Bắt đầu chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, với từng dòng vật liệu

Nghiên cứu điển hình: Nghiên cứu thực chứng để cung cấp thông tin xây dựng Lộ trình kinh tế tuần hoàn đầu tiên tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Đây là blog đầu tiên trong loạt 3 bài chia sẻ về hành trình tuần hoàn của UNDP và HueIDS tại tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Tác giả: Morgane Rivoal (UNDP Việt Nam), Cao Quốc Hải (HueIDS), Jelmer Hoogzaad (Shifting Paradigms), Hoàng Thành Vĩnh và Merran Eby (UNDP Việt Nam) 

Trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn (KTTH), chúng ta không bắt đầu từ con số không. Tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi đã có nhiều doanh nghiệp xanh và các sáng kiến tuần hoàn ở cơ sở, chắc chắn đã có nhiều nền tảng để bắt đầu. Cố đô Huế, nơi đóng đô của triều đại nhà Nguyễn trong hơn 150 năm, chào đón khoảng 3-4 triệu du khách mỗi năm và mong muốn chuyển đổi theo hướng du lịch xanh. 

Việc chuyển đổi sang nền KTTH có vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự chính trị của Việt Nam. Trong tuyên bố đột phá của mình tại Hội nghị Thượng đỉnh COP26 về mục tiêu của Việt Nam hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển một “nền kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững, bao trùm và nhân văn”. KTTH lần đầu tiên được định nghĩa trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 20201, và từ đó đã được đưa vào Kế hoạch và Chiến lược Phát triển Kinh tế – Xã hội của đất nước, cũng như Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam2. Cột mốc quan trọng tiếp theo của Việt Nam là xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về KTTH, kế hoạch này sẽ xác định các ngành ưu tiên, thiết lập một khung giám sát và đánh giá và nêu trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương. 

Dù vậy, chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn không phải là một nhiệm vụ dễ dàng: nhiệm vụ này đòi hỏi phải có các mô hình mới và những thay đổi tương ứng trong cách thức ra quyết định về chính sách và đầu tư, cũng như dữ liệu để hỗ trợ ra các quyết định đó. Khi Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế (HueIDS), một cơ quan trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh, được giao nhiệm vụ xây dựng lộ trình KTTH, Viện đã phải đối mặt với 2 câu hỏi chính: làm thế nào chúng ta có thể gắn kết các mục tiêu phát triển đầy tham vọng với nhau3, và sau đó, làm thế nào chúng ta có thể xây dựng kế hoạch hành động để đạt được những mục tiêu đó?  

Để giải quyết thách thức kép này, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và HueIDS đang cùng hợp tác thực hiện nghiên cứu dòng chuyển hóa vật chất tại tỉnh Thừa Thiên Huế, với nguồn tài trợ từ Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy (Norad). 

Tại sao nghiên cứu này lại quan trọng, chúng ta đang làm gì và đang làm thế nào? Blog này sẽ cung cấp một số câu trả lời. 

Tại sao: Triển khai kinh tế tuần hoàn ở các tỉnh, thành phố của Việt Nam 

Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam có mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính (KNK) trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững qua việc đặt mục tiêu 85% nhựa được tái chế vào năm 2025, cải thiện công tác quản lý chất thải đô thị như: 100% rác thải hữu cơ đô thị được tái chế, tăng tối đa tỷ lệ tái chế nước thải, v.v. Nhiều thông tư, định hướng như vậy có liên quan đến các thành phố. 

Tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, dự kiến sẽ đạt 50% vào năm 2030. Kinh tế tuần hoàn có triển vọng giúp giảm ô nhiễm môi trường, phát triển kinh tế – xã hội, hiệu quả về chi phí và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã nắm bắt, coi kinh tế tuần hoàn là một trong những trụ cột của chiến lược hiện đại hóa của tỉnh. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi hiện nay các địa phương đều đang nỗ lực để nhanh chóng nắm bắt các cơ hội từ quá trình chuyển dịch sang KTTH một cách chiến lược và toàn diện trong các ngành. Nằm ở phía Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng đã tiên phong trong quá trình nghiên cứu chuyển đổi theo hướng tuần hoàn. Dưới sự đề xuất của Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng (DISED), với sự hỗ trợ từ UNDP và tổ chức tư vấn Phần Lan SITRA, họ đã tiến hành xây dựng và gợi ý các chính sách KTTH cấp thành phố dựa vào các bài học kinh nghiệm và kết quả của các dự án thí điểm tại địa phương (nội dung đầy đủ có tại đây). 

