bị bệnh. Bên cạnh, trong sản xuất nông nghiệp, khi những phế phẩm của ngành nông nghiệp nếu trước đây bị vứt bỏ gây lãng phí, thì nay việc chăn nuôi dê có thể tận dụng những phế phẩm này để làm thức ăn cho dê.

Việc chuyển đổi những diện tích cây trồng không phù hợp, diện tích cây trồng bị sâu bệnh chết để có thể trồng cỏ chăn nuôi dê. Đồng thời, từ việc tận dụng các phế thải nông nghiệp, nguồn phân từ chăn nuôi dê để đầu tư lại cho cây trồng, nhằm đối phó với giá vật tư nông nghiệp tăng, giúp người nông dân giảm chi phí đầu vào; từ đó có thể giảm giá thành trong sản xuất để tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm thịt dê. Đây là mô hình “kinh tế tuần hoàn” mà chính người nông dân chăn nuôi dê trên địa bàn huyện đang áp dụng – ông Trần Văn Thành chia sẻ.

Chăn nuôi dê cũng phù hợp với các đối tượng lao động tại địa phương, từ người lớn tuổi, người nghèo, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, kể cả những người yếu thế trong xã hội đều có thể phát triển chăn nuôi dê. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các cấp, các ngành, những hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, người yếu thế trên địa bàn huyện Bù Đốp hoàn toàn có thể thoát nghèo và vươn lên làm giàu thông qua việc chăn nuôi dê.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp cho biết, với thế mạnh và tốc độ phát triển đàn dê như hiện nay, ngành nông nghiệp cùng với người chăn nuôi ở địa phương đang từng bước xây dựng thương hiệu “dê Bù Đốp”, nhằm tạo sức cạnh tranh, để người tiêu dùng biết đến sản phẩm thịt dê Bình Phước nhiều hơn.

Tham khảo: Link

Tin và ảnh: Thông tấn xã Việt Nam

BẠN MUỐN GIỚI THIỆU MỘT NGHIÊN CỨU ĐIỂN HÌNH?

CHIA SẺ MÔ HÌNH

(227)