Kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp sinh thái

Khu công nghiệp sinh thái là các khu công nghiệp sử dụng tiết kiệm tài nguyên và hiệu quả chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh, hấp dẫn đầu tư và chống chịu với rủi ro.

Khu công nghiệp sinh thái đem lại các lợi ích đáng kể về kinh tế, xã hội và môi trường, đa dạng và đạt được tổng lợi ích lớn hơn lợi ích của từng doanh nghiệp, kể cả việc tạo công ăn việc làm cho người lao động. Công nghệ và mô hình kinh doanh được áp dụng trong khu công nghiệp sinh thái đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy mô hình cận kinh tế tuần hoàn và thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp xanh, bền vững và đem lại lợi thế cạnh tranh cao.

Từ năm 2014 đến năm 2019, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thí điểm chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ với nguồn vốn hỗ trợ từ Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF). Theo đó, 56 doanh nghiệp đã áp dụng hơn 676 giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP), tiết kiệm hơn 3 triệu USD/năm nhờ giảm tiêu thụ năng lượng, tài nguyên và nguyên vật liệu, tiết kiệm 22.000 MWh điện năng và hơn 600.000 m3 nước sạch. Các giải pháp này giúp giảm hơn 140 TJ nhiên liệu hóa thạch và gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải, cũng như 32 Kt CO2-eq hàng năm, đem lại các lợi ích kinh tế, xã hội và huy động nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân (khoảng 9 triệu đô la Mỹ).

Trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2023, với sự hỗ trợ từ SECO, UNIDO và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hỗ trợ 3 khu công nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh (Khu công nghiệp Hiệp Phước), Hải Phòng (Khu công nghiệp Đình Vũ) và Đồng Nai (Khu công nghiệp Amata) chuyển đổi theo hướng khu công nghiệp sinh thái, phù hợp với khuôn khổ quốc tế về khu công nghiệp sinh thái. Ngoài ra, dự án tiếp tục hỗ trợ phát triển các đề xuất kinh doanh từ các cơ hội cộng sinh đã được xác định tại các khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng) và Trà Nóc 1 & 2 (Cần Thơ). Mục tiêu tổng thể của dự án nhằm cải thiện hiệu quả môi trường, kinh tế và xã hội của các ngành công nghiệp tại Việt Nam thông qua thực hiện phương pháp tiếp cận khu công nghiệp sinh thái tại các khu công nghiệp thí điểm được lựa chọn, qua đó góp phần phát triển công nghiệp bền vững và bao trùm.

Về khía cạnh công nghệ

Triển khai khu công nghiệp sinh thái nhằm mục đích cải thiện hiệu quả tài nguyên thông qua:

» Phát triển công nghệ sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo;

» Phát triển công nghệ cấp nước và xử lý nước thải;

» Cộng sinh công nghiệp và công nghệ thu hồi nguyên liệu, hình thành quan hệ cộng sinh giữa các ngành công nghiệp khác nhau trong khu công nghiệp để tái sử dụng và tái chế chất thải, từ đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời lắp đặt trên mái tòa nhà KCN Amata (Ảnh: ©Bui Phuong, UNIDO)

Hệ thống xử lý nước RO lắp đặt tại công ty Saitex, KCN Amata (Ảnh: ©Bui Phuong, UNIDO)

Về phát triển hạ tầng khu công nghiệp

» Đầu tư cơ sở hạ tầng chung và cung cấp dịch vụ tối ưu hóa sử dụng các nguồn tài nguyên, như mạng lưới thu hồi hơi nước, hệ thống đồng phát từ nhiên liệu sinh khối và/hoặc khí sinh học v.v;

» Thu gom và sử dụng nguyên vật liệu và tài nguyên bằng cách khuyến khích các doanh nghiệp trong khu công nghiệp hình thành mạng lưới cộng sinh công nghiệp, trao đổi chất thải và phụ phẩm giữa các doanh nghiệp;

» Xử lý chất thải bằng cách khuyến khích các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tích hợp thiết kế tuần hoàn và sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường trong các cơ sở sản xuất.

Hệ thống thu hồi nước thải từ hệ thống điều hòa dùng để rửa xe vận chuyển hàng tại công ty Brother (Ảnh©Bui Phuong, UNIDO, KCN Amata) 

Thu gom và phân loại giấy bìa tại công ty Tân Long    (Ảnh © UNIDO, Hoa Khanh IP)

Về mô hình kinh doanh

» Hình thành các doanh nghiệp tái chế và đơn vị phân loại rác thải cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp;

» Các mô hình kinh doanh nâng cao quản lý năng lượng, nước và chất thải tại các khu công nghiệp;

» Phát triển các loại hình kinh doanh dựa trên nền tảng kỹ thuật số.

Tại KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng), dự án đã triển khai đánh giá hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) tại 20 doanh nghiệp đã tiết kiệm 11,34 tỷ đồng/năm (tương đương 500.000 USD/năm), tiết kiệm 2.571 tấn chất thải rắn, 1.034.300 kWh điện và 6 triệu lít nước mỗi năm [1].

Dự án đã hỗ trợ tái sử dụng khí sinh học thải ra từ nhà máy xử lý nước thải của một công ty bia, cho lò hơi của một công ty sản xuất năng lượng gần đó. Điều này làm giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và các chi phí liên quan cho công ty năng lượng. Dự án sẽ giới thiệu mô hình này cho các công ty khác và ban quản lý khu công nghiệp để nhân rộng cho các đơn vị khác.

Tại khu công nghiệp Trà Nóc, hiệu quả sử dụng tài nguyên đã được cải thiện thông qua việc nâng cao năng lực vận hành lò hơi góp phần tiết kiệm đến 10% năng lượng tiêu thụ, dẫn đến giảm nhiên liệu, chi phí và phát thải. Bằng cách cung cấp cán bộ vận hành có tay nghề cao cho các công ty hoạt động trong khu công nghiệp, công ty dịch vụ lò hơi có thể tối ưu hóa hoạt động lò hơi và tiết kiệm đáng kể chi phí cho nhà máy sản xuất giấy và bao bì khác.

 

Thông tin liên hệ: a.flammini@unido.org (UNIDO Trụ sở chính), t.nguyen@unido.org (UNIDO Vietnam);

Website: http://eip-vietnam.org/

[1] https://www.unido.org/sites/default/files/files/2021-04/An%20international%20framework%20for%20eco-industrial%20parks%20v2.0.pdf

 

BẠN MUỐN GIỚI THIỆU MỘT NGHIÊN CỨU ĐIỂN HÌNH?

CHIA SẺ MÔ HÌNH

(733)