Đại diện đơn vị cho biết, khái niệm kinh tế tuần hoàn dùng cho mô hình: kéo dài tuổi thọ vật chất trong một vòng khép kín, tránh tạo ra phế thải gây tác động tiêu cực đến môi trường. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hiện SCG thực hiện kinh tế tuần hoàn trong ba ngành kinh doanh cốt lõi: xi măng – vật liệu xây dựng (Cement-Building Materials – CBM), hóa dầu (SCGC) và bao bì (SCGP). Trong từng ngành, SCG áp dụng ESG 4 Plus – mô hình mở rộng dựa trên chiến lược ESG (môi trường, xã hội, quản trị minh bạch). Kế hoạch này gồm bốn lộ trình: hướng đến phát thải ròng bằng không, phát triển xanh, giảm bất bình đẳng – thúc đẩy hợp tác và công bằng, minh bạch trong tất cả hoạt động.
Trong sản xuất xi măng – vật liệu xây dựng, tập đoàn ứng dụng công nghệ nhằm thu hồi và lưu trữ carbon. Mọi quy trình sản xuất tổng thể đều ưu tiên sử dụng nhiên liệu, vật liệu xanh. Kết quả tạo ra gồm dòng sản phẩm dán nhãn SCG Green Choice thân thiện với môi trường, đáp ứng tiêu chí tái chế hiệu quả, giảm 59.000 tấn tài nguyên thiên nhiên tiêu thụ mỗi năm.
Đơn vị công bố, hai cải tiến gồm hệ thống thu hồi khí thải và thay thế nguyên liệu clinker trong sản xuất xi măng bằng tro bay giúp giảm phát thải 115.000 tấn CO2 mỗi năm.
Đồng nhất với chiến lược trên, SCG cải tiến công nghệ và sản xuất hóa dầu bền vững. Hiện ngành hóa dầu của tập đoàn (SCG Chemicals – SCGC) hướng tới mục tiêu trở thành nhà cung cấp giải pháp polymer thân thiện với môi trường hàng đầu ASEAN; sản lượng một triệu tấn vào năm 2030. Hiện, dòng sản phẩm SCG Green Polymer giảm phát thải khí nhà kính khoảng 60.000 tấn CO2, theo công bố của tập đoàn.
Tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên tại Việt Nam thuộc Công ty TNHH Long Sơn (LSP), công ty thành viên của SCGC cũng thực hiện nhiều dự án xã hội. Nhiều năm qua, đơn vị cùng chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phân bổ 75 tỷ đồng cho các hoạt động xã hội trên địa bàn.
Chiến lược phát triển bền vững giúp SCG Packaging (SCGP) trở thành một trong những đơn vị cung cấp bao bì tiêu dùng đa quốc gia hàng đầu. SCGP từng bước thúc đẩy việc sử dụng năng lượng xanh tại 9 công ty thành viên, mở rộng lắp đặt hệ thống điện mặt trời trong năm nay. Hoạt động giúp khí thải nhà kính của ngành hàng này giảm 20.855 tấn CO2 mỗi năm.
Riêng việc ưu tiên sử dụng nhiên liệu sinh khối thay thế than trong sản xuất cũng giúp giảm khoảng 87.750 tấn CO2 mỗi năm. SCGP đồng thời tạo ra dòng bao bì mang tính bền vững khi có thể tái chế, phân hủy hữu cơ thân thiện với môi trường.
Tại Diễn đàn Kinh tế Tuần hoàn 2023 diễn ra vào ngày 16/11 tại Hà Nội, SCG mang đến nhiều sáng kiến ứng dụng xanh. Các hạng mục tại sự kiện như phướn dọc, bảng thông tin, phông nền tổng thể, phông chụp ảnh… thiết kế từ giấy và nhựa tái chế của các công ty thành viên SCGC, SCGP.