Thành phố là nơi tập trung tài nguyên, vốn và con người. Đó là điểm hội tụ của các dòng nguyên vật liệu, kèm theo đó là các tác động môi trường, kinh tế và xã hội của chúng. Do đó, các thành phố có nhiều cơ hội để phát triển các mô hình kinh doanh tuần hoàn, như các hệ thống chia sẻ và tái sử dụng, hoặc các mô hình sản-phẩm-như-một-dịch-vụ. Can thiệp vào tương tác giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng là một nguyên tắc quan trọng của kinh tế tuần hoàn vì nó giúp giảm khai thác tài nguyên hữu hạn đầu vào, đồng thời giảm thiểu, phòng tránh tạo ra rác thải trong chuỗi giá trị sản phẩm. 

Cái gì: Từ Định hướng đến Lập bản đồ Dòng Nguyên vật liệu và Xây dựng Chính sách – Lộ trình của tỉnh Thừa Thiên Huế 

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đặt ra tầm nhìn đầy tham vọng “Trở thành đô thị bảo tồn và phát huy các giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, mang đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, và cảnh quan đô thị thân thiện với môi trường và thông minh” với việc thông qua Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. 

Mục đích chính của nghiên cứu này là cung cấp thông tin đầu vào để xây dựng kế hoạch hành động thực hiện KTTH của tỉnh Thừa Thiên Huế, liệt kê các giải pháp thiết thực và khả thi để đầu tư. Bằng chứng, thông tin và kiến thức thu được sau khi phân tích dòng chuyển hóa vật chất sẽ giúp thiết lập ưu tiên và xác định các can thiệp phù hợp nhất về kinh tế tuần hoàn. Tác động môi trường và tác động kinh tế-xã hội của các can thiệp này sẽ được đánh giá, qua đó cho phép các nhà hoạch định chính sách ưu tiên, phân bổ hợp lý nguồn lực công khan hiếm, cũng như hiểu mức độ phù hợp của kinh tế tuần hoàn trong tương quan với các tham vọng và mục tiêu phát triển rộng hơn. 

Các lò xi-măng, việc đốt rơm rạ và khách du lịch đi xe đạp điện có điểm gì chung? Tất cả các hoạt động này đều đòi hỏi phải khai thác, chuyển đổi, tiêu thụ, và sử dụng nguồn tài nguyên hữu hạn. Trong phân tích dòng chuyển hóa vật chất, các dòng nguyên vật liệu được phân tích như một hệ thống, để mô tả dữ liệu về thương mại, khai thác, sản xuất, chế biến và thải bỏ hàng hóa,nguyên vật liệu trong và ngoài tỉnh.  

Nhóm nghiên cứu – gồm các cán bộ cấp cao tại HueIDS, các chuyên gia trong nước, và một nhà nghiên cứu dòng chuyển hóa vật chất quốc tế giàu kinh nghiệm – đã cùng tham gia với một mục tiêu: nắm được tất cả các dòng chuyển hóa vật chất của tài nguyên và nguyên vật liệu đang được sử dụng ở tỉnh Thừa Thiên Huế, từ khai thác, sử dụng, đến cuối vòng đời. Tốc độ mở rộng quy mô xây dựng, thất thoát lương thực trong chuỗi giá trị thực phẩm, khí thải nhà kính từ sản xuất lúa gạo, và số lượng khách du lịch tiếp đón mỗi năm: tất cả đều được cân nhắc trong quá trình phân tích dòng chuyển hóa vật chất. Có rất nhiều cơ hội để các doanh nghiệp tuần hoàn phát triển, nhưng một số cơ hội có thể đòi hỏi phải thay đổi dần dần luật chơi, ví dụ, cách các tổ chức công thu thập các phương tiện tài chính cần thiết như thế nào, hoặc các tổ chức này đầu tư vào cơ sở hạ tầng nào, và áp dụng những điều kiện mua sắm nào. 

