Ngày 10/01/2023 tại tỉnh Phú Thọ đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khoẻ (CHERAD) và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để khởi động thực hiện sáng kiến “Xây dựng Mô hình Kinh tế tuần hoàn trong Quản lý chất thải nhựa y tế”. Tham dự buổi lễ có đại diện Cục Kiểm soát Ô nhiễm môi trường, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, Sở Y tế và Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Phú Thọ, Tổ chức Winrock International, CHERAD, ban lãnh đạo cùng các khoa/phòng liên quan trong Bệnh viện.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 13,500 cơ sở y tế, tạo ra khoảng 22 tấn chất thải nhựa mỗi ngày, 65% trong số đó là chất thải nhựa mang yếu tố lây nhiễm. Nhựa nói chung và nhựa dùng một lần nói riêng đang được sử dụng rộng rãi trong sản xuất các vật tư y tế như bơm tiêm, dây dịch truyền, đồ bảo hộ, chai đựng thuốc và túi đựng rác. Qua quá trình sử dụng, những vật dụng này có thể mang các yếu tố lây nhiễm bệnh và khó có thể tái chế hoặc tái sử dụng.
Trong khuôn khổ Dự án Giảm thiểu Ô nhiễm do Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị chủ quản với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Tổ chức Winrock International, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD) triển khai Sáng kiến “Mô hình Kinh tế tuần hoàn trong Quản lý chất thải nhựa y tế” với mục đích giảm thiểu lượng phát thải, đồng thời tăng tỷ trọng tái sử dụng và tái chế chất thải nhựa y tế thông qua việc quản lý bền vững chất thải nhựa trong các cơ sở y tế.
Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ là một trong những bệnh viện lớn nhất của tỉnh, với quy mô 1.500 giường bệnh, tiếp nhận hơn 1.000 lượt bệnh nhân hàng ngày. Cũng như nhiều bệnh viện khác, hiện nay bệnh viện Đa khoa Phú Thọ chưa có hệ thống phân loại chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa tại nguồn. Do vậy việc xử lý chất thải nhựa hiện vẫn được áp dụng quy trình tương tự như xử lý chất thải nguy hại thông thường, dẫn đến chi phí xử lý chất thải còn cao và tỉ lệ tái chế/tái sử dụng còn rất thấp.
Sự kiện ký kết thỏa thuận hợp tác giữa CHERAD và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ là một dấu mốc quan trọng và là cơ sở cần thiết để hai bên triển khai hoạt động, cũng như huy động sự tham gia của các bên liên quan vào việc thực hiện sáng kiến này. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ là bệnh viện thứ hai, sau Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác với CHERAD trong khuôn khổ sáng kiến “Mô hình Kinh tế tuần hoàn trong Quản lý chất thải nhựa y tế”. Sáng kiến dự kiến sẽ được CHERAD cùng các đối tác thực hiện tại Cần Thơ, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Nội và Bình Định trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2025.
Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Na – Phó Giám đốc Bệnh viện chia sẻ:”Chúng tôi tin tưởng mô hình sẽ góp phần giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa y tế, cũng như giảm chi phí xử lý chất thải cho Bệnh viện và giảm sự rò rỉ chất thải nhựa y tế ra môi trường. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với CHERAD và các đơn vị liên quan để thực hiện mô hình này thành công”.
Sáng kiến sẽ áp dụng cách tiếp cận tập thể để gắn kết các bên liên quan gồm cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị nghiên cứu, cộng đồng, khối tư nhân, các công ty thu gom, phân loại, xử lý chất thải nhằm xây dựng Mô hình Kinh tế tuần hoàn xoay quanh chất thải nhựa y tế. Mô hình được kỳ vọng sẽ giúp bệnh viện thực hiện công tác mua sắm xanh, giảm thiểu sử dụng vật tư y tế làm từ nhựa, phân loại chất thải nhựa từ đầu nguồn, tăng khả năng xử lý, khử khuẩn chất thải nhựa y tế để phục vụ cho quá trình tái chế và tái sử dụng. Kết quả triển khai sáng kiến Kinh tế tuần hoàn trong Quản lý chất thải nhựa y tế cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp cơ sở dữ liệu để tỉnh Phú Thọ cũng như các tỉnh thành khác xây dựng các quy định và phân bổ đầu tư cho việc quản lý chất thải y tế.
Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ, khẳng định: “Quản lý chất thải nhựa y tế là vấn đề quan trọng cần giải quyết. Chúng tôi đánh giá cao việc Sáng kiến hỗ trợ Bệnh viện đa khoa Phú Thọ để xử lý vấn đề này một cách bài bản và sớm hơn các đơn vị khác. Sở Y tế sẽ bố trí các nguồn lực để hỗ trợ mô hình triển khai tốt và nếu mô hình chứng minh được hiệu quả, sẽ tích cực thúc đẩy việc áp dụng mô hình này ở các cơ sở y tế khác tại tỉnh Phú Thọ”.