Bình Định trở thành địa phương đầu tiên ban hành quy trình quản lý rác thải nhựa tàu cá

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định 89/QĐ-SNN vào ngày 28/02/2024 về quy trình kiểm soát, quản lý đối rác thải nhựa tàu cá và trở thành địa phương đi đầu trong công tác quản lý chất thải nhựa từ hoạt động khai thác thủy sản.

Quy định này áp dụng với các tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên tại các Cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan bắt buộc phải thu gom và khai báo về chất thải nhựa sử dụng trong mỗi chuyến biển; các tàu cá có chiều dài từ 12-15 mét được khuyến khích áp dụng. Ngoài ra Quyết định trên còn nêu rõ trách nhiệm của các Ban Quản lý Cảng cá, Tổ thu gom rác thải tàu cá, Chi cục Thủy sản trong công tác thu gom và bàn giao, vận chuyển, khai báo và cập nhật số liệu, lập cơ sở dữ liệu và báo cáo về chất thải nhựa tàu cá.

Theo ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, việc thể chế hóa quy định quản lý chất thải nhựa tàu cá sẽ giúp thực thi hiệu quả công tác thu gom rác thải nhựa trong ngành thủy sản nói chung và tàu cá nói riêng tại các tỉnh, thành phố, cùng việc kết nối các bên để tạo chuỗi giá trị phế liệu nhựa và các hướng dẫn triển khai cụ thể cho cảng cá và tàu cá. Qua đó, địa phương sẽ giúp quốc gia đạt được mục tiêu về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành nhựa.

Trước đó, trong khuôn khổ Dự án “Nhân rộng các mô hình quản lý chất thải tổng hợp thông qua trao quyền cho khu vực phi chính thức và thúc đẩy Kinh tế tuần hoàn” (gọi tắt là DWP5C Giai đoạn 2) được tài trợ bởi Đại sứ quán Na Uy, UNDP đã thực hiện thí điểm mô hình “Tàu cá mang rác nhựa về bờ” tại Cảng cá Quy Nhơn, theo hướng kinh tế tuần hoàn, trong đó rác thải nhựa được thu gom, phân loại và chuyển giao cho Cơ sở thu hồi vật liệu (MRF) để tiếp tục xử lý thành nguyên liệu đầu vào cho các đơn vị tái chế. Mô hình được triển khai với sự phối hợp và hỗ trợ của Chi cục Thủy sản Bình Định, Ban quản lý Cảng cá Quy Nhơn và Ủy ban Nhân dân thành phố Quy Nhơn. Thời gian thực hiện Mô hình này sẽ kéo dài đến hết năm 2024.

Trong giai đoạn triển khai, 200 tàu cá tại Cảng cá Quy Nhơn đã ký Bản cam kết tham gia chương trình “Tàu cá mang rác nhựa về bờ” và sau 1,5 tháng triển khai, đã có gần 300kg các loại chai nhựa, bao bì đồ uống và thực phẩm đã được thu gom về bờ.

Thành viên Tổ thu gom Cảng cá cùng với ngư dân vận chuyển rác thải nhựa từ tàu cá lên bờ.

Để hỗ trợ hoạt động thu gom trên tàu, các tàu cá được cung cấp túi lưới có thiết kế dung tích chứa 0,4 m3. Các thiết bị hỗ trợ việc thu gom, vận chuyển và lưu chứa tại khu vực cảng cá như máy ép rác, xe đẩy, thùng rác đã được bàn giao cho Ban Quản lý Cảng cá Quy Nhơn. Đặc biệt, một Nhà kho với tổng diện tích hơn 100m2 đã được xây dựng tại Cảng cá để làm địa điểm tập kết và phân loại chất thải nhựa tàu cá trước khi chuyển giao cho MRF và các đơn vị tái chế. Bên cạnh đó, Tổ thu gom chất thải nhựa đã được thành lập bởi Ban Quản lý Cảng cá Quy Nhơn với nhiệm vụ thu gom từ tàu cá, vận chuyển về Nhà kho, phân loại và chuyển giao cho MRF.

UNDP bàn giao trang thiết bị hỗ trợ thu gom và Nhà kho tại Cảng cá cho Ban quản lý Cảng cá Quy Nhơn.

Tổ thu gom đang thực hiện phân loại tại Nhà kho Cảng cá

Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện thường trú UNDP Việt Nam cho biết mô hình thu gom rác thải nhựa tàu cá về bờ đã góp phần thúc đẩy việc thể chế hóa các quy định thu gom rác nhựa từ tàu cá, tạo sinh kế cho khối lao động phi chính thức và gia tăng chuỗi giá trị của các bao bì, sản phẩm nhựa. Điều này minh chứng để giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa đại dương triệt để, sẽ cần cách tiếp cận đa chiều và phối hợp giữa cơ quan quản lý, khối lao động phi chính thức, và các đơn vị tái chế.

Chia sẻ

(198)