Ảnh 1: Hội thảo đầu tiên tổ chức tại Huế (Nguồn: HueIDS) 

UNDP và HueIDS gần đây đã tổ chức một hội thảo để khởi động nghiên cứu dòng chuyển hóa vật chất tại tỉnh, với sự tham dự của nhiều sở ngành, phản ánh tính chất liên ngành của KTTH (có liên quan đến các cơ quan như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông, Xây dựng, và Tài nguyên và Môi trường…). Hội thảo này có 2 mục tiêu: 1) giải thích và điều chỉnh phương pháp luận của nghiên cứu dòng chuyển hóa vật chất theo bối cảnh của Huế, và 2) xây dựng một liên minh các đối tác để thu thập dữ liệu, và tạo cơ hội để họ chia sẻ các khuyến nghị về các ưu tiên môi trường và kinh tế – xã hội trong phân tích dòng chuyển hóa vật chất. 

Sự phối hợp và đồng triển khai của địa phương có vai trò quan trọng để đảm bảo rằng kết quả của nghiên cứu này sẽ xác thực, hữu ích và chính xác. Bằng cách ưu tiên một cách có hệ thống các nguồn dữ liệu từ tỉnh Thừa Thiên Huế, phân tích dòng chuyển hóa vật chất hướng tới dựa vào các thông tin tương tự như các nhà ra quyết định chủ chốt của quốc gia. Ví dụ, hội thảo4 đã thành công khi nhận được sự ủng hộ của Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh, điều này được thể hiện qua công văn UBND tỉnh chia sẻ sau hội thảo, trong đó nêu rõ các mục tiêu của nghiên cứu, và đề nghị các sở ngành chia sẻ bộ dữ liệu của họ và cung cấp thông tin đầu vào. 

Tính đến thời điểm viết bài blog này, công tác thu thập dữ liệu đã hoàn tất. Các bước tiếp theo cần làm là mô hình hóa và trực quan hóa. Hình 1 dưới đây minh họa các kết quả tổng hợp của một phân tích dòng chuyển hóa vật chất tương tự đã tiến hành ở CHDCND Lào.5 

Hình 1. Tổng quan tình hình sử dụng tài nguyên ở CHDCND Lào. (Nguồn: UNDP, 2021) 

Làm thế nào: Xây dựng một danh mục các biện pháp can thiệp chặt chẽ để lộ trình kinh tế tuần hoàn được đưa vào thực tiễn 

Các bước nêu trên sẽ cho phép nhóm lập bản đồ thể hiện các lĩnh vực ưu tiên, và bắt đầu xác định các biện pháp can thiệp có tiềm năng tuần hoàn cao. Tuy nhiên, khi xếp hạng các cơ hội, điều quan trọng là không chỉ xem xét chúng như các phần riêng lẻ, tách rời, mà còn phải luôn xem xét các ảnh hưởng có tính hệ thống của chúng. UNDP hướng tới tích hợp “danh mục các giải pháp can thiệp một cách logic”, tức là tìm cách kết nối tất cả các can thiệp lại với nhau thành một tổng thể để đảm bảo tạo tác động nhất quán, chiến lược, và đẩy nhanh việc thực hiện KTTH ở Huế. Khi các can thiệp này cùng hướng tới một mục đích chung, thì sẽ có nhiều khả năng thúc đẩy hệ thống theo hướng tuần hoàn. Ví dụ, một can thiệp do UNDP thực hiện nhằm khuyến khích khách du lịch sử dụng xe đạp điện, được kỳ vọng sẽ mang lại những kết quả có giá trị. 

Việt Nam cũng có thể tham khảo ý tưởng từ các quốc gia láng giềng. Thành phố Pasig ở Philippines là một mô hình truyền cảm hứng. Cùng với UNDP Philippines, chính quyền địa phương đã xây dựng một danh mục tuần hoàn trong ba lĩnh vực chuyên đề chính: hỗ trợ các thị trường mới, khuyến khích sự tham gia tích cực của người tiêu dùng và người dân, và xây dựng chính phủ kiến tạo hỗ trợ khối tư nhân  để đáp lại các ưu tiên của thành phố, phát huy thế mạnh của thành phố, và thống nhất với một tầm nhìn chung. 

Chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm tại tỉnh Thừa Thiên Huế, chia sẻ về các phát hiện mới của chúng tôi. Chúng tôi rất muốn nghe ý kiến từ các nhà thực hành khác – những người đang phối hợp với các thành phố để lồng ghép KTTH vào các kế hoạch cấp tỉnh. 

Hãy tham gia hội thảo trực tuyến sắp tới của chúng tôi về hành trình tuần hoàn của các thành phố do Mạng lưới Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam tổ chức vào tháng 3 năm 2023. 

Chia sẻ

(161)