Dự án Quản lý chất thải tại Bình Định đạt cột mốc mới

Ngày 27/11, với sự hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP Việt Nam), UBND TP Quy Nhơn phối hợp với Chi cục Thủy sản Bình Định, Ban Quản lý (BQL) Cảng cá Bình Định và Công ty Cổ phần Môi trường Bình Định tổ chức chuỗi sự kiện nhằm khởi động các mô hình quản lý chất thải trong ngành thủy sản, bàn giao Nhà kho và các thiết bị hỗ trợ công tác thu gom và vận chuyển rác nhựa, giới thiệu và kết nối Cơ sở thu hồi vật liệu (MRF) với khối lao động phi chính thức. Tham dự chuỗi sự kiện trên có đại diện của các sở ngành liên quan như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, các tổ chức chính trị xã hội như Hội phụ nữ thành phố Quy Nhơn, Hội Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Định, Hiệp hội du lịch tỉnh Bỉnh Định, các chuyên gia từ các đơn vị nghiên vị nghiên cứu, trường đại học, đại diện của các doanh nghiệp, các vựa phế liệu, các lao động phi chính thức và ngư dân.

Tại Lễ khởi động Chương trình “Tàu cá mang rác nhựa về bờ”, 200 tàu cá của Cảng cá Quy Nhơn được trao thiết bị để hỗ trợ thu gom rác nhựa trên mỗi chuyến biển. Nhà kho thu gom rác nhựa tàu cá và Các thiết bị hỗ trợ chương trình này như máy ép, xe đẩy rác, thùng rác, giỏ đựng rác và đồ bảo hộ lao động đã được bàn giao cho Ban Quản lý Cảng cá Quy Nhơn và Tổ thu gom rác nhựa của cảng. Tại Lễ khánh thành Nhà kho thu gom rác nhựa tàu cá, Ban Quản lý Cảng cá Quy Nhơn và các thuyền viên đã bày tỏ sự quan tâm và sẵn sàng tham gia Chương trình “Tàu cá mang rác nhựa về bờ”. Chương trình này nhận được sự quan tâm của đông đảo của các cơ quan quản lý, cộng đồng nói chung và kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế từ giá trị gia tăng của việc kết nối với MRF để tái chế phế liệu nhựa tàu cá.

Lễ cắt băng khánh thành nhà kho tại cảng cá

Chuỗi sự kiện còn bao gồm màn giới thiệu mô hình vận hành MRF cùng với lễ ra mắt Câu lạc bộ lao động phi chính thức nhằm mục đích kết nối và khuyến khích sự tham gia của các lao động này trong mạng lưới thu gom và cung cấp phế liệu nhựa đầu vào cho MRF. Dự kiến MRF sẽ có công suất 2-4 tấn/ngày, với nguồn nhựa đầu vào là phế liệu từ các nguồn như cảng cá, cảng biển, nhà hàng, siêu thị, khách sạn, trường học, khu dân cư… Sự kiện còn diễn ra Lễ ký kết hợp tác của 02 khách sạn, 03 vựa phế liệu về việc tham gia mạng lưới đối tác của MRF nhằm xây dựng chuỗi giá trị phế liệu nhựa tại thành phố Quy Nhơn.

Lễ ký kết hợp tác giữa Công ty Cổ phần Môi trường Bình Định và các nhà hàng và vựa phế liệu

Để hỗ trợ công tác thu gom và vận chuyển phế liệu nhựa, với sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản, 04 xe tải điện thu gom rác thải chuyên dụng đã được bàn giao cho UBND thành phố Quy Nhơn. Bốn chiếc xe tải điện kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong hình thành các tuyến đường xanh vận chuyển rác nhựa, góp phần xây dựng thành phố Quy Nhơn hướng tới nền nền kinh tế tuần hoàn, phát thải thấp.

Hình ảnh lễ bàn giao xe tải điện chuyên dụng thu gom rác thải cho UBND TP Quy Nhơn

Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện thường trú UNDP Việt Nam cho biết trung bình 1 tháng 100 tàu cá tại Cảng cá Quy Nhơn phát sinh khoảng 1,97 tấn rác nhựa, do đó Chương trình “Tàu cá mang rác nhựa về bờ” sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các ngư dân về rủi ro của chất thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe, tạo sinh kế cho khối lao động phi chính thức tại Cảng cá, đồng thời thúc đẩy nhằm thể chế hóa các quy định thu gom rác nhựa từ tàu cá. Nguồn phế liệu nhựa phát sinh tại thành phố Quy Nhơn là hơn 80 tấn/ngày, do đó, mô hình MRF tại Quy Nhơn có tiềm năng mở rộng công suất lên tới 5-10 tấn/ngày. Để mở rộng và nhân rộng mô hình, cần có hành động tập thể của các cơ quan quản lý, khối lao động phi chính thức, và các đơn vị tái chế.

Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn – ông Nguyễn Đức Toàn cho biết thành phố Quy Nhơn là một trong ba thành phố của Việt Nam vinh dự đón nhận danh hiệu Thành phố du lịch ASEAN 2020. Tuy nhiên, thành phố hiện đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt, trong đó có lượng lớn rác thải nhựa khó phân hủy đi vào đại dương. Các giải pháp của Dự dự án hy vọng sẽ quản lý chất thải sinh hoạt hiệu quả, giảm thiểu phát sinh rác thải nhựa ra môi trường, hỗ trợ công tác phân loại rác thải tại nguồn, bảo đảm công tác bảo vệ môi trường, hướng tới hình ảnh thành phố xanh, và góp phần giữ vững danh hiệu thành phố du lịch sạch ASEAN.

Chia sẻ

(215)