Đối thoại chính sách về tái sử dụng nước thải

  • Phát hành: Tháng Mười Một 2023

GIỚI THIỆU TỔNG QUAN

Vào ngày 11/09/2023, Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam đã tổ chức chương trình “Đối thoại chính sách: Kết nối chính sách và doanh nghiệp nhằm tái sử dụng nước thải. Tham dự cuộc đối thoại có đại diện Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp, Bộ Công Thương (Bộ CT), Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NNPTNT), Viện Chiến Lược Chính Sách Tài Nguyên & Môi Trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TNMT), Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KHCN); và hơn 40 đại diện đến từ các doanh nghiệp, hiệp hội, viện nghiên cứu, trường Đại học và các Tổ chức phát triển.

Sự kiện mở đầu với bài trình bày của 3 vị diễn giả:

  1. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Cấp Thoát Nước Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, trường ĐH Xây dựng. Ông tập trung chia sẻ về công nghệ và giải pháp xử lý nước thải công nghiệp, chính sách, quy định và tiêu chuẩn đối với giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp khi xả ra nguồn tiếp nhận, làm căn cứ cho việc bảo vệ và sử dụng nguồn nước.
  2. Tiến sĩ – Luật sư Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch, Công ty cổ phần Shinec kiêm Chủ Đầu tư, khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Hải Phòng. Ông chia sẻ về thực trạng và các cơ hội, thách thức về tuần hoàn, tái sử dụng (TSD) nước thải đối với doanh nghiệp.
  3. Giáo sư, Tiến sĩ Harry Futselaar, Chuyên ngành Công nghệ nước quốc tế, Trường ĐH Khoa học Ứng dụng Saxion của Hà Lan với bài trình bày về mô hình tuần hoàn nước thải công nghiệp và chính sách hỗ trợ tái sử dụng nước thải sau xử lý tại Hà Lan.

Nửa sau sự kiện là phiên thảo luận bàn tròn, xoay quanh việc chia sẻ và giải đáp những khó khăn về chính sách mà doanh nghiệp hiện nay đang gặp phải, cũng như định hướng, giải pháp mà các cơ quan, ban ngành có liên quan nhằm tháo gỡ.

Ảnh toàn cảnh sự kiện

KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC TRONG TÁI SỬ DỤNG NƯỚC THẢI CÔNG NGHIỆP

  1. Khung pháp lý: Việc tuần hoàn, tái sử dụng nước thải được đề cập trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Tài nguyên nước, Nghị định số 38/2015/ND-CP, Nghị định số 54/2015/ND-CP, Nghị định số 08/2022/ND-CP, v.v. Gần đây, QCVN 08:2023/BTNMT được ban hành đã có quy định cụ thể hơn về giá trị giới hạn các thông số trong nước mặt phục vụ cho việc phân loại chất lượng nước theo mức A- Nước có thể được sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt, bơi lội, vui chơi dưới nước sau khi áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp; mức B – Nước có thể sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp, nông nghiệp sau khi áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp; và mức C- Nước không gây mùi khó chịu, có thể được sử dụng cho các mục đích sản xuất công nghiệp sau khi áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, việc tái sử dụng nước thải đã được quy định theo Bộ TCVN 12180 (ISO16075) và QCVN 01-195:2022/BNNPTNT. Tuy nhiên, nước thải sau xử lý chủ yếu mới chỉ được doanh nghiệp tái sử dụng cho các hoạt động nội bộ và cho mục đích tưới cây, rửa đường, vệ sinh công nghiệp… Việc trao đổi, bán lại nguồn nước này cho các đơn vị khác có nhu cầu phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh gần như chưa thể thực hiện được. Một trong các nguyên nhân chính được cho là do thiếu các quy định, tiêu chuẩn chi tiết hướng dẫn việc tái sử dụng nước thải sau xử lý giữa các doanh nghiệp và cơ chế giám sát, kiểm soát chất lượng, kiểm soát rủi ro hoat động này. Thêm vào đó, hiện nay vẫn còn tồn tại một số rào cản, quan ngại để tái sử dụng nước thải sau xử lý vào mục đích sản xuất, sinh hoạt và ăn uống, trong khi trên thế giới đã có rất nhiều quốc gia khuyến khích tái sử dụng nguồn nước thải này.

 

  1. Giá thành xử lý nước thải: hiện tại giá nước áp dụng cho đơn vị sản xuất đang ở mức 15.000 VND/m3 (theo giá bán lẻ nước sinh hoạt ở TP Hà Nội quy định trong Quyết định số 3541/QĐ-UBND), nằm ở mức thấp so với quốc gia phát triển như Hà Lan 47.000 VND/m3, như vậy nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn tương đương với nước cấp khó có cơ hội cạnh tranh được với giá thành nước cấp truyền thống, do chi phí đầu tư và vận hành hệ thống xử lý cao. Điều này khiến các doanh nghiệp không có động lực đầu tư dự án nhằm tái sử dụng nước thải. Phương án tăng giá nước cấp để tăng tính cạnh tranh của nước thải sauxử lý cũng khó khả thi, vì vai trò thiết yếu của nước trong đời sống sinh hoạt và hoạt động sản xuất của con người. Dù cho đất nước đang đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến tài nguyên nước, bất cứ sự thay đổi về giá nước nào cũng sẽ có rất nhiều tác động đến phát triển kinh tế và xã hội trên diện rộng.

