Họp tham vấn về lao động phi chính thức trong quản lý CTR và EPR

8:00 - 17:00 08/03/2024 Online/Offline Tiếng Anh - Việt Địa chỉ: Khách sạn Hội An Historic, Số 10, Đường Trần Hưng Đạo, Thành Phố Hội An, Tỉnh Quảng Nam, Việt Nam

Loại sự kiện: Họp tham vấn

Ngày & Giờ: 8:00 – 17:00 | Thứ Sáu, ngày 8 tháng 3 năm 2024

Cơ quan tổ chức: UNDP, NPAP, IUCN, PROVN

Link Zoom: https://undp.zoom.us/j/82581903801 (ID: 825 8190 3801, Passcode: 003040)

Nội dung:

Luật Bảo vệ Môi trường (LEP) năm 2020 bổ sung thêm các quy định mới liên quan đến quản lý rác thải hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và quy định về Trách nhiệm Mở rộng của Nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR). Thực hiện EPR sẽ ảnh hưởng đến việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải. Hệ thống thu gom, vận chuyển và tái chế ở Việt Nam được thực hiện một phần bởi khối phi chính thức. Lực lượng phi chính thức đang góp phần tích cực vào việc giảm lượng chất thải phát sinh ra môi trường, qua đó giảm bớt gánh nặng tài chính về thu gom, xử lý rác thải rắn cho các đô thị.
Lượng chất thải rắn phát sinh ngày càng tăng do các hoạt động phát triển kinh tế, nhưng Việt Nam vẫn chưa thực hiện được chính sách phân loại rác thải tại nguồn một cách hiệu quả. Điều này dẫn đến việc những loại phế liệu có giá trị tái chế nhưng khó có thể tái chế do không được phân loại.

Những năm gần đây, mô hình kinh tế tuần hoàn ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó, “hình thức sơ khai của kinh tế tuần hoàn” là những người đồng nát, ve chai, bắt đầu nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ phía xã hội. Nhiều giải pháp hỗ trợ nhóm này đang được triển khai tích cực.

EPR đặt ra yêu cầu các nhà sản xuất và nhà nhập khẩu bắt buộc phải thực hiện thu gom, tái chế sản phẩm theo đúng quy cách và tỷ lệ theo quy định. Nội hàm chính sách của EPR là tạo ra động lực để doanh nghiệp thay đổi thiết kế theo hướng thân thiện môi trường, giảm thiểu rác thải và thuận tiện hơn cho hoạt động thu gom, tái chế, đồng thời sử dụng cơ chế thị trường để hỗ trợ ngành công nghiệp tái chế.

Việc triển khai các cơ chế EPR được dự báo sẽ tạo ra những thay đổi quan trọng trong hệ thống quản lý rác thải, đặc biệt, lực lượng lao động phi chính thức trong lĩnh vực thu gom và tái chế rác thải có thể sẽ là nhóm đối tượng chịu tác động đáng kể của các cơ chế này, khi EPR chủ yếu huy động sự tham gia của các doanh nghiệp thu gom, tái chế, và xử lý chất thải nhựa thuộc khu vực chính thức. Chính vì vậy, những can thiệp về mặt hoạch định cũng như thực thi chính sách là hết sức cần thiết để có thể hỗ trợ lực lượng lao động phi  chính thức không những bảo vệ sinh kế, mà còn có thể tiếp cận, kết nối, và hưởng lợi từ chính sách EPR.
Lực lượng lao động phi chính thức nên được định hướng để tham gia như một mắt xích quan trọng của chuỗi giá trị nhựa, và phát huy thế mạnh của mình trong hoạt động thu gom phế liệu. Dưới tác động của công cụ chính sách EPR, phế liệu sẽ có chất lượng cao và được bán với giá cao hơn so với hiện tại, từ đó đảm bảo được sinh kế và thu nhập cho nhóm phi chính thức trong hệ sinh thái tái chế này. Thực tế cho thấy lực lượng lao động phi chính thức có thể đóng một vai trò rất lớn đối với EPR, tuy nhiên hiểu biết cũng như hỗ trợ cho nhóm này vẫn còn nhiều hạn chế.

Trong những năm gần đây, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP),Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Sứ quán Canada là những đối tác hết sức tích cực trong công tác phối hợp hành động
và hỗ trợ Việt Nam triển khai các chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu chất thải nhựa. Trong năm 2024, Canada cũng là quốc gia chủ trì Phiên làm việc thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC4) về Thỏa thuận toàn cầu về chấm dứt ô nhiễm nhựa.

Trên cơ sở đó, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam thông qua Chương trình Đối tác hành động Quốc gia về Nhựa tại Việt Nam (NPAP) – Nhóm kỹ thuật về bình đẳng giới và bao trùm xã hội (GESI)
phối hợp với Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) thông qua Chương trình Đối tác Chiến lược IUCN – PRO Vietnam tổ chức họp tham vấn “Vai trò của lực lượng phi chính thức trong quản lý chất
thải rắn và thực hiện Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR)”.

Mục tiêu

  1. Ghi nhận vai trò của lực lượng phi chính thức trong hoạt động thu gom phế liệu;
  2. Tìm kiếm các cơ chế và giải pháp để lực lượng phi chính thức thực hiện hoạt động thu gom cho các công ty tái chế có giấy phép theo quy định của EPR;
  3. Thảo luận khuyến nghị chính sách về chuyển đổi công bằng cho lực lượng phi chính thức tại Việt Nam, đóng góp vào vòng đám phán tiếp theo về thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

 

Chương trình dự kiến: Nhấp vào đây.

 

 

Chia sẻ

(55)