 

  1. Kỹ thuật công nghệ: để xử lý nước thải, công nghệ lọc nước RO (công nghệ lọc nước thẩm thấu ngược-Reverse osmosis membrane) là phương pháp mang lại hiệu quả cao hiện nay. Một số hạn chế của công nghệ RO là sử dụng điện để chạy máy bơm cao áp tạo ra dòng chảy mạnh, không loại bỏ được một số dung môi, thuốc trừ sâu, clo và hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) khác, và loại bỏ một số khoáng tự nhiên có trong nước. Đặc biệt khi các khoáng chất kiềm bị loại bỏ bởi khe lọc màng RO, nước lọc đầu ra sẽ có tính axit.

 

  1. Công cụ tài chính: Việc tái sử dụng nước thải hiện tại chưa được hưởng ưu đãi tài chính và cũng đang thiếu các công cụ tài chính hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ, dự án để tái sử dụng nước.

 

THAY ĐỔI CHÍNH SÁCH TRONG TƯƠNG LAI GẦN

  1. Dự thảo sửa đổi Luật Tài nguyên nước

Dự thảo Luật TNN sẽ trình Quốc hội bấm nút thông qua vào kỳ họp tháng 11, trong đó đã có các quy định về cơ chế, chính sách và quy định về quản lý hoạt động tuần hoàn, tái sử dụng nước. Theo đó, dự thảo Luật đã làm rõ “Tái sử dụng nước là hoạt động sử dụng lại nước thải đã được xử lý đáp ứng yêu cầu mục đích sử dụng nước” và “Sử dụng nước tuần hoàn là quá trình sử dụng lại nước cho chính mục đích đã được sử dụng ban đầu trong một chu trình hoạt động sản xuất”.

Dự thảo Luật đã bổ sung một điều quy định về việc tuần hoàn, tái sử dụng nước phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, gồm: (1) Khuyến khích các dự án khai thác, sử dụng nước có giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước thải; (2) Có kế hoạch, lộ trình quy định các loại dự án phải có phương án tái sử dụng nước đối với các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước và các hình thức ưu đãi tương ứng; (3) Bắt buộc áp dụng đối với các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước và xả nước thải tại các khu vực có nguồn nước không còn khả năng chịu tải. Đồng thời, bổ sung quy định về ưu đãi với dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thực hiện giải pháp tuần hoàn, tái sử dụng nước như được xem xét miễn, giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật này.

 

  1. Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện Kinh tế tuần hoàn

Hiện bản thảo Kế hoạch hành động quốc gia về Kinh tế tuần hoàn, sắp được trình ký vào tháng 12 năm 2023, đặt ra chỉ tiêu cụ thể về việc tái sử dụng nước. Theo đó, “Tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đến năm 2030 đạt trên 70%.” Dù không trực tiếp quy định về lĩnh vực nước thải, Kế hoạch hành động quốc gia cũng sẽ khuyến khích và tạo điều kiện cho các đề án, dự án tuần hoàn, tái sử dụng nguyên vật liệu, chất thải, nước thải của các ngành, lĩnh vực, và tỉnh/thành phố. Đồng thời, Kế hoạch hành động cũng sẽ thức đẩy các cơ quan ban ngành phối hợp hoàn thiện các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để thực hiện kinh tế tuần hoàn và thực hiện cộng sinh công nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu sản xuất kinh doanh tập trung.

 

KHUYẾN NGHỊ

  1. Cần có sự phối hợp giữa các bộ nghành trong việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, cơ chế giám sát cho hoạt động tái sử dụng nước thải:

Nghị định số 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết các điều của Luật BVMT 2020 quy định “Bộ, cơ quan ngang bộ ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật hoặc quy định khi tái sử dụng nước thải làm nước đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường”. Ngoài ra Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, Quyết định số 1658/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2023, tầm nhìn 2050 cũng chưa có các quy định, quy chuẩn cụ thể về tuần hoàn, tái sử dụng nước thải. Do đó cần sớm triển khai đồng bộ việc xây dựng và ban hành các Hướng dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp để quản lý, giám sát, kiểm soát rủi ro và phát huy lợi ích kinh tế – xã hội – môi trường của việc tái sử dụng nước thải, cùng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, người sử dụng nước.

 

  1. Cần xây dựng đề án và thí điểm mô hình về tái sử dụng nước thải ở cấp doanh nghiệp, khu công nghiệp:

Các doanh nghiệp có nhu cầu trao đổi, mua bán nước thải sau xử lý có thể lập đề án về tái sử dụng nước thải và trình cơ quan quản lý nhà nước xem xét, trong đó phải tính đến các nguồn nước cấp cố định, quản lý rủi ro và kịch bản ứng phó sự cố, đảm bảo tính an toàn cho con người và môi trường.

 

 

 

Tải về
Chia sẻ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

(268)